Cần có chế tài đủ mạnh với nạn mua - bán bằng giả qua mạng và SMS

Đời sống - Ngày đăng : 10:30, 06/04/2016

Dù bằng giả luôn là vấn đề nhức nhối, đã có nhiều đường dây bằng giả được phanh phui. Thế nhưng sau một thời gian yên ắng, các dịch vụ làm bằng giả lại đang tiếp tục hoạt động tràn lan với mức độ công khai hơn.

Tràn lan dịch vụ làm bằng giả

Hiện nay, trên thị trường dịch vụ làm bằng đại học giá rẻ đang phát triển khá mạnh mẽ. Mọi thông tin đăng tải về làm bằng đại học tràn lan trên Internet. Đây là một hình thức lừa đảo không phải là mới, chúng thường đánh vào tâm lý nhu cầu của khách hàng để lừa gạt tiền bạc.

Bằng chứng là chỉ cần vào trang tìm kiếm Google gõ từ khóa “mua bằng” là sẽ ra hàng loạt những địa chỉ với những lời quảng cáo nhận làm bằng giá rẻ, uy tín… Lướt qua những trang web này có thể thấy các dịch vụ làm bằng giả đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu của khách hàng. Trang web lambangdaihoc, lambanggiare, chuyenlambang… mời chào: “Nhận làm các loại bằng đại học, cao đẳng… giả giá rẻ trên cả nước. Đặc biệt làm bằng đại học giá rẻ chỉ 4 triệu”.

Cần có chế tài đủ mạnh với nạn mua - bán bằng giả qua mạng và SMS

Bằng cấp, chứng chỉ giả được rao bán một cách công khai trên mạng

Để khẳng định những tấm bằng này đều là hàng “chất lượng cao” thì các web này giới thiệu “Chúng tôi làm bằng ĐH, CĐ… chất lượng tốt nhất, rẻ nhất thị trường, sử dụng công nghệ phôi in chuẩn, tem 7 màu 6 cánh chuẩn (99%). Sản phẩm giống thật trên 90%”. Hay “Bằng phôi xịn, sản phẩm giống thật đến 95-98%. Chỉ nhận thanh toán của khách hàng khi làm xong và khách hàng hài lòng”.

Khi PV gọi vào những số điện thoại trên các trang nhận làm bằng này thì đều có người nghe máy và sẵn sàng nhận làm bằng đại học tại Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh với chất lượng đảm bảo và giá cả phải chăng nhất. Sau lời chào mời và hỏi muốn làm bằng trường nào thì những người tự xưng “trung tâm làm bằng” liên tục yêu cầu khách hàng gửi đầy đủ thông tin như: Họ tên, ngày sinh, nơi sinh, giới tính, tên trường cần làm, ngành, chuyên ngành, năm tốt nghiệp, xếp loại tốt nghiệp, loại hình đào tạo, hệ (Chính quy, tại chức, từ xa…).

Khi được hỏi về thời gian nhận bằng và cách thức giao dịch thì một số “trung tâm” nói chỉ khoảng 1-2 ngày là làm xong. Khi làm xong sẽ chuyển qua đường bưu điện, khách hàng thanh toán tiền bằng hình thức chuyển khoản. 

Thực tế trên cho thấy, trong trường hợp những người có nhu cầu làm, một khi đã chuyển tiền thì khó có thể lấy lại cũng như tố cáo được hành vi lừa đảo trên. Bởi lẽ mọi giao dịch đều diễn ra qua mạng, trong khi điện thoại, email hoàn toàn có thể thay đổi.

Tiếp thị bằng giả qua tin nhắn

Bên cạnh việc quảng cáo làm bằng giả trên mạng rất công khai với đầy đủ số điện thoại và cách thức hướng dẫn để khách hàng có thể tự tìm hiểu và liên lạc, thời gian gần đây các đối tượng làm bằng giả còn nghĩ ra một cách tiếp thị mới táo tợn hơn. Đó là nhắn tin trực tiếp tới điện thoại của người đăng ký thuê bao. Do đây là một hình thức tiếp thị dưới dạng tin rác, nên trong một thời gian ngắn rất nhiều các thuê bao di động có thể nhận được thông tin về nhu cầu làm bằng giả.

Nhiều khách hàng cũng đã phản ánh lên tổng đài khi họ liên tục nhận được tin nhắn từ số điện thoại của một người quảng cáo về dịch vụ làm giấy tờ, bằng cấp. Nội dung tin nhắn rao nhận làm tất cả các loại bằng cấp, giấy tờ. đảm bảo an toàn, uy tín, kín đáo, giao hàng tận nơi… và cam kết chắc chắn sẽ làm khách hàng hài lòng.

Cần có chế tài đủ mạnh với nạn mua - bán bằng giả qua mạng và SMS

Tin nhắn được phát tán tới nhiều thuê bao để quảng cáo dịch vụ làm bằng

Theo số điện thoại gửi tin nhắn, chúng tôi gọi vào số máy 097949xxx thì thuê bao này đổ chuông nhưng không có người nghe máy. Tuy nhiên, chỉ ít phút sau một số thuê bao lạ khác là 0963xxx gọi tới và hỏi “Có phải anh gọi đến trung tâm làm bằng không ?” Khi biết mục đích chúng tôi muốn làm một bằng cử nhân của một trường đại học trên địa bàn Hà Nội, người sử dụng thuê bao này liền ra giá là “Cái này thì làm nhanh, ngày mai, ngày mốt là có bằng ngay. Giá là 5 triệu đồng”.

