Đề xuất mở rộng đối tượng đóng bảo hiểm thất nghiệp
Đây là một trong những điểm mới đáng chú ý được nêu tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) mà Bộ LĐTB&XH đang lấy ý kiến rộng rãi.
Gần 34 triệu lao động chưa có thông tin về tình trạng lao động, việc làm
Tại Tờ trình Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) đang lấy ý kiến, Bộ LĐTB&XH đánh giá, hiện nay chưa có quy định về việc đăng ký lao động nên quản lý lao động còn hạn chế, nhất là đối với nhóm lao động không có quan hệ lao động.
Thống kê cho thấy, nếu như lực lượng lao động cả nước hiện có 52,1 triệu người thì mới có trên 17,489 triệu người tham gia BHXH được BHXH Việt Nam thu thập, tổng hợp, cập nhật trong cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH; vẫn còn gần 34 triệu lao động (chiếm 2/3 lực lượng lao động cả nước) chưa được thu thập, nắm thông tin về tình trạng lao động, việc làm.
Thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, hiện Bộ LĐTB&XH đang phối hợp với Bộ Công an và các địa phương tổ chức thu thập, cập nhật cơ sở dữ liệu về người lao động (NLĐ) gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác. Tính đến tháng 2/2024, đã thu thập dữ liệu khoảng 22,35 triệu lao động.
Trước thực tế như vậy, dự thảo đề xuất bổ sung thêm 01 Chương về đăng ký lao động với các nội dung: mục đích đăng ký lao động; nguyên tắc đăng ký và quản lý lao động; đối tượng đăng ký lao động; thông tin đăng ký lao động; hồ sơ đăng ký lao động; thủ tục đăng ký lao động; xóa đăng ký lao động; quyền và nghĩa vụ của NLĐ; điều chỉnh thông tin về việc làm trong cơ sở dữ liệu về NLĐ; hồ sơ điều chỉnh thông tin về việc làm trong cơ sở dữ liệu về NLĐ; chia sẻ, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia; quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về NLĐ; bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin về NLĐ.
Đồng thời, trên cơ sở các quy định hiện hành của Bộ luật Lao động 2019, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 , dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đề xuất bổ sung quy định về trách nhiệm của NSDLĐ trong trong việc đăng ký, điều chỉnh thông tin của NLĐ có quan hệ lao động.
Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) mà Bộ LĐTB&XH đang lấy ý kiến cũng đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Cụ thể, Bộ LĐTB&XH cho biết, theo Luật Việc làm hiện nay, đối tượng tham gia BHTN chưa bao phủ hết các đối tượng có quan hệ lao động, chưa quy định NLĐ có hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng thuộc đối tượng tham gia BHTN. Trong khi đây là nhóm có nguy cơ mất việc làm cao và thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Mặt khác, Luật hiện hành cũng chưa bao phủ đối với nhóm người làm việc không trọn thời gian, người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng lương.
Vì vậy, dự thảo đề xuất bổ sung đối tượng tham gia BHTN gồm: NLĐ có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 01 tháng trở lên; Người làm việc không trọn thời gian, có tổng mức tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố; Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng tiền lương.
Đáng chú ý, về mức đóng BHTN, Luật Việc làm hiện nay đang quy định mức đóng BHTN của NLĐ và NSDLĐ cố định là 1% mức tiền lương tháng. Theo đánh giá của Bộ LĐTB&XH mức này chưa đảm bảo tính linh hoạt trong điều chỉnh mức đóng BHTN, nhất là trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, suy thoái khi Quỹ kết dư lớn.
Thực tế cũng cho thấy, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vừa qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã phải ban hành Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15, Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 nhằm hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ bị ảnh hưởng từ Quỹ BHTN .
Để giải quyết vấn đề, Dự thảo đề xuất sửa đổi mức đóng BHTN theo hướng: NLĐ đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; NSDLĐ đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những NLĐ đang tham gia BHTN; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của những NLĐ đang tham gia BHTN và do ngân sách trung ương bảo đảm.