Lực lượng an ninh chuyên biệt tại các bệnh viện: Nên hay không?

Đời sống - Ngày đăng : 06:45, 12/04/2016

Trước tình trạng mất an ninh trật tự tại các bệnh viện khi nhiều vụ côn đồ dùng hung khí tấn công, truy sát bệnh nhân thời gian vừa qua, có ý kiến cho rằng cần có lực lượng an ninh chuyên biệt cho các bệnh viện.

Kinh hoàng côn đồ xông vào bệnh viện truy sát

Khoảng gần 23h ngày 4/4, tại Khoa cấp cứu Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên, một nhóm đối tượng khoảng 6 người ngang nhiên xông vào hành hung anh Trương Thế Dương (SN 1991, trú tại xã Hòa Bình, huyện Đồng Hỷ) đang được cấp cứu tại đây. Theo các bác sỹ, nạn nhân Dương bị mất nhiều máu và đứt 2 gân tay do bị chém, phải khâu nhiều mũi.

Trước đó, ngày 10/1, Công an tỉnh Vĩnh Long đã thi hành lệnh bắt khẩn cấp với Khưu Văn Minh (27 tuổi, tạm trú xã An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) để điều tra vụ vào tận phòng cấp cứu truy sát bệnh nhân xảy ra tại Vĩnh Long. Tại cơ quan điều tra, Minh khai do mâu thuẫn cá nhân nên trưa 10/1, Minh thủ dao đi tìm ông Lâm Kim Hoàng để đâm.

Khi đến địa phận xã Long Phước, huyện Long Hồ thì gặp ông Hoàng nên đối tượng dùng dao đâm ông bị thương. Ông Hoàng bỏ chạy và được người dân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long.

Sau đó Minh tiếp tục tìm đến Bệnh viện, lợi dụng lúc các bác sĩ đang cấp cứu bệnh nhân, Minh dùng dao thái lan đâm hai nhát vùng thắt lưng và vùng đùi phải ông Hoàng rồi bỏ chạy. Ông Hoàng được chuyển sang cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ ngay sau đó.

Chưa dừng lại ở đó, đến khoảng 16h15, khi Công an đang tiếp nhận hiện trường thì Minh tiếp tục dùng một con dao khác đến khu vực cấp cứu, quan sát tìm người bị hại, mục đích tấn công tiếp nhưng đã bị lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ.

Một vụ truy sát khác xảy ra vào ngày 27/10/2015, tại Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi. Nạn nhân là Trần Anh Tuấn, 32 tuổi, ngụ phường Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi. Anh này bị một nhóm 3 thanh niên đi trên một xe máy, tay cầm mã tấu xông thẳng vào Khoa cấp cứu chém trọng thương. Nhóm thanh niên trên cũng đập một máy điện tim cùng nhiều tài sản khác của bệnh viện.

Lực lượng an ninh chuyên biệt tại các bệnh viện: Nên hay không?

Hiện trường vụ côn đồ xông vào Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi tấn công bệnh nhân

Khoảng 22 giờ tối 10/10/2015, ông Bùi Văn Tiến (43 tuổi, ngụ huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) tổ chức ăn nhậu nhà riêng, trong đó có Phạm Văn Hưng (21 tuổi). Do có mâu thuẫn từ trước nên khi thấy Hưng, nhóm của Nguyễn Văn Quyền (21 tuổi) bất ngờ cầm mã tấu xông vào tấn công.

Hai phe đánh nhau quyết liệt, Quyền và Hưng bị thương nặng nhất, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận ngay trong đêm. Khi các bác sĩ đang cấp cứu cho cả hai nạn nhân thì Cảnh (bạn thân của Quyền) trà trộn vào bệnh viện, dùng dao truy sát Hưng rồi tẩu thoát.

Nỗi bất an thường trực

Thời gian qua, dù các bệnh viện đã có những biện pháp tăng cường an ninh trật tự, nhằm ngăn ngừa côn đồ tấn công nhưng nguy cơ và nỗi bất an vẫn đang thường trực với các bệnh nhân và nhân viên y tế.

Trên thực tế, công tác an ninh trong các bệnh viện vẫn đang hết sức lỏng lẻo, chưa được quan tâm đúng mức. Hầu hết các bệnh viện đều có đội ngũ bảo vệ nhưng chủ yếu chỉ làm nhiệm vụ hướng dẫn, trông ôtô, xe máy, còn vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn cho cán bộ, nhân viên y tế và người bệnh vẫn chưa được chú trọng.

Như vụ truy sát tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long - lực lượng vệ sĩ chuyên nghiệp túc trực tại bệnh viện chỉ đứng nhìn hoặc bỏ chạy khi Khưu Văn Minh xông vào Khoa Cấp cứu đâm bệnh nhân Hoàng.

Một  trong  những  hành  lang  pháp lý quan trọng cho việc triển khai công tác đảm bảo an ninh trật tự là Bộ Y tế đã đưa an ninh trật tự tại bệnh viện là một trong 83 tiêu chí đánh giá trong Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện được ban hành theo Quyết định 4858/QĐ-BYT ngày 3/12/2013. Tuy nhiên, giữa quy định và thực tế vẫn là khoảng cách khá xa.

Liên quan đến vấn đề an ninh trật tự tại các bệnh viện, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê, cho rằng: Cần phải coi trọng an toàn, an ninh bệnh viện như công tác khám chữa bệnh. Tình trạng mất an ninh trật tự tại bệnh viện có các nguyên nhân chủ yếu như: tình hình chung của trật tự an ninh xã hội phức tạp, trong khi các biện pháp bảo đảm an ninh ở nhiều bệnh viện chưa được quan tâm đúng mức; sự quá tải ở một số bệnh viện đã tạo cơ hội cho một số cá nhân trục lợi; lực lượng an ninh chưa đủ mạnh cả về số lượng và chất lượng; hệ thống kỹ thuật an ninh hỗ trợ chưa có, hoặc chưa đủ…

Một số ý kiến cho rằng, trước đây, tại các trụ sở tòa án cũng từng xảy ra tình trạng náo loạn, mất an ninh trật và lực lượng hỗ trợ tư pháp đã được thành lập. Nên chăng, cũng cần thành lập một lực lượng an ninh chuyên biệt để đảm bảo an ninh tại các bệnh viện tuyến trung ương, các bệnh viện quá tải.

Thực tế, nếu ngành nào cũng đòi hỏi có lực lượng an ninh chuyên biệt thì rất khó. Tuy nhiên với ngành y tế, liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người dân, thì có lẽ cũng cần một lực lượng có đủ thẩm quyền, được trang bị tốt để ứng phó với các tình huống nguy hiểm, bất ngờ để đảm an toàn cho bệnh nhân và các nhân viên y tế.

Bảo Nam