Tiếp đó người sử dụng thuê bao này yêu cầu chúng tôi nhắn tin lại đầy đủ thông tin cần làm bằng vào trực tiếp số điện thoại đang gọi đến hoặc vào một địa chỉ email. Đồng thời hẹn chúng tôi sẽ cho người giao bằng trực tiếp tại Hà Nội, “Khi nào có người giao hàng anh chỉ cần đưa số tiền 5 triệu là được, trong bộ hồ sơ bao gồm bằng, 5 bản phô tô công chứng, 1 bảng điểm”. Đặc biệt, để khẳng định sự uy tín của mình chủ thuê bao này còn nói “Nếu bằng không chuẩn thì anh có thể không lấy bằng cũng ok”.

Theo phân tích của chuyên viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng cho biết thì đầy là hình thức nhắn tin trực tiếp tới điện thoại của người dân. Do đây là một hình thức tiếp thị dưới dạng tin rác, nên trong một thời gian ngắn rất nhiều các thuê bao di động có thể nhận được thông tin về nhu cầu làm bằng giả mà các “trung tâm” này phát tán.

Cần có chế tài đủ mạnh

Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã thừa nhận việc mua bán bằng cấp có diễn ra và cơ quan chức năng cũng đã phát hiện ra nhiều vụ việc. Để khắc phục tình trạng trên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết sẽ tiến hành công khai danh sách học sinh, sinh viên của mình tốt nghiệp phổ thông, thạc sĩ, tiến sĩ trên phương tiện đại chúng.

Theo đó, các cơ quan quản lý sử dụng lao động sẽ có điều kiện để kiểm tra đối chiếu. Tuy nhiên, việc cập nhật dữ liệu của học sinh, sinh viên mới được làm những năm gần đây và còn nhiều bất cập. Thậm chí, trường hợp tốt nghiệp 30 năm trước thì sẽ được cập nhật dần dần vì Bộ chưa đủ kinh phí và tiềm lực công nghệ thông tin.

Lãnh đạo một số trường đại học tại Hà Nội cho biết, các đối tượng làm bằng giả thường sử dụng công nghệ in ấn rất tinh vi, khó phát hiện bằng mắt thường, phôi bằng giống thật 100% nên rất khó khăn trong việc xác minh bằng thật hay giả. Các trường chỉ phát hiện trường hợp bằng giả khi đối chiếu với hồ sơ gốc, danh sách sinh viên đã tốt nghiệp.

Nếu trước kia, "khách hàng" là một số người không đủ giấy tờ để đủ hồ sơ khi xin việc phải tìm cách mua bằng giả, nhưng không phải muốn lúc nào cũng được đáp ứng, bởi lý do các dịch vụ, đường dây làm bằng giả phải “sống chui sống lủi” mới hòng qua mắt được các cơ quan chức năng. Thế nhưng, giờ đây, người cung cấp dịch vụ này đang hoạt động mạnh mẽ hơn theo chiều hướng công khai, chủ động quảng cáo tìm kiếm "khách hàng", bất chấp tất cả.

Có lẽ chưa bao giờ “chợ” bằng cấp lại sôi động và nháo nhác như thời gian gần đây. Thậm chí có những người công khai đăng tin làm được bằng giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ… với nhiều mức giá cạnh tranh khiến “chợ” bằng cấp này càng trở nên nhộn nhịp.

Tại Điều 267 BLHS quy định, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, nếu đặc biệt nghiêm trọng có thể phạt tù đến 7 năm. Việc sử dụng bằng giả được xem là có hành vi sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả.

Điều đáng nói ở đây là cả người có nhu và người thực hiện hành vi đều ý thức được rằng, việc làm bằng cấp giả là vi phạm pháp luật. Và khi bị phát hiện, người có yêu cầu làm giả hoặc người thực hiện hành vi làm giả đều được coi là đồng phạm trong việc thực hiện hành vi làm giả. Có lẽ hình phạt cho việc làm và sử dụng chứng chỉ - bằng cấp giả hiện nay chưa đủ tính răn đe?.

Trong thời đại hiện nay, bằng cấp được xem như là chìa khóa để mở cửa tương lai, là giấy thông hành để bước vào con đường danh vọng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng làm trầm trọng hơn nạn tham nhũng khi một số quan chức để được thăng quan tiến chức đã không ngần ngại mua bằng cấp để "chạy quyền, chạy chức", nhằm đạt được mục đích của bản thân. Điều này cũng cho thấy công tác tuyển dụng, quản lý cán bộ của chúng ta còn kẽ hở và nhiều hạn chế.

Thiết nghĩ, đã đến lúc cần xem việc sử dụng bằng cấp giả như một tệ nạn để cả xã hội cùng bài trừ, góp phần đẩy lùi nạn tham nhũng đang được coi là quốc nạn hiện nay. Các cơ quan chức năng cũng nên xem xét để bổ sung thêm các điều khoản có hình thức chế tài nặng hơn, cụ thể hơn đối với cả người bán và người mua bằng giả nhằm tăng tính trừng phạt, nghiêm minh của pháp luật trong việc ngăn chặn, loại bỏ tệ nạn này.

Huy Hùng