Văn hóa - Du lịch

Cây gạo cổ thụ bung hoa khoe sắc ở thượng nguồn sông Gianh

Minh Phương 24/03/2024 - 19:10

Cây gạo cổ thụ hàng trăm năm ở thượng nguồn sông Gianh đang bung hoa khoe sắc, chuẩn bị đón nhận Cây di sản đầu tiên của tỉnh Quảng Bình.

Theo ông Hồ Duy Thiện, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa huyện Tuyên Hóa cho biết, cây gạo cổ thụ (ở thôn 3 Thiết Sơn, Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) có từ hàng trăm năm. Trước đó có 4 cây, nhưng do chiến tranh, bom đạn, gió bão… nên chỉ còn lại cây gạo duy nhất này.

z5251481694292_45f258ed058006f74ee7a69635f9c3ef.jpg
Đây là cây gạo cổ thụ có kích thước lớn nhất còn sót lại ở vùng quê xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa.

“Cây gạo này cao khoảng 25m, đường kính từ 1m trở xuống gốc 4,5m, chu vi sát gốc 18m. Điều đáng nói, hoa gạo thường có 2 màu hoa đỏ và trắng. Tuy nhiên cây gạo ở thôn 3, Thiết Sơn, xã Thạch Hóa lại có hoa màu vàng cam nên rất khác biệt”, ông Thiện cho biết.

z5251481687869_dfce5bcd257fd218f12a10f4bdc17847.jpg
Cây gạo nhìn từ trên cao, một bên là cánh đồng mênh mông, một bên là những dãy núi đá vôi trùng điệp.

Cụ Mai Xuân Thưởng (92 tuổi, ở thôn Thiết Sơn, Thạch Hóa) cho hay: “Vào tháng 3, khi tiết trời ấm áp, hoa bắt đầu nở. Từ những bông đầu tiên, sau đó hoa nở dần đỏ rực cả cây báo hiệu thời tiết chuyển sang mùa hè. Theo đó, nhiều loài chim, thú thường tìm đến cây gạo cổ thụ để kiếm ăn, hót líu lo trên cành, một bên là sông Gianh, một bên là những dãy núi đá vôi trùng điệp, tạo nên một khung cảnh hữu tình”, cụ Thưởng nói.

z5251481711031_bfdca5f4b2be269dcc364dafd7efb629-1-.jpg
Điều đặc biệt của cây gạo cổ thụ này là hoa màu vàng cam, một màu sắc hiếm thấy đối với cây gạo.

Ông Trần Văn Bằng, Chủ tịch UBND xã Thạch Hóa cho hay, cây gạo cổ thụ hoa vàng cam là niềm tự hào của người dân địa phương, là biểu tượng của sức sống mãnh liệt, tinh thần đoàn kết của người dân Thạch Hóa. Hiện địa phương đang triển khai mở đường vào khu vực cây gạo để phục vụ nhu cầu tham quan, chiêm ngưỡng của người dân và du khách.

z5251481700475_f8c6f5995451e1801c73e9eb74a4691f.jpg
Cây gạo cổ thụ ở Thạch Hóa bung hoa khoe sắc.

“Dự kiến đầu tháng 4/2024, UBND xã Thạch Hóa sẽ tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Theo đó, địa phương sẽ kết hợp để đón nhận bằng công nhận Cây di sản do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trao tặng”, ông Bằng thông tin thêm.

z5251481710917_7ecd6f016983847c6f6f339d7c96e922.jpg
Hoa màu vàng cam, một màu sắc hiếm thấy của cây hoa gạo.
z5280068516141_e20d378bcfa48e405ef2a293dc07f7f6.jpg
Ông Hồ Duy Thiện, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa huyện Tuyên Hóa bên gốc cây gạo cổ thụ.
z5280068126513_dc87348dd162fad3b32c4f36f4d7fc4f.jpg
Cây gạo này cao khoảng 25m, đường kính từ 1m trở xuống gốc 4,5m, chu vi sát gốc 18m.
z5251481697289_34661797b8a036fec3bbb8f211825325.jpg
Vào tháng 3, khi tiết trời ấm áp, hoa bắt đầu nở.
z5251481701348_a928eb610031ceeb15d0e84151d5f3ef.jpg
Hoa gạo cổ thụ khoe sắc những ngày đầu tháng Ba.

Năm 2023, Hội Di sản Văn hóa huyện Tuyên Hóa đã xây dựng hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét công nhận cây gạo cổ thụ ở Thạch Hóa là Cây di sản Việt Nam. Đến ngày 23/5/2023, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã có văn bản thông báo “Cây gạo ở thôn 3 Thiết Sơn, xã Thạch Hóa được xét duyệt là Cây di sản Việt Nam”.

Minh Phương