Thương mại hóa sản phẩm công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp
Hiện nay, Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nghiên cứu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ; hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện công nghệ, phát triển sản phẩm mới làm cơ sở thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Đến cuối năm 2023, Hà Nội đã dẫn đầu với việc thành lập 156 trong tổng số 750 doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học và công nghệ trên toàn quốc.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, trong năm 2023, Sở đã triển khai hỗ trợ và đang ươm tạo 6 doanh nghiệp tiềm năng trở thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố; hỗ trợ kinh phí cho 10 doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm hoặc đổi mới công nghệ, phát triển công nghệ mới để tạo sản phẩm mới có sức cạnh tranh trên thị trường.
Cơ sở hình thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ của Hà Nội khá đa dạng. Tính đến nay, các doanh nghiệp khoa học và công nghệ hình thành từ các kết quả là phần mềm, chương trình máy tính chiếm tỷ lệ lớn nhất (52,5%); sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp đã được bảo hộ chiếm 26,5%; nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước chiếm 7,2%...
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có doanh nghiệp khoa học và công nghệ nào được hình thành từ các cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp hoặc vườn ươm của các trường đại học, cao đẳng.
Bên cạnh những nỗ lực đáng ghi nhận thì cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ vẫn còn nhiều bất cập. Các doanh nghiệp khoa học và công nghệ được chứng nhận hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước chủ yếu là doanh nghiệp chủ trì thực hiện và đối ứng trên 70% kinh phí.
Còn các doanh nghiệp đối ứng kinh phí nhưng không phải là đơn vị chủ trì thực hiện thì chưa được chứng nhận do vướng mắc bởi Luật Quản lý và sử dụng tài sản công năm 2017 và Nghị định số 70/2018/NĐ-CP (ngày 15-5-2018) của Chính phủ về việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước.
Theo quy định này, với các nhiệm vụ mà doanh nghiệp là đơn vị đối ứng nhưng không phải đơn vị thực hiện thì doanh nghiệp đối ứng chỉ được giao quyền sở hữu, sử dụng kết quả khi tổ chức chủ trì không có nhu cầu nhận giao quyền.
Quy định này khá thiệt thòi cho các doanh nghiệp. Các trường hợp khác (doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ sử dụng 100% kinh phí nhà nước, hoặc doanh nghiệp đối ứng dưới 70%) cũng chưa thực hiện được thủ tục chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ do vướng mắc trong việc giao quyền sở hữu, sử dụng theo Luật Quản lý và sử dụng tài sản công năm 2017 và Nghị định số 70/2018/NĐ-CP.
Cơ chế, chính sách để thu hút doanh nghiệp hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thương mại hóa nghiên cứu còn thiếu và chưa đồng bộ. Các chính sách ưu đãi về tín dụng, thuê đất, thuê mặt nước, chính sách ưu tiên các trang thiết bị của phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và các chính sách hỗ trợ dành cho hoạt động nghiên cứu, phát triển khác quy định trong Nghị định số 13/2019/NĐ-CP của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ còn chung chung. Hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục nhận ưu đãi và hậu kiểm ưu đãi để doanh nghiệp và cơ quan có liên quan áp dụng, thực hiện chính sách
Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 Hà Nội có 200 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, theo Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Quốc Hà, thành phố sẽ tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, qua đó giúp họ hiểu hơn về quản trị doanh nghiệp, chuyển đổi số, các ứng dụng, nghiên cứu công nghệ mới, đặc biệt là ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cùng với đó, thành phố tập trung hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ từ các chương trình khoa học công nghệ trọng điểm của Thủ đô, các chương trình sản xuất thử nghiệm, qua đó đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu.
“Dự kiến trong năm nay, Hà Nội sẽ vận hành sàn giao dịch công nghệ. Sàn đi vào hoạt động sẽ giúp hỗ trợ trao đổi thông tin, cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ; quảng bá sản phẩm công nghệ của các doanh nghiệp có hoạt động khoa học và công nghệ, tạo môi trường thuận lợi cho quá trình thương mại hóa sản phẩm công nghệ, nâng cao sức sản xuất và cạnh tranh của doanh nghiệp” - ông Nguyễn Quốc Hà cho biết.