Miền Tây oằn mình chống hạn
Đời sống - Ngày đăng : 09:01, 13/04/2016
Để giúp người dân khu vực này vượt qua “cơn bão khô” được cho là khốc liệt nhất trong 100 năm qua, rất cần sự chung tay của toàn xã hội và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Cơn “khát” lịch sử
Từ xưa đến nay, ĐBSCL vốn nổi tiếng là vùng sông nước “gạo trắng, nước trong”, là vựa lúa, vựa cá chính của cả nước, nhưng mùa khô năm nay, hàng triệu người dân nơi đây đang phải điêu đứng trước thảm họa kép của hạn hán và xâm nhập mặn khắc nghiệt nhất trong vòng 100 năm qua. Sông ngòi nước mặn chát, kênh rạch cạn khô, ruộng đồng nứt nẻ, mặt đất trắng xóa muối khiến cho không chỉ lúa chết, tôm cá chết mà ngay cả con người cũng đang khắc khoải, mỏi mòn vì thiếu nước ngọt. Theo thống kê của Bộ NN&PTNN cho biết, đợt hạn mặn lịch sử hiện nay đã làm 9/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tổng diện tích lúa bị thiệt hại trên 139.000ha; nguy cơ cháy rừng cảnh báo cấp độ 4-5 (cấp độ cực kỳ nguy hiểm). Hiện 155.000 hộ gia đình (khoảng 575.000 người) thiếu nước sinh hoạt.
Theo một số nhà khoa học, lý do dẫn đến tình trạng ĐBSCL bị hạn hán và mặn xâm nhập đến sớm hơn, khốc liệt hơn và phạm vi ảnh hưởng rộng hơn là bởi mùa mưa năm 2015 đến trễ nhưng lại kết thúc sớm, mùa nắng thì kéo dài khiến cho lượng nước dự trữ bị sụt giảm đáng kể không đủ cung cấp cho sản xuất và sinh hoạt. Việc các nước ở khu vực thượng nguồn sông Mekong thời gian qua tiến hành xây dựng nhiều công trình thủy điện và tăng cường trữ nước đã khiến cho lượng nước đổ về hạ nguồn ĐBSCL bị giảm đi một nửa. Bên cạnh đó, hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu El Nino làm nước biển dâng cao gây xói lở bờ biển, dẫn đến tình trạng mặn xâm nhập vào đồng ruộng từ các cửa biển. Chính “tác động kép” này đã gây ra “hậu quả đôi”, khiến cho ĐBSCL phải oằn mình gánh hạn, gánh mặn.
Đồng ruộng nứt nẻ vì thiếu nước
Năm 2015, đỉnh lũ trên sông Cửu Long được ghi nhận ở mức thấp từ trước đến nay. Tổng lưu lượng dòng chảy thượng nguồn Mê Kông về khu vực ĐBSCL thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20 - 40%. Mực nước thấp và chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều dẫn đến mùa mùa khô 2016 ở ĐBSCL, xâm nhập mặn trên các sông sẽ sớm và sâu hơn.
Từ cuối tháng 12/2015, tại Trà Vinh, xâm nhập mặn đã xuất hiện trên hai triền sông sông Hậu và sông Cổ Chiên. Có khoảng 17.000 hộ dân vùng nông thôn giáp sông Cổ Chiên (huyện Càng Long) và các xã Long Đức, xã Nguyệt Hóa (TP. Trà Vinh), ấp Cồn Cò (xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành) bị ảnh hưởng do thiếu nước sinh hoạt bởi các trạm cấp nước không thể lấy nguồn nước từ sông. Còn ở Bến Tre, các huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú chịu ảnh hưởng nước mặn nặng nhất. Vùng lợ gồm huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc và TP. Bến Tre. Vùng ngọt chỉ có duy nhất huyện Chợ Lách và một vài xã của huyện Châu Thành.
