Kiểm soát chặt chẽ, tránh tăng giá
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) đặt vấn đề: Luật Giá số 16 được Quốc hội khóa 15 thông qua tại kỳ họp thứ 5 vừa qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Được biết, hiện Bộ Tài chính đang tham mưu và dự thảo các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Giá. Để Luật Giá đi vào cuộc sống, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết theo quy định của pháp luật về giá thì việc định giá hàng hóa, dịch vụ hiện nay được thực hiện như thế nào. Vai trò quản lý của các bộ, ngành và UBND tỉnh sẽ được thể hiện như thế nào?
Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Vai trò của UBND tỉnh, của các bộ ngành được phân định rất rõ tại Luật Giá. Ở Trung ương, Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ trong quản lý nhà nước về giá; đối với những mặt hàng thuộc các chuyên ngành, thì các bộ chuyên ngành sẽ có vai trò trực tiếp quản lý về giá.
Về UBND tỉnh thì quản lý về giá trong phạm vi chức năng của mình và các sở, ngành của tỉnh sẽ tham mưu cho UBND tỉnh để quản lý về giá, những mặt hàng nào Nhà nước định giá, những mặt hàng nào bình ổn giá…
Năm 2023 chỉ số giá CPI chỉ có 3,25% nhưng nửa đầu quý 1 năm 2024 tăng lên đột biến, vì vậy việc kiểm soát cần được chặt chẽ, tránh tăng giá ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân. Theo Bộ trưởng, trong nhóm CPI có trên 700 hàng hóa, cần có giải pháp, trong đó can thiệp gián tiếp hoặc trực tiếp.
Bộ sẽ tham mưu chính sách tài khóa, tiền tệ để hạn chế hoặc rút bớt tiền trong lưu thông. Tạo điều kiện, mở nút thắt để sản xuất kinh doanh phát triển để tạo hàng hóa dồi dào … ví dụ về giá xăng dầu, đã phối hợp với Bộ Công thương đa dạng nguồn cung xăng dầu và có giải pháp giảm chi phí định mức. Còn với chi phí thuế, Bộ Tài chính cũng có giải pháp tiết giảm để đảm bảo quan hệ cung cầu. Hệ thống cung cấp cũng hạn chế đầu mối trung gian, đảm bảo nguồn cung và giá cả hợp lý.
Trước đó, liên quan đến các quy định về biện pháp bình ổn giá, Bộ Tài chính cho biết đã cụ thể hóa việc triển khai bình ổn giá trong các trường hợp nhằm đảm bảo thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện.
Cùng với đó, việc củng cố các biện pháp bình ổn giá theo hướng tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương để kịp thời ổn định mặt bằng giá hàng hóa, dịch vụ trong các trường hợp khẩn cấp cũng là một điểm mới của Luật Giá (sửa đổi) nhằm hướng đến việc bảo vệ quyền, lợi ích của người dân, đảm bảo an sinh xã hội.
Ngoài ra, các biện pháp về kê khai giá, niêm yết giá cũng được quy định rõ tại Luật nhằm đảm bảo các biện pháp kiểm soát gián tiếp đối với giá hàng hóa, dịch vụ; hướng đến tăng cường công khai, minh bạch trong việc mua, bán, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể kinh tế, trong đó có quyền, lợi ích của người dân, nhất là người dân nghèo.
Bộ Tài chính khẳng định Luật Giá (sửa đổi) sẽ xác định rõ ranh giới, mức độ, phạm vi, biện pháp điều tiết của Nhà nước đối với thị trường trên cơ sở tôn trọng quy luật thị trường, khắc phục những tác động tiêu cực của thị trường; đồng thời, vẫn phải bảo đảm quyền tự định đoạt, tự do kinh doanh của doanh nghiệp; tiếp tục đổi mới để làm tăng tính cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, tránh can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính.
Bên cạnh đó, phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, nhất là đối tượng yếu thế nhưng không bao cấp. Luật Giá (sửa đổi) sẽ cụ thể hóa nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến việc ổn định giá cả hàng hóa, dịch vụ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, nhất là người dân nghèo.
Công tác quản lý giá cũng phải góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; thúc đẩy xã hội hóa hoạt động cung cấp dịch vụ công.