Nghệ An: Giữ rừng từ những lời nguyền
Nhiều năm nay, cộng đồng người Thái ở Bản Hốc, xã Diên Lãm, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) nhận chăm sóc, bảo vệ trên 183 ha rừng phòng hộ theo hình thức cộng đồng, tự nguyện. Bằng trách nhiệm và tình yêu rừng, bà con ở đây đã giữ rừng xanh tốt, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống của chính mình.
Giữ rừng từ quy ước truyền đời
Cánh rừng Pù Hốc nằm giáp ranh giữa xã Châu Hoàn với bản Hốc (xã Diên Lãm) cùng ở huyện Quỳ Châu (Nghệ An) có diện tích hơn 180ha. Cách đây hàng chục năm, khi Luật Lâm nghiệp chưa thực sự nghiêm, người dân nơi khác vẫn phát nương, làm rẫy thì diện tích rừng này đã được Ban quản lý bản và bà con Nhân dân đồng lòng cùng giữ rừng, nghiêm cấm không cho chặt phá cây rừng.
Bởi, người dân và Ban quản lý bản đều hiểu rằng, việc giữ rừng để giữ được nước đầu nguồn cung cấp nước tưới cho các diện tích ruộng của bản được năng suất, chống xói mòn đất, hạn chế lũ ống, lũ quét trong mùa mưa.
Kể về việc giữ rừng của người dân bản Hốc, ông Quang Văn Đồng – Bí thư bản, cho biết: Bản Hốc là một thung lũng nhỏ, bốn bề được bao bọc bởi dãy núi Pù Hốc. Hơn 300 năm trước, hai người đàn ông họ Lương và họ Quang mang theo gia đình đến khai khẩn vùng đất này để định cư. Từ những ngày đầu xây dựng bản mường, tổ tiên đã có quy ước truyền miệng phải hạn chế khai thác gỗ từ rừng.
“Những gia đình muốn làm nhà phải được phép của dân bản và những người đứng đầu bản. Cũng từ đó, những khu rừng được khai thác hợp lý. Những năm 1990-2000, nhiều vùng rừng ở các xã Châu Phong, Châu Hoàn, Diên Lãm bị lâm tặc khai thác gỗ ồ ạt bán ra ngoài, nhưng cánh rừng bản Hốc vẫn được người dân bảo vệ nghiêm ngặt”, ông Quang Văn Đồng cho hay.
Trải qua nhiều đời với những quy định giữ rừng chỉ được truyền miệng, nên nhiều khi hương ước chưa được thực hiện nghiêm túc. Tình trạng lợi dụng dựng nhà để khai thác gỗ về cho, bán cho người thân ở bản khác vẫn diễn ra. Tuy nhiên, sau mỗi lần phát hiện, ban quản lý bản đã phạt nghiêm minh, vì vậy đã tạo răn đe đối với bà con Nhân dân và người dân vùng khác lén lút vào khu rừng chặt phá.
Đến những năm 2005, người dân bản Hốc quyết định lập một hương ước bằng văn bản, trong đó quy định cụ thể từng việc cấm cũng như hình thức xử phạt. Bản hương ước được giao trưởng bản giữ, có cả chữ ký của từng hộ trong bản.
Hương ước nêu rõ: Chỉ có người dân bản Hốc mới được phép vào cánh rừng này để chặt gỗ và cũng chỉ được chặt để dựng nhà, không được dùng gỗ trao đổi hay mua bán. Trước khi dựng nhà, gia chủ phải làm đơn gửi Ban quản lý bản xem xét, tùy vào diện tích của nhà để cho phép chặt khoảng bao nhiêu cây.
Mọi động vật trong rừng đều bị cấm săn bắt. Người dân chỉ được phép khai thác những lâm sản phụ như hái măng, nhặt củi, cây dược liệu dưới tán rừng...
Khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2242/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án tăng cường công tác quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2014 - 2020 vào ngày 11/12/2014, tại Khoản a, Mục 2, Điều 1 quy định dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên trên phạm vi cả nước.
