Chuyên gia nói gì về việc thu thập dữ liệu cá nhân người có hành vi bạo lực gia đình?
Một số chuyên gia Luật cho rằng dữ liệu cá nhân thuộc về bí mật cá nhân và là một trong những quyền nhân thân quan trọng, liên quan đến rất nhiều vấn đề. Vì vậy, việc khai thác, sử dụng dữ liệu cá nhân cần thận trọng, không được trái với ý chí cá nhân.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Nghị định quy định cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ). Thời gian lấy ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân cho Dự thảo bắt đầu từ ngày 18/3 đến ngày 18/5. Điều khiến nhiều người quan tâm đó là Nghị định quy định việc thu thập dữ liệu khá “nhạy cảm” liên quan đến đời tư cá nhân.
Thận trọng khi khai thác dữ liệu cá nhân
Cụ thể là tại Điều 5 của dự thảo Nghị định quy định “Nguồn thu thập dữ liệu về PCBLGĐ”, như: Số định danh cá nhân/số chứng minh nhân dân; mối quan hệ với người bị bạo lực; hành vi bạo lực gia đình (BLGĐ) đã thực hiện (ghi rõ từng hành vi); tình trạng sức khỏe tâm thần tại thời điểm thực hiện hành vi bạo lực (mô tả rõ); thái độ khi được yêu cầu chấm dứt hành vi BLGĐ; biện pháp ngăn chặn hành vi BLGĐ; biện pháp xử lý, giáo dục người có hành vi BLGĐ tại thời điểm xảy ra hành vi và sau khi xảy ra hành vi BLGĐ;
Đối với người bị BLGĐ dữ liệu thu thập gồm: số định danh cá nhân/số chứng minh nhân dân; hành vi bạo lực mà người bị BLGĐ phải chịu (ghi rõ từng hành vi bạo lực và người đã thực hiện hành vi bạo lực); tình trạng sức khỏe của người bị BLGĐ (tại thời điểm bị BLGĐ); các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ tại thời điểm xảy ra hành vi và sau khi xảy ra hành vi BLGĐ.
Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Khánh Toàn, (Giám đốc Công ty luật TNHH Chính Tín, Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Dữ liệu cá nhân bao gồm rất nhiều thông tin như: họ tên, giới tính, ngày, tháng, năm sinh; ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích; Nơi sinh, nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi ở hiện tại, quê quán, địa chỉ liên hệ; quốc tịch; Hình ảnh của cá nhân; Số điện thoại, số chứng minh nhân dân, số định danh cá nhân, số hộ chiếu, số giấy phép lái xe, số biển số xe, số mã số thuế cá nhân, số bảo hiểm xã hội, số thẻ bảo hiểm y tế; Tình trạng hôn nhân; Thông tin về mối quan hệ gia đình (cha mẹ, con cái)…
Ngoài ra, còn có dữ liệu cá nhân “nhạy cảm” là dữ liệu cá nhân gắn liền với quyền riêng tư của cá nhân mà khi bị xâm phạm sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân gồm: Quan điểm chính trị, quan điểm tôn giáo; Tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án, không bao gồm thông tin về nhóm máu; Thông tin về thuộc tính vật lý, đặc điểm sinh học riêng của cá nhân; Thông tin về đời sống tình dục, xu hướng tình dục của cá nhân; Dữ liệu về tội phạm, hành vi phạm tội được thu thập, lưu trữ bởi các cơ quan thực thi pháp luật…
Nghị định 13/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân quy định dữ liệu cá nhân là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự trên môi trường điện tử gắn liền với một con người cụ thể hoặc giúp xác định một con người cụ thể.
“Việc khai thác dữ liệu cá nhân phải tuân thủ các nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân theo quy định. Cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân tùy theo mức độ có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự”, Luật sư Toàn nhấn mạnh và cho biết Cơ quan soạn thảo cần thận trọng khi khai thác nguồn dữ liệu cá nhân.
Cần cụ thể hóa từng hành vi bạo lực gia đình
Đánh giá cao nội dung Dự thảo, luật sư Hà Thị Khuyên, (Trưởng Văn phòng Luật sư Nhân Chính, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Dự thảo Nghị định quy định cơ sở dữ liệu về PCBLGĐ được xây dựng mục đích nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về PCBLGĐ từ đó phục vụ cho công tác PCBLGĐ được hiệu quả hơn. Giúp các cơ quan Nhà nước nắm được thực trạng BLGĐ hiện nay để ban hành những chính sách trợ giúp bảo vệ những nạn nhân của hành vi BLGĐ được tốt hơn, đồng thời có chế tài phù hợp với người thực hiện hành vi BLGĐ.
Theo luật sư, việc khai thác, sử dụng dữ liệu thông tin cá nhân (số định danh cá nhân/số chứng minh nhân dân) về PCBLGĐ thì chỉ phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về vấn đề này. Thông tin về bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong Cơ sở dữ liệu về PCBLGĐ chỉ được sử dụng nội bộ để bảo vệ người bị bạo lực gia đình và thành viên gia đình, xử lý người có hành vi bạo lực gia đình; không được công bố dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được người bị BLGĐ, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị BLGĐ đồng ý bằng văn bản theo quy định của pháp luật về phòng, chống BLGĐ.
Khoản 1, Điều 8 dự thảo Nghị định cũng đã quy định rõ ngoài phục vụ công tác quản lý nhà nước, thì mọi hành vi khai thác, sử dụng thông tin không đúng thẩm quyền là vi phạm quy định về bảo mật thông tin và phải được xử lý theo quy định của pháp luật. "Vì vậy, người dân cũng không nên lo lắng về việc thông tin cá nhân và đời tư sẽ bị công khai", Luật sư Khuyên tin tưởng.
Tuy nhiên, theo luật sư Khuyên, cần cụ thể hóa từng hành vi BLGĐ và mức độ hành vi BLGĐ để có thể định lượng được, tránh thống kê một cách chung chung, hành vi ở mức độ nào thì được xem là hành vi bạo lực, bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế, bạo lực tình dục… mức độ ra sao.
"Đồng thời có chính sách khuyến khích người dân phản ánh hành vi bạo lực thì mới mang lại kết quả bền vững, bởi lâu nay phần lớn nạn nhân bạo lực đều giấu kín việc bị bạo lực do sự ảnh hưởng tới uy tín, danh dự, nên việc thu thập dữ liệu nhạy cảm này sẽ rất khó khăn, khó phản ánh đúng thực trạng bạo lực gia đình trên cả nước", Luật sư Khuyên góp ý.
Trong khi đó, PGS.TS Phùng Trung Tập, giảng viên cao cấp Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, việc thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu như dự thảo Nghị định là cần thiết, góp phần tăng cường quản lý trật tự xã hội, giúp ích cho việc điều tra xã hội học trong lĩnh vực PCBLGĐ.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Phùng Trung Tập, dữ liệu cá nhân thuộc về bí mật cá nhân và là một trong những quyền nhân thân quan trọng, liên quan đến rất nhiều vấn đề, do đó việc khai thác, sử dụng dữ liệu cá nhân không được trái với ý chí cá nhân.
Cùng với đó cũng cần làm rõ cơ quan nào có quyền tiếp cận, khai thác thông tin, nhằm mục đích gì, tránh tình trạng bịa đặt, lộ lọt, mua bán thông tin, gây nguy hiểm cho cá nhân.