Trương Mỹ Lan dùng 1.650 tỷ đồng khắc phục hậu quả cho chồng và cháu gái
Sáng 21/3, TAND TP.HCM tiếp tục phần tranh luận trong vụ án Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và đồng phạm. Các luật sư tiếp tục phần bào chữa đối với thân chủ của mình.
Mở đầu chủ tọa lưu ý, trình tự bào chữa của luật sư do chủ tọa chỉ định, không theo thứ tự luật sư đăng ký. Sáng nay bị cáo Trương Mỹ Lan tới trễ vì cùng luật sư viết đơn, nội dung dùng tiền xin khắc phục hậu quả cho bị cáo Trương Huệ Vân và bị cáo Chu Lập Cơ.
Theo đơn, bị cáo Trương Mỹ Lan xin HĐXX xem xét số tiền thuộc sở hữu của bị cáo khoảng 1.650 tỷ đồng. Gồm, 1.000 tỷ đồng do bị cáo Nguyễn Cao Trí khắc phục hậu quả và 650 tỷ đồng là do các cá nhân khác trả.
Bị cáo Lan muốn dùng 1.350 tỷ đồng chuyển qua cho bị cáo Trương Huệ Vân khắc phục hậu quả trong vụ án. Còn 300 tỷ đồng sẽ dùng khắc phục hậu quả cho bị cáo Chu Lập Cơ.
Tại Tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Chu Lập Cơ trình bày, bị cáo Chu Lập Cơ không có tình tiết tăng nặng, đối với mức án 11-12 năm là quá nặng. Luật sư không tranh luận về tội danh của bị cáo Cơ, chỉ đề nghị HĐXX xem xét quá trình phạm tội của bị cáo.
Theo luật sư, trước khi hợp nhất 3 ngân hàng, bị cáo Lan và bị cáo Cơ có nhiều tài sản. Sau đó cả 2 bị cáo này cho SCB mượn tài sản để đưa vào tái cơ cấu, tránh SCB bị sụp đổ, không ngờ bị phạm tội.
Đối với phần định giá toà nhà Times Square của Công ty Hoàng Quân, luật sư cho rằng chưa chính xác. Công ty Hoàng Quân chỉ định giá giá trị tài sản gắn liền với đất chứ không thẩm định tài sản là đất. Kết quả thẩm định này gây thiệt thòi rất lớn cho thân chủ Chu Lập Cơ.
“Times Square là tâm quyết, gắn liền với sự nghiệp của bị cáo Chu Lập Cơ. Lúc thế chấp tài sản này, mục đích là tái cơ cấu cho SCB chứ không có vụ lợi gì cho thân chủ tôi. Đó là sự đóng góp công lao của bị cáo Cơ để SCB khỏi bị sụp đổ”, luật sư trình bày.
Luật sư cũng trình bày về nguồn gốc của bị cáo Cơ là gia đình tri thức, xem Việt Nam là quê hương thứ 2, luôn đau đáu tạo điều kiện tốt nhất để khắc phục hậu quả. Bị cáo Cơ đã thành khẩn khai báo, không quanh co chối tội, phạm tội lần đầu, nhận Huân Lao động Hạng 3 do Chủ tịch nước trao tặng.
Đồng thời, bị cáo Chu Lập Cơ đã tích cực tham gia thiện nguyện trong dịch Covid-19, lập bệnh viện dã chiến để cứu chữa người bệnh; xin vắc xin để về sử dụng cho dân…
Từ các phân tích trên, luật sư đề nghị HĐXX áp dụng Khoản 2 Điều 54 BLHS 2015 để bị cáo được mức án thấp nhất, sớm trở về với gia đình vào xã hội.
Tự bào chữa cho mình, bị cáo Chu Lập Cơ nói “Bị cáo đã lập gia đình rồi có con, kinh doanh, tạo dựng sự nghiệp ở đây. Bị cáo cho mượn tài sản để tái cơ cấu lại SCB theo lời kêu gọi của NHNN và của vợ mình. Tôi ký vào biên bản thế chấp chứ không mang tiền đi. Bị cáo đồng ý với phần bào chữa của luật sư”.
