Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Bắc Giang: Đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm năm 2024
Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Bắc Giang (BCĐ CCTP tỉnh Bắc Giang) đã đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2024. Với mục tiêu tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động tư pháp.
Ngày 15/01/2024, BCĐ CCTP tỉnh Bắc Giang ban hành Thông báo số 2158-TB/BCĐ về Thông báo kết luận của Trưởng BCĐ CCTP tại Hội nghị tổng kết công tác CCTP năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Trong đó, nêu rõ nhiều nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong năm 2024. Cụ thể, như sau:
Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy về chủ trương, nhiệm vụ công tác tư pháp và CCTP. Tập trung quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Tập trung triển khai thực hiện tốt Hiến pháp năm 2013 và các bộ luật, luật trong lĩnh vực tư pháp và cải cách tư pháp; Quy chế phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và Ban Chỉ đạo trong công tác xây dựng pháp luật và giám sát việc thi hành pháp luật. Chủ động nghiên cứu, tham gia góp ý vào các văn bản pháp luật liên quan đến công tác tư pháp và CCTP đã được đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật năm 2024 của Quốc hội.
Thực hiện tốt công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm. Tăng cường công tác nắm tình hình, làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm, các loại tội phạm để chủ động tham mưu, kiến nghị với cấp ủy và các cơ quan chức năng. Để thực hiện các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa đối với các loại vi phạm, tội phạm xảy ra trên địa bàn nhằm tạo chuyển biến rõ nét về an ninh, trật tự.
Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về bắt, tạm giữ, tạm giam. Hạn chế thấp nhất số người bị tạm giữ hình sự, sau đó chuyển sang xử lý hành chính. Không để xảy ra việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Tập trung nâng cao chất lượng, tỷ lệ giải quyết các vụ việc, vụ án trong các lĩnh vực hành chính, dân sự, kinh doanh thương mại và thi hành án dân sự. Giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực bổ trợ tư pháp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư pháp.
Thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp. Tập trung rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam và cơ quan thi hành án hình sự, dân sự gắn với cải cách tư pháp và cải cách hành chính theo chỉ đạo của ngành dọc Trung ương.
Tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, có năng lực, trình độ. Sắp xếp cán bộ hợp lý, tuyển dụng đủ biên chế, tạo nguồn và bổ nhiệm đủ đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, chấp hành viên và bổ trợ tư pháp. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, quản lý đội ngũ cán bộ nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp trong thi hành công vụ; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26-CT/TU ngày 02/6/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Tiếp tục xây dựng, phát triển đội ngũ luật sư, công chứng viên, đấu giá viên, giám định viên,... có đủ phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu CCTP. Tạo điều kiện thuận lợi để luật sư tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật và tinh thần CCTP. Nâng cao chất lượng hoạt động của hội thẩm nhân dân hai cấp (tỉnh, huyện).
Tăng cường hoạt động chất vấn, giải trình tại kỳ họp, phiên họp hội đồng nhân dân các cấp đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân liên quan đến hoạt động tư pháp. Quan tâm nắm tình hình hoạt động của các cơ quan tư pháp để có cơ sở trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư pháp.
Tích cực đôn đốc việc thực hiện các nghị quyết, kết luận sau giám sát. Tăng cường công khai, minh bạch, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát. Đẩy mạnh giám sát việc chấp hành pháp luật đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn xã hội tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp. Động viên nhân dân phát hiện những hạn chế, khuyết điểm trong hoạt động tư pháp, qua đó kiến nghị với các cơ quan tư pháp khắc phục, sửa chữa.