Ba trường hợp được đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài

Chính trị - Ngày đăng : 22:49, 08/06/2016

Quyết định quy định việc đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài có thời hạn để trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Ba trường hợp được đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài

Pho tượng Phật bằng đá thời Lý - Ảnh: Hoàng Long 

Theo đó, đối tượng áp dụng Quyết định này là các Bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Ủy ban nhân dân cấp tỉnh); bảo tàng công lập, bảo tàng ngoài công lập; tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh (di tích); tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu bảo vật quốc gia.

Bảo vật quốc gia được đưa ra nước ngoài trong 3 trường hợp:

1- Phục vụ hoạt động đối ngoại của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội (hoạt động đối ngoại cấp nhà nước).

2- Thực hiện chương trình hợp tác quốc tế để giới thiệu, quảng bá lịch sử, văn hóa, đất nước và con người Việt Nam có quy mô và ý nghĩa đặc biệt cấp quốc gia, Bộ, ngành, địa phương.

3- Thực hiện kế hoạch hợp tác quốc tế về nghiên cứu hoặc bảo quản bảo vật quốc gia.

Xác định giá trị của bảo vật quốc gia làm cơ sở mua bảo hiểm

Việc đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài phải bảo đảm các điều kiện quy định tại Điều 44 Luật Di sản văn hóa; phải được xây dựng phương án bảo đảm an ninh, an toàn, không bị hư hại đối với bảo vật quốc gia trong quá trình vận chuyển ra nước ngoài, lưu giữ tạm thời tại nước ngoài và đưa trở lại Việt Nam.

Bên cạnh đó, phải được xác định giá trị bằng tiền của bảo bật quốc gia làm cơ sở cho việc mua bảo hiểm; được miễn kiểm tra thực tế khi giải quyết thủ tục hải quan tại cửa khẩu.

Đồng thời, bảo vật quốc gia đang được bảo vệ và phát huy giá trị tại di tích chỉ được đưa ra nước ngoài để nghiên cứu, bảo quản hoặc phục vụ hoạt động đối ngoại cấp nhà nước; bảo vật quốc gia thuộc bảo tàng ngoài công lập và bảo vật quốc gia thuộc sở hữu tư nhân được đưa ra nước ngoài theo quy định khi có bảo tàng công lập đại diện cho chủ sở hữu trong việc hợp tác với đối tác nước ngoài.

Đối tác nước ngoài tiếp nhận bảo vật quốc gia phải bảo đảm tính hợp pháp, có cơ sở vật chất, năng lực khoa học, kỹ thuật và công nghệ phù hợp với việc trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản.

Hội đồng mua bảo hiểm cho bảo vật quốc gia

Hội đồng xác định giá trị bằng tiền để mua bảo hiểm cho bảo vật quốc gia được đưa ra nước ngoài (Hội đồng) do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định thành lập.

Thành phần Hội đồng gồm: đại diện Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng thời là Chủ tịch Hội đồng; đại diện Lãnh đạo Bộ Tài chính; đại diện các cơ quan, tổ chức, cá nhân và các chuyên gia thuộc ngành, chuyên ngành liên quan tới bảo vật quốc gia được đưa đi nước ngoài.

Kết luận của Hội đồng là cơ sở để Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định mức mua bảo hiểm đối với bảo vật quốc gia được đưa ra nước ngoài.

Ngọc Mai