Tổng cầu tiêu dùng chiếm tỷ trọng 70% GDP
Tổng cầu tiêu dùng hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất, lên đến hơn 70% trong cơ cấu GDP, trong đó tiêu dùng của dân cư khoảng 90% tổng cầu tiêu dùng.
Con số trên phản ánh sự quan trọng của tiêu dùng đối với nền kinh tế. Và kinh tế chính là sinh kế của người dân, thúc đẩy tiêu dùng. Không duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ không thể bảo đảm sinh kế, thu nhập của người dân để thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
Hai tháng đầu năm, mức tăng 8,1% của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng được đánh giá chưa phản ánh tốc độ phục hồi của nền kinh tế đang diễn ra. Thế nhưng, sức mua giảm cho thấy người dân phải thắt chặt chi tiêu ngay cả đối với những mặt hàng đặc trưng của mùa tiêu dùng Tết như bánh, kẹo, hoa, cây cảnh...
Bên cạnh yếu tố có tính cơ cấu là do sự thay đổi về thị hiếu, thói quen, nhu cầu tiêu dùng thì tình trạng này còn cho thấy tâm lý tiết kiệm, chi tiêu thận trọng của người dân trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế.
Cùng với những nỗ lực kích cầu của doanh nghiệp như không tăng giá bán để giữ sức mua, tổ chức các đợt khuyến mại sâu để thu hút người tiêu dùng... thì những giải pháp căn cơ cũng được Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm thực hiện như:
Giảm thuế VAT; giảm lãi suất; đẩy mạnh cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; tổ chức các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu; kích hoạt kinh tế ban đêm ở các địa phương có tiềm năng...
Trọng tâm chính sách điều hành đã hướng đến thúc đẩy thị trường trong nước như một lực lượng bảo đảm cho nền kinh tế có nền tảng phát triển vững chắc trong bối cảnh động lực xuất khẩu bị ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài, còn động lực đầu tư công chưa lan tỏa mạnh mẽ như kỳ vọng.
Theo các chuyên gia kinh tế, đây là thời điểm cần có những giải pháp đặc biệt để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước và khu vực hộ kinh doanh gia đình duy trì các hoạt động kinh tế nhằm giữ việc làm và thu nhập cho người lao động. Các doanh nghiệp gia công xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ là khu vực tạo ra phần lớn công ăn việc làm.
Khi các doanh nghiệp này khó khăn đến mức buộc phải đóng cửa, sa thải lao động sẽ ảnh hưởng ngay đến thu nhập của người dân, từ đó ảnh hưởng đến sức mua trên thị trường. Năm 2023, có những thời điểm số lượng doanh nghiệp thành lập mới thấp hơn số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, phá sản. Tình hình này tiếp tục diễn ra trong hai tháng đầu năm nay, cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn rất khó khăn, và như vậy, thu nhập của người lao động không thể dư dả để chi tiêu làm tăng sức cầu.
Để tăng sức mua, giải pháp quan trọng nhất vẫn là phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động nhiều hơn và số lượng doanh nghiệp đóng cửa giảm đi.