Bất an như trong….trường học!

Đời sống - Ngày đăng : 11:49, 02/04/2016

Khi vấn nạn bạo lực học đường còn chưa có "liều thuốc" chữa trị thì mấy ngày gần đây liên tiếp những vụ dâm ô học sinh xảy ra trong nhà trường khiến nhiều phụ huynh bất an.

Từ bạo lực học đường đến xâm hại học sinh

Nếu như trước đây, dư luận bất bình, phẫn nộ vì những clip học sinh đánh nhau liên tục được chia sẻ lên mạng xã hội thì gần đây nhất người ta lại bàng hoàng bởi cách ứng xử và hành động bạo lực của thầy, cô giáo với học trò. Bạo lực học đường xuất phát  từ những người đứng trên bục giảng, những người đã đủ kiến thức trí tuệ, được phụ huynh đặt niềm tin, giao con em cho họ giáo dục.

Mới đây nhất, dư luận đã phẫn nộ trước thông tin, một học sinh ở tỉnh Lào Cai, do viết sai lỗi chính tả đã bị chính cô giáo của mình đánh đến thâm tím mặt.

Bất an như trong….trường học!

Học sinh Thủy bị chính cô giáo của mình đánh tím mặt

Theo đó, sự việc xảy ra vào ngày 25/3/2016, khi phát hiện ra học sinh Thủy viết sai chính tả, cô Trần Thị Thu Trà (có thâm niên khoảng 10 năm công tác tại trường tiểu học xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) đã dùng thước đánh vào trán học sinh Thuỷ.

Em Thủy sau đó vẫn học tập bình thường, vì lo sợ có vấn đề không hay xảy ra, cô Trà đã dùng mật gấu xoa bóp chỗ bị đánh cho em Thủy. Tuy nhiên, khi em trở về nhà thì gia đình phát hiện, trên khuôn mặt Thủy có nhiều vết thâm, tím.

Một vụ việc khác chưa hết nóng dư luận là vị Hiệu trưởng của trường THCS Phúc Thọ (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) là Nguyễn Đình Đài đã dùng tay tát vào mặt, dùng gót, mũi dày đá vào chân em học sinh lớp 6 khiến em này tè cả ra quần.

Trước đó, cuối năm 2015, hơn 10 học sinh lớp 2 của trường Tiểu học Thuận Hòa, xã Hương Phong, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên – Huế), bị cô giáo chủ nhiệm Phạm Thị Thanh Thảo, dùng thước đánh bầm mông vì tội…viết chậm.

Đó chỉ là một vài vụ điển hình trong rất nhiều trường hợp học sinh bị chính giáo viên của mình đánh đập, để lại thương tích. Chưa kể đến tình trạng, giáo viên mầm non bạo hành các em nhỏ, gây hoang mang dư luận.

Vấn đề bạo lực học đường còn chưa nguôi, thì dư luận lại bàng hoàng, sửng sốt trước thông tin, học sinh bị dâm ô ngay tại trường học suốt một thời gian dài.

Sự việc xảy ra ở trường Tiểu học La Pan Tẩn, huyện Mường Khương, Lào Cai. Mặc dù sự việc diễn ra trong một thời gian khá dài (hơn 2 năm), nhưng phải đến đầu tháng 3/2016, khi một số học sinh sợ hãi không dám đi học thì gia đình và nhà trường mới phát hiện ra.

Có hai học sinh lớp 5 liên tục khóc lóc hoảng sợ xin được ở nhà nhất định không chịu đến trường, khi bố mẹ gặng hỏi thì các em mới nói sợ bị bảo vệ của trường giở trò đồi bại.

Các phụ huynh đã báo vụ việc cho chính quyền xã, Công an cùng nhà trường vào cuộc đã xác định có hơn 20 em học sinh tố cáo thường xuyên bị Đỗ Văn Nam  (34 tuổi, bảo vệ của Trường tiểu học La Pan Tẩn) dâm ô tại trường.

Vài ngày sau vụ việc ở Mường Khương vỡ lở thì ở huyện Sa Pa, Lào Cai, cơ quan Công an tiếp tục bắt giữ một giáo viên tiểu học Bản Khoang để điều tra về hành vi dâm ô với học sinh trong trường.