Năm 2012, nhằm cơ cấu các khoản nợ xấu sau khi hợp nhất 3 ngân hàng thành Ngân hàng SCB, bị cáo Lan đã thống nhất với bị cáo Chu Lập Cơ và lãnh đạo SCB về việc sử dụng dự án Times Square để đảm bảo cho các khoản vay.
Từ tháng 12/2012 đến tháng 12/2014, Chu Lập Cơ đã giúp Trương Mỹ Lan giải ngân cho 73 khoản vay của 67 khách hàng tại SCB. Đến năm 2017, Chu Lập Cơ tiếp tục ký sử dụng tài sản Công ty Times Square để thế chấp đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ vay cho 54 khách hàng đang vay vốn tại SCB nhằm gia hạn nợ.
Tính đến thời điểm ngày 17/10/2022, tổng nghĩa vụ các khoản nợ do Chu Lập Cơ ký hợp thức thủ tục còn 46 khoản vay với dư nợ gốc là hơn 19.552 tỷ đồng; nợ lãi hơn 19.665 tỷ đồng; tổng cộng dư nợ là hơn 39.217 tỷ đồng.
Sau khi đối trừ giá trị tài sản bảo đảm của các khoản vay mà Chu Lập Cơ đã ký các tài liệu để hợp thức thủ tục vay vốn nêu trên là hơn 30.100 tỷ đồng. Chu Lập Cơ đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 9.116 tỷ đồng.
Trước đó, chiều 20/3, sau khi được 5 luật sư bào chữa, bị cáo Trương Mỹ Lan đã tự bào chữa bổ sung một số điểm mà theo bị cáo là chưa được trình bày. Bị cáo Lan nói cảm thấy rất đau xót khi VKS nhận định bị cáo quanh co, chối tội, đổ lỗi cho cấp dưới.
Đối với việc điều hành, chỉ đạo hoạt động của SCB, bị cáo Lan nhận một phần trách nhiệm, bị cáo chỉ kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài vào cơ cấu SCB mà không biết những người trong SCB vi phạm.
Bị cáo Trương Mỹ Lan đề nghị HĐXX xem xét bối cảnh SCB trước khi bà bị bắt. Lúc đó SCB vẫn hoạt động bình thường, có các công ty tài chính nước ngoài sắp đồng hành theo kêu gọi của bị cáo Lan. Họ hứa vào nhưng với điều kiện phải gặp bị cáo Lan để bảo lãnh.
Theo bị cáo Lan, bị cáo nhiều lần đề nghị cơ quan CSĐT được tại ngoại để tiếp tục hỗ trợ SCB nhưng không được chấp nhận.
Về việc này, chủ toạ cho biết trong trường hợp có các tập đoàn tài chính nước ngoài vào hỗ trợ sẽ được tạo điều kiện thuận lợi cho bị cáo khắc phục hậu quả.
Bị cáo Lan còn cho biết tòa nhà số 19 Nguyễn Huệ đang là Hội sở Ngân hàng SCB là do bị cáo cho SCB thuê để lấy tiền trùng tu biệt thự cổ 110 - 112 Võ Văn Tần (quận 3, TP.HCM). Tuy nhiên, hơn một năm nay chưa trả tiền thuê, nên bị cáo Lan đề nghị SCB trả tiền thuê dùng khắc phục hậu quả.
Bị cáo Lan bào chữa, đối với việc SCB sụp đổ, người dân kéo tới rút tiền là không phải do bị cáo, đồng thời khẳng định lần nữa bị cáo và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chưa thật sự liên quan tới SCB.
Bị cáo Lan cũng đề nghị HĐXX xem xét lại mối quan hệ giữa Vạn Thịnh Phát và SCB vì cho rằng Vạn Thịnh Phát không có người ở SCB.
Về kết quả định giá của Công ty Hoàng Quân, bị cáo Lan cho rằng sau khi bị bắt, giá trị các tài sản bị xuống thấp. Trước khi bị cáo Lan bị bắt, giá trị tài sản cao hơn gấp đôi, gấp ba. Từ đó, bị cáo Lan nói kết quả định giá này gây bất lợi cho bị cáo.
Bị cáo Lan xin HĐXX xem xét thật kỹ về số liệu quy buộc bị cáo chiếm đoạt. VKS buộc tội bị cáo như vậy ảnh hưởng đến gia đình, con cái. Cá nhân bị cáo bị ảnh hưởng tâm lý, sức khỏe.