Còn ở Cà Mau, theo tổng lượng mưa đo được thấp hơn trung bình nhiều năm về trước khoảng 10 - 25%. Nguồn nước bị thiếu khiến cho vùng đất tôm lúa của tỉnh này có độ mặn tăng cao vượt mức cho phép gấp nhiều lần. Ảnh hưởng của El Nino có thể kéo đến những tháng đầu năm 2016. Hiện 36.644ha đất lâm nghiệp có rừng thuộc vùng U Minh Hạ và rừng cụm đảo luôn đối mặt với nguy cơ cháy cao trong mùa khô này, công tác bảo vệ rừng càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Hàng trăm nghìn người dân thiếu nước
Những ngày qua, người dân ở một số tỉnh như Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Cà Mau... rất lo lắng khi nước mặn xâm nhập vào ruộng đồng, nhiều diện tích lúa bị cháy lá, hư hại. Để có nước sử dụng, bà con phải mua lại nước của những hộ dân có ghe đi mua nước từ nơi khác về bán lại. Giá mỗi m3 nước (chủ yếu là nước giếng) được mua tại gốc là 10.000 đồng/m³, chủ ghe vận chuyển về bán lại 30.000 đồng/m³. Tại khu vực giáp ranh với tỉnh Bạc Liêu, người dân xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, người dân mua lại nước của người kinh doanh với giá 33.000 đồng/m³.
Ông La Văn Bình: “Đây là đợt hạn hán khốc liệt nhất mà tôi từng chứng kiến...”
Theo ước tính của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng thì hiện toàn tỉnh có 80 xã bị xâm nhập mặn; khoảng 28.800 hộ với 140.000 người thiếu nước sạch. Hiện Trung tâm cũng đang có kế hoạch kéo thêm 28.000m đường ống để đưa nước sạch vào nhà các hộ dân nông thôn, kết hợp với việc cho xe bồn chở nước sạch cấp miễn phí cho hộ nghèo ở huyện Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu. Đồng thời, Trung tâm cũng bán trả góp 4.000 máy lọc nước cho bà con hai huyện Châu Thành và Mỹ Xuyên.
Ông La Văn Bình, 61 tuổi, một nông dân ở xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Hàng năm nước mặn cũng có vô, nhưng không hiểu sao năm nay bất thường quá. Đây là đợt hạn hán khốc liệt nhất mà tôi từng chứng kiến. Cứ cách khoảng 3 ngày là tôi phải mua 1m3 nước ngọt, với giá 70.000 đồng, dự trữ trong bồn để phục vụ nấu ăn và sinh hoạt. Bao nhiêu đó phải xài tiết kiệm lắm mới duy trì tới 10 ngày”.
Tình trạng thiếu nước ngọt sử dụng không chỉ xảy ra đối với các hộ gần biển, mà ngay cả những gia đình gần nhà máy nước cũng chịu chung cảnh ngộ bởi nguồn nước của nhà máy cũng bị nhiễm mặn. Tại Bến Tre, nước máy do Công ty Cấp thoát nước tỉnh Bến Tre cung cấp cho người dân cũng bị nhiễm mặn khoảng 1,2-1,6‰. Nước của một số nhà máy ở huyện của tỉnh này có độ mặn cao hơn nên người dân đã phải mua nước (được múc từ ao, mương) với giá 35.000 - 40.000 đồng/m³.
Chung tay chống “bão”
Thông tin từ Chi cục Thủy lợi Hậu Giang cho biết: Mỗi năm Hậu Giang phải đắp 80 đập thời vụ để bảo vệ 5.000ha đất sản xuất của thị xã Vị Thanh và huyện Long Mỹ. Hậu Giang đang rất lo nước mặn từ Cà Mau và Bạc Liêu theo con sông Quản Lộ Phụng Hiệp xâm nhập sâu sẽ ảnh hưởng sản xuất vì đây là vùng sản xuất cây ăn trái. Tại Cà Mau, gần 20.000ha/36.000ha lúa gieo cấy bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn, ước tính thiệt hại về tài sản lên đến 15 tỷ đồng.
