Trường hợp không cấp phép mở Văn phòng đại diện cho tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được quy định tại Nghị định số 14/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 28/NĐ-CP ngày 01/3/2018, quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về một số biện pháp phát triển ngoại thương vừa được Chính phủ ban hành.
Liên quan đến việc cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam, Nghị định số 14/2024/NĐ-CP sửa đổi điểm c khoản 6 Điều 26. Theo đó, một trong các trường hợp không cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện khi có dấu hiệu, bằng chứng cho thấy tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài thành lập Văn phòng đại diện để tổ chức thực hiện hoặc tham gia hoặc tài trợ cho các hoạt động gây phương hại đến an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội và trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
Trước đây, Nghị định số 28/NĐ-CP quy định: Sau khi cấp Giấy phép thành lập, cơ quan cấp Giấy phép gửi bản sao Giấy phép tới Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Sở Công Thương, cơ quan thuế, cơ quan thống kê, cơ quan công an cấp tỉnh nơi Văn phòng đại diện đặt trụ sở.
Nghị định số 14/2024/NĐ-CP sửa đổi quy định này như sau: Sau khi cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam, cơ quan cấp Giấy phép gửi bản điện tử của Giấy phép tới Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên toàn quốc, các cơ quan cấp tỉnh nơi Văn phòng đại diện đặt trụ sở, bao gồm: UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan thuế, cơ quan thống kê, cơ quan công an và công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan cấp Giấy phép.
Nghị định số 14/2024/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung quy định: Trường hợp hoạt động của Văn phòng đại diện có liên quan đến xúc tiến thương mại cho hàng hóa, dịch vụ chuyên dùng phục vụ an ninh, quốc phòng, cơ quan cấp Giấy phép báo cáo UBND cấp tỉnh có văn bản xin ý kiến của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng về việc cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trả lời bằng văn bản trong thời hạn không quá 14 ngày kể từ ngày nhận được văn bản.
Về chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Nghị định số 14/2024/NĐ-CP sửa đổi khoản 2, bổ sung thêm điểm c vào sau điểm b khoản 5, sửa đổi khoản 7 và khoản 8 Điều 33.
Theo đó, các trường hợp sẽ bị thu hồi Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện như: Không chính thức đi vào hoạt động trong thời gian 06 tháng kể từ ngày được cấp Giấy phép; Ngừng hoạt động 06 tháng liên tục mà không thông báo với cơ quan cấp Giấy phép thành lập; Không hoạt động đúng chức năng của Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên; Có bằng chứng cho thấy Văn phòng đại diện tổ chức thực hiện hoặc tham gia hoặc tài trợ cho các hoạt động gây phương hại đến an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội và trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của Việt Nam;
Giấy phép Văn phòng đại diện cũng sẽ bị thu hồi khi cơ quan cấp Giấy phép nhận được thông báo chính thức từ các cơ quan có thẩm quyền về việc vi phạm pháp luật về lao động của Việt Nam đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài, Văn phòng đại diện;
Trường hợp cơ quan cấp Giấy phép nhận được thông báo chính thức từ các cơ quan có thẩm quyền về việc tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài thuộc danh sách bị áp dụng các biện pháp trừng phạt theo các Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thì giấy phép Văn phòng đại diện sẽ lập tức bị thu hồi.
Nghị định số 14/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 25/3/2024.