Chuyển động

Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết đầu tiên về AI

Hà Mai 22/03/2024 - 15:03

Ngày 21/3, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết toàn cầu đầu tiên về trí tuệ nhân tạo (AI), để khuyến khích các thành viên đảm bảo công nghệ AI là “an toàn, bảo mật và đáng tin cậy”.

Được đề xuất bởi Mỹ và được 123 quốc gia khác trong đó có Trung Quốc đồng tài trợ, nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về trí tuệ nhân tạo được coi là “bước quan trọng đầu tiên”.

ai.jpg
Giống như các doanh nghiệp, các chính trị gia đang cố gắng quản lý được AI và những thay đổi mà nó có thể mang lại. (Ảnh:DW)

Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết: “Hôm nay, tất cả 193 thành viên của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã cùng lên tiếng và cùng nhau lựa chọn quản lý trí tuệ nhân tạo thay vì để nó chi phối chúng ta”.

Nghị quyết do Mỹ đề xuất và được Trung Quốc cùng 122 quốc gia khác đồng bảo trợ và là một nghị quyết không mang tính ràng buộc. Tuy nhiên, việc bỏ phiếu nhất trí ủng hộ nó là rất hiếm, đặc biệt là trong bối cảnh bất ổn địa chính trị đang diễn ra.

Nghị quyết được đưa ra khi các chính phủ trên toàn cầu đang nghiên cứu các sáng kiến ​​nhằm định hình và điều chỉnh sự phát triển của AI trong bối cảnh lo ngại nó có thể làm gia tăng gian lận, dẫn đến mất việc làm và thậm chí phá vỡ các quy trình dân chủ.

Biện pháp này cho biết: “Việc thiết kế, phát triển, triển khai và sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo không đúng hoặc có ác ý sẽ gây ra những rủi ro có thể, làm suy yếu việc bảo vệ, thúc đẩy và hưởng thụ các quyền con người cũng như các quyền tự do cơ bản”.

Vào tháng 11/2023, Mỹ, Anh và hơn chục quốc gia khác đã ký một thỏa thuận quốc tế không ràng buộc về cách giữ cho AI có những thiết kế an toàn để nó không bị những kẻ lừa đảo lạm dụng. Thỏa thuận này phần lớn xuất phát từ quan điểm an ninh mạng.

Liên minh châu Âu, vào ngày 13/3, đã phê duyệt bộ quy tắc AI toàn diện đầu tiên có khả năng có hiệu lực vào tháng 5 hoặc tháng 6. Trong khi đó các nước như Mỹ và Trung Quốc hiện đang soạn thảo hướng dẫn.

Các quốc gia khác như Ấn Độ và Nhật Bản cũng đã có những nỗ lực đáng chú ý và đưa ra các hướng dẫn về AI.

Tuy nhiên, rất ít trong số những nỗ lực này mang lại bất kỳ lợi ích hay quyền lực pháp lý và quy định nào.

Hà Mai