Doanh nghiệp - Doanh nhân

Dự án BT của Văn Phú - Bắc Ái tại TP.HCM: Doanh nghiệp chi hàng nghìn tỉ, dự án vẫn chưa thành hình

Khải Anh 26/03/2024 - 11:31

Tại kỳ họp thường niên của Văn Phú - Invest tổ chức vào cuối tháng 4.2022, lãnh đạo Văn Phú - INVEST cho biết, cơ quan nhà nước đang nợ nhà đầu tư các khoản tiền đã bỏ ra để thực hiện dự án đường Phạm Văn Đồng - Gò Dưa. Do vậy, bản chất dự án càng để lâu càng sinh ra lãi và cơ quan nhà nước phải chịu nên TP.HCM cũng đang xúc tiến nhanh việc thanh toán cho nhà đầu tư.

Nhà đầu tư rót hàng nghìn tỷ

CTCP Đầu tư Văn Phú - INVEST (HOSE: VPI) vừa công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2023 cho biết, tính đến cuối năm 2023, doanh nghiệp này đã chi hơn 2.093 tỷ đồng cho Dự án xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - Quốc lộ 1 (dự án đường Phạm Văn Đồng - Gò Dưa), quận Thủ Đức (nay là TP Thủ Đức), TP.HCM.

pvd-gd.jpg
Đoạn vành đai 2 nối đường Phạm Văn Đồng - nút giao Gò Dưa trên bản đồ Google vệ tinh

Tuy nhiên, Văn Phú – INVEST đang phải trích lập gần 271 tỷ đồng cho dự án này. Được biết, đây là dự án được thực hiện theo hợp đồng xây dựng – chuyển giao (Hợp đồng BT) giữa UBND Thành phố Hồ Chí Minh với liên danh các nhà đầu tư.

Theo Hợp đồng BT nói trên, UBND Thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm bàn giao một số khu đất cho Công ty Cổ phần Văn Phú Bắc Ái để thanh toán hợp đồng BT và Công ty đang làm việc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được nhận bàn giao các khu đất này.

Cũng theo thuyết minh báo cáo tài chính Văn Phú – INVEST, tính đến 31/12/2023, tổng giá trị đầu tư ước tính còn phải thực hiện là 416,4 tỷ đồng.

Liên quan đến dự án này, hồi đầu năm 2024, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã có quyết định điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - Quốc lộ 1 (thành phố Thủ Đức). Thời gian thực hiện dự án là từ năm 2015 - 2026, thay vì giai đoạn 2015 - 2023 như trước đây.

Dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa dài 2,7 km, được đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), với tổng vốn hơn 2.700 tỷ đồng. Dự án được khởi công từ cuối năm 2017, nhưng đã ngưng thi công từ giữa năm 2020 đến nay do vướng giải phóng mặt bằng.

Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, lũy kế giá trị khối lượng thi công xây lắp toàn dự án đến nay đạt khoảng 43,8%. Tiến độ dự án thực hiện chậm so với kế hoạch, nguyên nhân chính do bồi thường giải phóng mặt bằng triển khai chậm; nhà đầu tư chưa được bàn giao mặt bằng để tiếp tục thi công công trình.

Trước đó, tại kỳ họp thường niên của Văn Phú - Invest tổ chức vào cuối tháng 4.2022, lãnh đạo đơn vị này cho biết, cơ quan nhà nước đang nợ nhà đầu tư các khoản tiền đã bỏ ra để thực hiện dự án. Do vậy, bản chất dự án càng để lâu càng sinh ra lãi và cơ quan nhà nước phải chịu nên TP.HCM cũng đang xúc tiến nhanh việc thanh toán cho nhà đầu tư.

Nói về diễn biến dự án, đại diện truyền thông Văn Phú – INVEST thông tin, phía doanh nghiệp đã có báo cáo gửi UBND TP.HCM và hiện đang chờ Thành phố cho ý kiến để thực hiện.

Dự án vẫn chưa thành hình?

Đáng nói, dù được báo cáo khối lượng thi công xây lắp toàn dự án đạt khoảng 43,8%, thế nhưng, theo khảo sát của phóng viên, tính đến thời điểm cuối tháng 3/2024, vẫn là tuyến đường Phạm Văn Đồng hiện hữu, chưa có kết nối gì với mé bên Gò Dưa.

gd1.jpg
Khu vực dự kiến kết nối nút giao Gò Dưa và đoạn 3 của vành đai 2. Người dân ai cũng muốn dự án triển khai nhanh để giao thông đi lại thuận lợi, đỡ tắc đường hơn

Trong khi đó, trao đổi với với phóng viên Báo Công lý, chị Nguyễn Thị Thương (ngụ Bình Dương), cho biết: “Tôi thường xuyên qua lại khu vực đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa nhưng vẫn chưa thấy dự án triển khai gì, chỉ nghe thông tin dự án bàn giao từ năm 2016. Người dân ai cũng muốn dự án triển khai nhanh để giao thông đi lại thuận lợi, đỡ tắc đường hơn. Bình thường tôi di chuyển từ Bình Dương lên TP.HCM mất khoảng 40 phút, nếu dự án này hoàn thành thì quãng đường di chuyển của tôi sẽ ngắn hơn nhiều”.

“Trước giờ, tôi cũng nghe láng máng có triển khai dự án gì đó nhưng đến giờ vẫn chưa thấy thực hiện. Chúng tôi chỉ mong TP.HCM sẽ có nhiều dự án giao thông được triển khai để nâng cao đời sống cho bà con, nhất là ở các khu vực thường xuyên kẹt xe”, một người đi đường cho biết.

Khải Anh