Huyện Lục Ngạn: Ứng dụng chuyển đổi số vào phục vụ đời sống nhân dân
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về nguồn nhân lực, điều kiện hạ tầng số, kinh nghiệm thực hiện chuyển đổi số (CĐS)... Song, với quyết tâm cao, huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) đã và đang nỗ lực thực hiện CĐS, hướng tới mục tiêu mang lại cuộc sống tiện ích, tốt đẹp hơn cho người dân.
Trước đây, khi có nhu cầu mua sắm những vật dụng trong gia đình, người dân trên địa bàn huyện Lục Ngạn thường phải đến tận cửa hàng lựa chọn. Bây giờ, người dân chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR hoặc đăng nhập địa chỉ https://phunumart.com (sàn thương mại nông sản điện tử phụ nữ xã Hồng Giang) là sẽ có hàng trăm mặt hàng để người dân lựa chọn. Việc đẩy mạnh CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp là “chìa khóa” để sản phẩm tận dụng được những cơ hội tiếp cận khách hàng, vừa hướng tới sự phát triển bền vững. Qua đó, giúp cho những sản đặc trưng, sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của huyện Lục Ngạn dễ dàng đến được với người tiêu dùng.
Từ năm 2022, huyện Lục Ngạn đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang, các đơn vị viễn thông, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Bắc Giang II. Tiến hành tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn trải nghiệm những phương thức thanh toán không dùng tiền mặt như: Thanh toán bằng mã QR, ví điện tử, thanh toán di động… trong thực hiện các giao dịch. Tại Trung tâm Y tế huyện Lục Ngạn, đơn vị đã thực hiện thanh toán viện phí, dịch vụ y tế và các giao dịch khác bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện đã thực hiện kết nối, tích hợp dữ liệu với tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán như Agribank, Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Viettelpay, VNPay… để thực hiện thu học phí và các khoản thu khác. Trong đó, 5 đơn vị gồm: Trường Mầm non Hồng Giang, Trường Tiểu học Hồng Giang, THCS Hồng Giang, THCS Trần Hưng Đạo, Trường Tiểu học Thị trấn Chũ số 1 đã thực hiện được hơn 90% người học nộp tiền trực tiếp vào tài khoản của đơn vị gửi tại ngân hàng. Nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Lục Ngạn cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục.
Huyện Lục Ngạn được đánh giá là đơn vị đứng thứ 3 toàn tỉnh Bắc Giang về cấp căn cước công dân cho người dân và hoàn thành 100% kế hoạch kích hoạt định danh diện tử. Trong thực hiện dịch vụ công, nhiều thủ tục đã được đơn giản hóa, giải quyết trực tuyến đã góp phần giảm thời gian, giảm chi phí đi lại cho công dân. Đặc biệt, các cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã đã có nhiều sáng kiến trong tuyên truyền cũng như ứng dụng CĐS nhằm nâng cao hiệu quả trong giải quyết các thủ tục hành chính tại địa phương.
Mục tiêu CĐS của huyện Lục Ngạn là 100% công việc từ huyện đến các xã, thị trấn sẽ được xử lý trên hệ thống chính quyền điện tử; 60% hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến. Và, 100% người đứng đầu UBND huyện, các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện sử dụng chữ ký số, xử lý công việc trên hệ thống chính quyền điện tử.
Bên cạnh đó, huyện Lục Ngạn cũng tập trung đẩy mạnh kinh tế số để nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của các ngành, các sản phẩm, các doanh nghiệp và kinh tế của huyện. Mục tiêu phấn đấu đến 2025 kinh tế số chiếm 20% trở lên trong tổng số sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của huyện. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp đang hoạt động chuyển đổi sang cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số.
CĐS là một trong những dấu ấn nổi bật của huyện Lục Ngạn sau hơn nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Những kết quả bước đầu đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa của huyện. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để huyện Lục Ngạn tiếp tục có nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn nữa trong công cuộc CĐS toàn diện, phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn.