Vì sao Quỹ hợp tác xã khó đăng ký để thành lập ở các địa phương?
Để giải quyết thực trạng Quỹ hợp tác xã ở địa phương không thể thực hiện được thủ tục đăng ký thành lập Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đề xuất nên chuyển việc cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập Quỹ này về một đầu mối là Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở KH&ĐT cấp tỉnh.
Quỹ hợp tác xã hiện nay bao gồm Quỹ hợp tác xã trung ương và Quỹ hợp tác xã địa phương. Theo Nghị định số 45/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, Quỹ hợp tác xã là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách hoạt động theo mô hình công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc là tổ chức tài chính hoạt động theo mô hình hợp tác xã, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn, tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong huy động vốn và sử dụng vốn nhằm thực hiện chức năng cho vay cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, thành viên của tố hợp tác và hợp tác xã theo quy định.
Quỹ hợp tác xã có chức năng tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn vốn trong nước và ngoài nước, các nguồn tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trong nước theo quy định; cho vay cho khách hàng; thực hiện các hoạt động tư vấn tài chính và đầu tư…
Theo Bộ KH&ĐT, thực tế thi hành Nghị định số 45/2021/NĐ-CP thời gian qua cho thấy, một số Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã hoạt động theo mô hình hợp tác xã tại các tỉnh, thành phố như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ và Tp. Hồ Chí Minh không thể thực hiện được thủ tục đăng ký thành lập theo quy định tại Nghị định số 45/2021/NĐ-CP do chưa có quy định cụ thể về biểu mẫu, thành phần hồ sơ cũng như trình tự, thủ tục đăng ký thành lập Quỹ.
Ngoài ra, việc quy định Sở KH&ĐT cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập Quỹ hợp tác xã địa phương trong khi cơ quan cấp đăng ký thay đổi, tạm ngừng, tiếp tục kinh doanh trở lại, giải thể... cho Quỹ (áp dụng theo pháp luật về đăng ký hợp tác xã) lại là Phòng Tài chính Kế hoạch cấp huyện là chưa phù hợp.
Trong Dự thảo Nghị định về đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đang được Bộ KH&ĐT lấy ý kiến rộng rãi cho rằng cần thiết phải nghiên cứu, sửa đổi quy định Nghị định số 45/2021/NĐ-CP về việc đăng ký thành lập Quỹ hợp tác xã địa phương hoạt động theo mô hình hợp tác xã nhằm khắc phục các vướng mắc nêu trên.
Theo đó, Bộ KH&ĐT đề xuất 02 phương án. Phương án 1, Chính phủ giao Bộ Tài chính xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2021/NĐ-CP, trong đó quy định rõ hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký Quỹ hợp tác xã địa phương hoạt động theo mô hình hợp tác xã. Theo Bộ này, ưu điểm của phương án này là phù hợp với trách nhiệm của Bộ Tài chính trong tổ chức thực hiện Nghị định số 45/2021/NĐ-CP; nhưng nhược điểm của phương án này là thời gian xây dựng Nghị định có thể chậm hơn so với thời điểm Luật Hợp tác xã 2023 có hiệu lực (ngày 01/7/2024).
Phương án 2, xây dựng Nghị định về đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sửa đổi, bổ sung điểm e khoản 5 Điều 15 Nghị định số 45/2021/NĐ-CP theo hướng: “Sau khi Nghị quyết thành lập Quỹ hợp tác xã được Đại hội thành viên thông qua, Quỹ hợp tác xã địa phương thực hiện thủ tục đăng ký thành lập theo quy định tại Điều 42 Luật Hợp tác xã tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở KH&ĐT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Quỹ hợp tác xã địa phương đặt trụ sở chính ”.
Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, việc lựa chọn Phương án 2 sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã địa phương hoạt động theo mô hình hợp tác xã. Đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương tham gia ý kiến đóng góp; chịu trách nhiệm rà soát các quy định có liên quan đến việc đăng ký Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã nhằm đảm bảo đáp ứng đầy đủ yêu cầu quản lý nhà nước đối với đối tượng này.
Tuy nhiên, phương án mà Bộ KH&ĐT đề xuất vẫn còn ý kiến khác nhau. Cụ thể, Bộ Tư pháp cho rằng, tại Quyết định số 857/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ không giao Bộ KH&ĐT xây dựng Nghị định có nội dung hướng dẫn việc đăng ký thành lập cho Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, do vậy, việc bổ sung quy định cho đối tượng này như đề xuất của Bộ KH&ĐT là chưa có cơ sở.
Tính đến 30/9/2023, tổng vốn hoạt động của 50 quỹ địa phương là 2.596 tỷ đồng, trong đó vốn được ngân sách cấp là 1.055 tỷ đồng, vốn bổ sung từ kết quả hoạt động và vốn khác là 1.541 tỷ đồng. Trong số các quỹ địa phương có 7 quỹ có vốn hoạt động trên 50 tỷ đồng, 16 quỹ từ 20 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng; 21 quỹ từ 5 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng; 3 quỹ dưới 5 tỷ đồng; 3 quỹ chưa được cấp vốn điều lệ để hoạt động.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu, tính đến cuối năm 2023, việc sắp xếp lại tổ chức hoạt động của các quỹ đã thành lập và thành lập mới ở các tỉnh, thành phố chưa có quỹ đang bị cho là rất chậm do có nhiều vướng mắc, khó khăn. Cụ thể, trong số 50 quỹ đã thành lập, mới chỉ có 11 tỉnh, thành phố có quyết định điều chỉnh quyết định thành lập của UBND cấp tỉnh hoặc giải thể để thành lập quỹ theo Nghị định số 45/2021/NĐ-CP. Trong 13 tỉnh, thành phố chưa thành lập quỹ trước thời điểm Nghị định số 45/2021/NĐ-CP có hiệu lực, đến nay mới có 1 tỉnh đã thành lập quỹ.