Nỗi buồn ở 'thủ phủ' điều Gia Lai
Trong khi giá tiêu và cà phê đang liên tiếp lập đỉnh thì giá điều ở Gia Lai lại đang giảm mạnh. Bên cạnh đó, năm nay điều mất mùa, nên người dân trở nên điêu đứng, có chủ vườn sau khi thu hoạch điều xong chỉ đủ để trả công người hái.
Điều mất mùa, mất giá
Thời điểm này, người nông dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói chung và “thủ phủ điều Đức Cơ” nói riêng đang bước vào vụ thu hoạch. Vậy nhưng, trên các rẫy điều, đáng lẽ ra không khí vui tươi, tất bật, nhộn nhịp thì ngược lại người hái thưa thớt trông rất ảm đạm.
Lý giải cho sự “ngược đời” này, chị Đoàn Thị Gái (trú tại thôn Mook Trang, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ), cho biết: Gia đình chị có 1,5 ha điều, năm 2023, chị thu về gần 3 tấn hạt điều tươi, nhưng năm nay, năng suất giảm sút khoảng 2/3, nên dự tính thu được khoảng 1 tấn điều hạt.
Chị Gái ngậm ngùi: “Điều nhà tôi, năm nay hoa bị khô, trái đậu rất ít, tình hình này chắc chắn là lỗ. Cả năm, gia đình chỉ trông chờ vào nguồn thu từ cây điều, vậy nhưng điều lại mất mùa, mất giá khiến cuộc sống gia đình tôi sẽ trở nên khó khăn trong thời gian tới”.
Cùng chung tâm trạng, ông Hoàng Văn Ga ở xã Ia Nan và ông Nguyễn Tiến Đàm ở xã Ia Pnôn, đều thuộc huyện Đức Cơ cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Gia đình 2 ông trồng 5 ha điều nhưng sản lượng thu hoạch sụt giảm từ 40-50%.
“Năm ngoái 5 ha của gia đình tôi thu hoạch được 6 tấn, giá bán 27 nghìn/kg thì năm nay chỉ thu hoạch được gần 4 tấn, giá bán 23 nghìn/kg. Trong khi, tất cả nhân công đều đi thuê. Sau khi trừ hết chi phí, tính ra gia đình không còn được mấy đồng nữa cả”, ông Ga nói.
Còn ông Đàm cho hay, từ sau Tết nguyên đán đến nay, gia đình ông chỉ hái được 2 tấn hạt điều tươi. Với những trái còn lại trên cây, tổng sản lượng của vụ thu hoạch năm nay ước chỉ đạt hơn 4 tấn, tức thất thu khoảng 50% sản lượng so với năm trước.
Hiện, gia đình ông đang thuê 5 nhân công địa phương thu hái với mức giá 5.000 đồng/kg điều tươi. Nếu tính giá thu mua như hiện tại khoảng 23 nghìn/kg, sau khi thu hoạch trừ đi chi phí nhân công, công chăm sóc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… thì gia đình không có lãi.
“Năm nay, thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, thời điểm điều ra hoa đúng vào lúc sương muối nhiều nên hoa bị khô, bông rụng gần hết, tỷ lệ đậu trái rất thấp. Mặt khác, do khô hạn nên các loại nấm, rệp sáp phát triển mạnh đã gây khô cổ hoa trên cây điều. Riêng những trái non mới được hình thành đã bị héo và đen dần”, ông Đàm buồn bã tâm sự.
Cần áp dụng khoa học kỹ thuật vào cây trồng
Từ bao năm nay, huyện Đức Cơ được xem là “thủ phủ” điều của tỉnh Gia Lai với tổng diện tích hơn 14.000 ha. Đây là loại cây trồng mang loại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân ở những vùng đất đồi cao và dốc.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đức Cơ, ông Nguyễn Quốc Tư, cho biết: “Theo thông tin cập nhật từ cơ sở, năm nay năng suất và sản lượng điều trên địa bàn huyện đều sụt giảm từ 20-50%, cá biệt có những vùng “mất trắng” sản lượng. Cùng với đó, giá thành thời điểm này thấp hơn năm ngoái khoảng 4.000-5.000 đồng/kg. Địa bàn xã Ia Dom và Ia Kriêng là khu vực điều tốt nhất cũng thiệt hại trên 20% năng suất”.
Theo người đứng đầu Phòng NN&PTNT huyện, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ liên tục gia tăng kèm theo hiện tượng sương muối đã ảnh hưởng đến quá trình ra hoa, đậu quả của cây điều. Ngoài ra, một số hộ dân thiếu đầu tư, chăm sóc, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên dẫn đến sâu bệnh nhiều.
Dự báo được những thiệt hại mà người dân trồng điều sẽ gặp phải, nên vào năm 2023, UBND huyện đã xây dựng đề án cải tạo và nâng cao năng suất, chất lượng vườn điều. Mục đích nhằm ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào canh tác vườn điều để năng cao năng suất, chất lượng.
Đối với diện tích có nguồn nước tưới nhưng kém hiệu quả, năng suất thấp do giống kém thì khuyến khích bà con nhân dân chuyển đổi sang giống điều mới hoặc chuyển đổi sang cây trồng các loại cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cây cà phê, sầu riêng hoặc trồng các loại dược liệu dưới tán điều.
“Với tình trạng khô hạn, khí hậu ngày càng khắc nghiệt dẫn đến điều mất mùa trong nhiều năm trở lại đây, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân nên ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào vườn điều ở các giai đoạn như làm cành, tạo hoa, dưỡng hoa, nuôi cỏ. Đồng thời, tích cực đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh hại và cho vườn điều phát triển tốt”, ông Nguyễn Quốc Tư khuyến cáo.
Mong rằng, trong thời gian tới, người dân ở “thủ phủ” điều Gia Lai sẽ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao hơn nữa chất lượng các loại cây trồng. Từ đó, có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc để xây dựng một vùng biên giàu, đẹp trên khắp các thôn, làng.