Còn ở Tiền Giang, tỉnh cũng đang xin chủ trương Trung ương đầu tư hệ thống dẫn nước ngọt từ sông Tiền sang phục vụ cho dự án ngọt hóa Gò Công. Để bảo vệ 38.000 ha lúa Đông Xuân ở các huyện phía Đông và khoảng 30.000 ha lúa Hè Thu năm 2016 ở các huyện phía Tây, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã Gò Công, Cai Lậy và TP. Mỹ Tho khẩn trương chống hạn, mặn; nạo vét kênh mương, vệ sinh rong cỏ, giải phóng chướng ngại vật lòng kênh…
Trước tình hình phức tạp của hạn, mặn, Chính phủ cũng đã cung cấp khoảng 700 tỷ đồng để hỗ trợ các tỉnh xây dựng trạm bơm nước ngọt, hệ thống dẫn nước, chở nước đến cho nhân dân, hỗ trợ thiệt hại 2 triệu đồng/ha để nhân dân mua giống cho vụ sau. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công nhiều công trình thủy lợi ngăn mặn và trữ nước ngọt… Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, các giải pháp hiện nay chỉ mang tính chất tình thế, muốn phát triển lâu dài và bền vững trước xu thế biến đổi khí hậu ngày càng rõ, cần thực thi các biện pháp dài hạn và đồng bộ, không chỉ là việc điều chỉnh lại cơ cấu mùa vụ, chọn loại cây - con phù hợp, chuyển đổi sang các ngành nghề phi nông nghiệp mà còn xây dựng các công trình trữ nước ngọt cho kế hoạch lâu dài, bền vững…
Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL tập trung bảo đảm đời sống nhân dân, tổ chức rà soát, nắm chắc số hộ thiếu đói, thiếu nước ngọt sinh hoạt, nhất là đối với các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số để kịp thời thực hiện hỗ trợ theo quy định. Triển khai thực hiện các biện pháp phù hợp (lắp đặt hệ thống đường ống dẫn nước, chở nước ngọt cung cấp cho nhân dân…) nhằm bảo đảm nguồn nước ngọt hợp vệ sinh phục vụ sinh hoạt của nhân dân và hoạt động của các bệnh viện, cơ sở y tế, trường học, không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt, sử dụng nước không hợp vệ sinh dẫn tới bùng phát dịch bệnh.
Tại hội nghị trực tuyến với các địa phương về công tác ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn năm 2015-2016 mới đây, nhiều nhà khoa học đã nhấn mạnh, sự suy kiệt nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông do việc gia tăng sử dụng nước và đặc biệt là xây dựng một loạt các hồ thủy điện là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cạn nước, xâm nhập mặn ngày càng gay gắt tại các tỉnh ĐBSCL. Vì thế, một trong những giải pháp căn cơ nhất để đối phó với tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn ở vựa lúa lớn nhất Việt Nam là cần tăng cường hợp tác trong quản lý và chia sẻ nguồn nước một cách công bằng và hợp lý giữa các nước trên lưu vực sông Mê Kông.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo: nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất và dân sinh ngày càng quý hiếm cần phải được bảo vệ. Các địa phương cần chuẩn bị các phương án cấp nước ngọt phục vụ dân sinh cho những vùng bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn; các cơ quan quản lý khoa học kịp thời dự báo diễn biễn của thủy văn để giúp các địa phương chuyển đổi sản xuất theo hướng an toàn để nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân trong những năm tiếp theo.
Mấy ngày vừa qua, tình trạng hạn hán ở ĐBSCL đã giảm đi phần nào do phía Trung Quốc tăng lưu lượng xả nước từ đập thủy điện Cảnh Hồng (tỉnh Vân Nam) xuống hạ lưu sông Mê Kông từ mức 1.100m3/giây lên 2.190m3/giây từ ngày 15/3 đến 10/4. Tuy nhiên, lượng nước mà Trung Quốc xả chỉ có thể cứu hạn cho những vùng đất nằm đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu thuộc hai tỉnh Đồng Tháp, An Giang, giúp bà con nông dân xuống giống lúa hè thu. Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, trong tháng 4, nước ngọt sẽ về đến các tỉnh ven biển, trong phạm vi cách biển 25-40km… |