Phần Lan được xếp hạng quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm thứ 7
Ngày 20/3, Báo cáo Hạnh phúc Thế giới hàng năm một lần nữa xếp hạng Phần Lan và các quốc gia Scandinavi khác là những quốc gia hạnh phúc nhất trên Trái đất. Costa Rica và Kuwait lọt vào top 20 thay cho Mỹ và Đức.
Phần Lan vẫn là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới trong năm thứ 7 liên tiếp cùng với các nước láng giềng Bắc Âu là Thụy Điển, Đan Mạch và Iceland - những nước cũng giữ vững vị trí trong top 10, theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới hàng năm được công bố hôm thứ Tư (20/3).
Tuy nhiên, tình trạng bất hạnh ngày càng gia tăng, đặc biệt trong giới trẻ. Các nước phương Tây khác đã tụt hạng trong chỉ số do Liên hợp quốc đưa ra, trong đó Mỹ và Đức lần đầu tiên rớt khỏi top 20 kể từ báo cáo đầu tiên được công bố cách đây hơn một thập kỷ.
Thay thế họ là Costa Rica và Kuwait lần lượt ở vị trí thứ 12 và 13, trong khi các quốc gia Đông Âu như Serbia, Bulgaria và Latvia báo cáo mức độ hạnh phúc gia tăng lớn nhất.
Afghanistan, nơi bị ảnh hưởng bởi thảm họa nhân đạo kể từ khi Taliban giành lại quyền kiểm soát vào năm 2020, vẫn ở vị trí cuối cùng.
Cuộc khảo sát yêu cầu người dân ở 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đánh giá cuộc sống của họ theo thang điểm từ 0 đến 10, có tính đến các yếu tố như GDP bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội, tuổi thọ khỏe mạnh, tự do, hào phóng và tham nhũng. Việc công bố bảng xếp hạng hàng năm trùng với Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3).
Nghiên cứu trước đây về hạnh phúc thường cho thấy hạnh phúc đạt mức cao nhất ở thời thơ ấu và đầu tuổi thiếu niên, trước khi rơi vào tuổi trung niên và sau đó tăng trở lại khi nghỉ hưu.
Nhưng báo cáo cho thấy ở một số quốc gia, thế hệ trẻ ngày nay có nhiều khả năng chịu tâm lý cô đơn hơn. Giáo sư kinh tế và biên tập viên báo cáo Jan-Emmanuel De Neve của Đại học Oxford cho biết: “Giới trẻ, đặc biệt là ở Bắc Mỹ, đang trải qua cuộc khủng hoảng tuổi trung niên”.
Ông liên hệ sự bất hạnh ngày càng tăng của giới trẻ phương Tây với một loạt yếu tố, bao gồm các khía cạnh tiêu cực của mạng xã hội, sự phân cực ngày càng gia tăng trong các vấn đề xã hội và bất bình đẳng kinh tế khiến giới trẻ khó mua được nhà riêng hơn trước đây.
Nhưng không phải ở Phần Lan, nơi mà theo Jennifer De Paola, nhà nghiên cứu về hạnh phúc tại Đại học Helsinki, mối liên hệ chặt chẽ với thiên nhiên và sự cân bằng lành mạnh giữa công việc và cuộc sống góp phần xếp hạng hạnh phúc hàng đầu thế giới.
Bà nói: “Xã hội Phần Lan tràn ngập cảm giác tin cậy, tự do và mức độ tự chủ cao”. Đồng thời, bà cho biết thêm rằng xã hội phúc lợi mạnh mẽ của Phần Lan, niềm tin vào chính quyền nhà nước, mức độ tham nhũng thấp cũng như giáo dục và chăm sóc sức khỏe miễn phí cũng là những yếu tố then chốt.
Hơn nữa, bà tin rằng người Phần Lan có “sự hiểu biết hơn về thế nào là một cuộc sống thành công” so với những nước mà ở đó thành công thường được đánh đồng với lợi ích tài chính.