Trước đó không lâu, một học sinh lớp 2 cũng bị một thầy giáo thuộc trường tiểu học Nghi Xá, Nghi Lộc, Nghệ An, thường xuyên gọi lên bục giảng, bắt bé đứng sát vào bàn giáo viên rồi dùng tay sờ soạng vùng kín của cháu. Sự việc bị phát hiện, giáo viên này sau đó đã bị đình chỉ công tác.

Hay vụ việc cũng rất mới là trường hợp thầy giáo luồn tay vào ngực nữ sinh với lý do "chỉ bài" tại trường THCS Nguyễn Trãi (Châu Đốc, An Giang) cũng khiến dư luận hết sức bất bình.

Điều đó cho thấy sự thiếu an toàn đối với các em học sinh ngay chính trong môi trường sư phạm, trên bục giảng và trong từng giờ lên lớp, khi mà những hành vi đồi bại đó lại bị chính những người được phụ huynh gửi gắm niềm tin gây nên.

Ảnh hưởng tiêu cực đến tâm sinh lý học sinh

Theo các chuyên gia tâm lý, việc học sinh bị chính thầy cô giáo của mình đánh đập, xâm hại, sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ.

Đối với trẻ em, thầy cô giáo như người cha, người mẹ thứ 2 và ngôi trường cũng chính là tổ ấm thứ 2 để các em lui tới. Chính những người được các em tôn trọng, quý mến và những nơi các em cho là an toàn nhất lại xảy ra những hành vi đáng xấu hổ và lên án. Điều này khiến tâm lý của các em bị sốc, không nhận thức được, làm như thế nào là đúng.

Hành vi đánh đập khiến các em trở nên lầm lì, ưa chịu đòn hoặc một số khác rơi vào sợ hãi, trầm cảm, ác cảm với chính người dạy dỗ mình, tạo nên một hình ảnh "méo mó" về người giáo viên trong mắt các em.

Đối với trẻ bị xâm hại sẽ hoang mang, ức chế trong tâm lý, đánh tan tượng đài đẹp về người thầy như người cha, và khi ra đời dễ bị sa ngã, bởi cái các em tôn sùng nhất lại cho các em thấy sự suy đồi, thiếu đạo đức nhất.

Bất an như trong….trường học!

Học sinh bị chính thầy cô giáo của mình bạo hành, dâm ô sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển tâm sinh lý của các em. Ảnh minh họa.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Luật sư Trần Anh Dũng - Giám đốc Công ty Luật Đại Phúc (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: “Qua nghiên cứu cho thấy, những vụ việc học sinh bị bạo lực, bị dâm ô, xâm hại các em thường có xu hướng bị trầm cảm, có biểu hiện bất an, trong người luôn nơm nớp lo sợ, không tin vào bất cứ điều gì. Bởi lẽ, những người mà các em tin yêu nhất, lại có những hành động không đẹp, không đúng, mất tư cách khiến các em mất niềm tin trầm trọng.

Hiện nay pháp luật Việt Nam đã có quy định và chế tài cụ thể đối với hành vi đánh đập người khác, và dâm ô với trẻ em.

Hành vi đánh đập người khác được liệt vào tội “Cố ý gây thương thích”, quy định tại điều 104 BLHS. Hành vi này có thể bị phạt tù đến 3 năm, nếu như hành vi đó gây tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%.

Hành vi dâm ô trẻ em, được pháp luật quy định tại Điều 116 BLHS, theo đó khung hình phạt của tội này lên tới 7 năm tù giam.

Ở trường hợp hơn 20 em học sinh bị dâm ô tại Lào Cai, bảo vệ Đỗ Văn Nam có thể phải chịu mức hình phạt cao nhất đến 7 năm tù giam vì vi phạm điểm b, khoản 2 điều này, thuộc tình tiết tăng nặng, dâm ô đối với nhiều trẻ em”.

“Quy định là vậy, nhưng để áp dụng thực tế vào luật thì còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Mong rằng sau này, xã hội không còn xảy ra các trường hợp tương tự, để hình ảnh người thầy, người cô, mãi đẹp trong mắt các em học sinh, các bậc phụ huynh”. - Luật sư Dũng cho biết thêm.

Nguyễn Kim Cương