Từ đó, cánh rừng bản Hốc cũng được Ban quản lý và bà con Nhân dân “đóng cửa” cấm khai thác gỗ rừng tự nhiên, chỉ được phép khai thác lâm sản phụ.
Và cũng từ đó đến nay, những cây gỗ lớn được bảo vệ nghiêm ngặt, cấm chặt phá, diện tích rừng nguyên sinh ngày càng xanh tươi hơn. Mỗi lần nhắc đến khu rừng nguyên sinh Pù Hốc chính là nhắc đến niềm tự hào của bà con Nhân dân và chính quyền xã Diên Lãm.
Tiếp thêm động lực giữ rừng khi được hưởng chính sách Nhà nước
Để thực hiện việc giữ cánh rừng nguyên sinh, Ban quản lý bản đã xây dựng hương ước. Trong hương ước của bản quy định, trên 60 hộ trong bản được chia thành 6 nhóm. Một nhóm có trách nhiệm tuần tra, giám sát rừng trong một tháng. Nếu nhóm nào không tuần tra, để xảy ra mất gỗ sẽ phải chịu phạt.
Bên cạnh đó, chính quyền cấp xã cũng sâu sát cùng với người dân bản Hốc trong công tác bảo vệ rừng này. Ông Quang Thanh Tý - Phó Chủ tịch UBND xã Diên Lãm, chia sẻ: “Hàng năm, UBND xã đã kiện toàn Ban chỉ đạo (BCĐ) bảo vệ và phát triển rừng bền vững, trong đó các đồng chí thành viên BCH Đảng bộ và BCĐ phân đều ở các bản, thực hiện giám sát công tác bảo vệ rừng, tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy rừng mỗi tháng ít nhất một lần.
Đối với khu rừng bản Hốc, chính quyền đánh giá rất cao về công tác tự bảo vệ của cộng đồng, đây là một trong những điền hình, các bản trong xã cần phải học hỏi kinh nghiệm”...
Từ những năm chưa có chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, người dân đã có ý thức trong công tác giữ rừng, giữ gìn tài nguyên quý giá của thiên nhiên. Năm 2023, với diện tích rừng 183 ha bảo vệ tốt, cộng đồng bản Hốc đã được hưởng chính sách Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo của Tiểu dự án 1 – dự án 3 “Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với nâng cao thu nhập cho người dân” và nhận được trên 73 triệu đồng.
Ông Nguyễn Hữu Duy – Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Quỳ Châu, cho biết thêm: Huyện miền núi Quỳ Châu là địa phương còn nhiều khó khăn, thu nhập chủ yếu của người dân dựa vào nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, người dân thiếu việc làm ổn định, thu nhập thấp.
Nên những năm qua, công tác giữ rừng tuy đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn để một số vụ vi phạm lâm luật xảy ra. Từ năm 2023 đến nay, người dân miền núi có rừng đã được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, người dân có thể sống dựa vào bảo vệ rừng thì việc giữ rừng sẽ được người dân nâng cao ý thức hơn.
Năm 2023, thực hiện Tiểu dự án 1 – dự án 3 “Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với nâng cao thu nhập cho người dân” đã chi trả cho người dân là gần 12 tỷ đồng đúng đối tượng được thụ hưởng; Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng theo kế hoạch của Quỹ bảo vệ phát triển rừng tỉnh Nghệ An số tiền gần 6,9 tỷ đồng.
Bước sang năm 2024, các chủ rừng sẽ được trả tiền giảm phí rác thải khí nhà kính. Những cánh rừng được bảo vệ tốt như bản Hốc, xã Diên Lãm sẽ đem lại kinh tế cho người dân.
Cánh rừng xanh ôm trọn lấy bản Hốc đã che chở bản làng qua những mùa nắng gắt hay những mùa bão, giông. “Đã từ lâu bản Hốc coi rừng là tính mạng, là báu vật thì đến nay người dân sẽ càng phải tuyên truyền để thế hệ sau hiểu rõ việc giữ rừng hàng trăm năm của ông cha. Rừng là của bản, bản phải giữ”, ông Quang Văn Đồng, Bí thư Bản Hốc, xã Diên Lãm, huyện Quỳ Châu nói.