Đời sống

Phòng trừ ốc bươu vàng cho 32 nghìn ha lúa các tỉnh phía Bắc

Minh Lý 20/03/2024 - 12:08

Các tỉnh phía Bắc đang bước vào vụ Đông xuân, ngoài các bệnh phổ biến như sâu phao, sâu cuốn lá nhỏ, ruồi đục lá, sâu đục thân, bệnh nghẹt rễ lúa, bệnh khô vằn, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen còn đối diện với nạn ốc bươu vàng.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện ở các tỉnh phía Bắc diện tích lúa nhiễm ốc bươu vàng hơn 17.500ha.

Diện tích nhiễm này cao hơn gần 10.000ha so với cùng kỳ năm trước, trong đó bị nặng 607ha tại các địa phương như Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hà Nội, Thái Bình, Điện Biên, Yên Bái...

oc-buou-vang.png
Ốc bươu vàng (ảnh minh họa).

Tùy theo từng năm, ốc bươu vàng phát sinh ít hay nhiều do nguồn tồn tại trên đồng ruộng hay mương máng. Ốc bươu vàng gây hại cây lúa phải có kích cỡ khá lớn nên bà con có thể thu gom khá dễ để diệt.

Tính tới nay, nông dân các địa phương đã phòng trừ được hơn 32.000ha bằng nhiều biện pháp khác nhau như thu gom thủ công hay sử dụng thuốc trừ ốc. Nhờ đó, hiện diện tích nhiễm chỉ còn 5.625ha (thấp hơn 12.000ha so với cùng kỳ năm trước).

Về cơ bản, ốc bươu vàng đã được phòng trừ tốt nhưng chúng vẫn gây hại ở những diện tích cấy muộn, có mật độ cao, lúa giai đoạn đẻ nhánh đến hết tháng ba.

Một số biện pháp được áp dụng để tiêu diệt ốc bươu vàng như dùng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu trong danh mục được sử dụng, thu gom ốc và trứng ốc, thả vịt vào ruộng lúa ăn ốc non và trứng ốc… ngoài ra còn có một số biện pháp sinh học như sử dụng thức ăn như lá khoai, rau muống… dẫn dụ ốc tập trung đến ăn để dễ thu gom. Dùng cây xương rồng, cành lá đu đủ, lá thầu dầu, lá mướp, xơ mít, thân lá khoai mì chặt thả xuống nước, nhựa cây dẫn dụ ốc làm ốc say, nổi lên mặt nước giúp thu nhặt ốc dễ hơn, cũng đem lại hiệu quả cao, giúp bảo vệ môi trường.

Minh Lý