Công ty Sao Kim vẫn giữ quyền quản lý hợp pháp tại tòa nhà Victory Tower
Đó là phán quyết của TAND quận 7 tại Bản án sơ thẩm số 119/2023/KDTM-ST ngày 25/09/2023. Đồng thời, đây cũng là nội dung đúng theo văn bản trả lời ngày 04/1/2024 của TAND TP.HCM đối với đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của VCG. Theo đó, quyền quản lý tòa nhà vẫn đang thuộc về Công ty Sao Kim theo khoản 13.3 Điều 13 của hợp đồng số 03 năm 2017 mà hai bên đã ký kết.
Án sơ thẩm tuyên quyền quản lý tòa nhà vẫn đang thuộc về Công ty Sao Kim
Công ty Sao Kim là đơn vị quản lý vận hành tòa nhà Victory Tower theo Hợp đồng số 03/2017/CCDVQLVH-SK ngày 20/02/2017 được ký kết với chủ đầu tư tòa nhà là Công ty Cổ Phần Đầu Tư Hạ Tầng và Đô Thị Dầu Khí nay đổi tên là Công ty Cổ Phần Victory Cappital (Công ty VCG). Thời hạn quản lý vận hành tòa theo Hợp đồng là 72 tháng (từ ngày 20/02/2017 đến ngày 19/02/2023).
Tuy nhiên, chưa hết hạn, hai bên đã xảy ra tranh chấp về hợp đồng quản lý tòa nhà. Ngày 27/12/2022, Công ty Sao Kim đã khởi kiện Công ty VCG và được TAND quận 7 thụ lý, xét xử và tuyên Bản án sơ thẩm số 119/2023/KDTM-ST ngày 25/09/2023 (sau đây gọi tắt là Bản án 119), Tại bản án sơ thẩm này, TAND quận 7 nhận định: “Trong quá trình thực hiện Hợp đồng số 03 (20/02/2017 đến 20/02/2023) thì đến ngày 09/12/2022 giữa các đương sự có phát sinh tranh chấp và nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân Quận 7 nên căn cứ vào khoản 13.3 Điều 13 Hợp đồng 03 thì các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện hợp đồng cho đến khi có phán quyết cuối cùng của Cơ quan Nhà nước có thầm quyền nhằm để đảm bảo sự hoạt động ổn định và an toàn của Tòa nhà là đúng theo quy định tại điểm g khoản 9.4 Điều 9 của Hợp đồng số 03.
Như vậy, có căn cứ chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn Công ty Sao Kim về việc yêu cầu Công ty VCG tiếp tục thực hiện Hợp đồng 03 theo Điều 13.3 của Hợp đồng: “Để đảm bảo sự hoạt động ổn định và an toàn của Tòa nhà, nếu có xảy ra tranh chấp hợp đồng này thì trong suốt thời gian cơ quan tố tụng giải quyết việc tranh chấp, Hợp đồng này vẫn được thực hiện cho đến khi có phán quyết cuối cùng của cơ quan Nhà nước có thầm quyền”.
Từ đó, Hội đồng xét xử đã tuyên: “Buộc bị đơn là Công ty VCG thanh toán cho Công ty Sao Kim (nguyên đơn) tổng số tiền là 51.406.713.843 đồng (năm mươi mốt tỷ bốn trăm lẻ sáu tiệu bảy trăm mười ba nghìn tám trăm bốn mươi ba đồng).
Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn Công ty Sao Kim về việc yêu cầu Công ty VCG tiếp tục thực hiện Hợp đồng số 03 theo Điều 13.3 của Hợp đồng: “Để đảm bảo sự hoạt động ổn định và an toàn của Tòa nhà, nếu có xảy ra tranh chấp hợp đồng này thì trong suốt thời gian cơ quan tố tụng giải quyết việc tranh chấp, Hợp đồng này vẫn được thực hiện cho đến khi có phán quyết cuối cùng của cơ quan Nhà nước có thầm quyền”.
Ngay sau khi bị đơn Công ty VCG thanh toán hết số nợ trên thì nguyên đơn Công ty Sao Kim phải bàn giao toàn bộ quyền quản lý, vận hành tòa nhà theo quy định về chấm dứt hợp đồng số 03 tại điểm 9.5 Điều 9 của Hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành số 03/2017/CCDVQLVH-SK ngày 20/02/2017”.
Đồng thời, Hội đồng xét xử cũng tuyên: “Buộc nguyên đơn Công ty Sao Kim trả cho bị đơn Công ty VCG 8.098.611.064 đồng (nợ doanh thu khai thác cơ sở hạ tầng đến 19/2/2023)”.
Không đồng ý với phán quyết tại bản án sơ thẩm trên, Công ty VCG kháng cáo.
Yêu cầu của VCG không được Toà chấp nhận
Sau phiên tòa sơ thẩm, ngày 04/12/2023, Công ty VCG đã gửi đơn đến Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (TAND TP.HCM) yêu cầu “áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời” đối với Công ty Sao Kim với yêu cầu cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định. Cụ thể: “Buộc Công ty Sao Kim bàn giao công tác quản lý vận hành tòa nhà Victory Tower tại địa chỉ số 12 Tân Trào, phường Tân Phú, Quận 7, TP.HCM cho Công ty CP Victory Capital hoặc đơn vị được Công ty CP Victory Capital ủy quyền”.
Yêu cầu của Công ty CP Victory Capital (VCG) đã bị TAND TP. HCM bác bỏ tại văn bản trả lời đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 17, ngày 04/01/2024. Theo đó, TAND TP. HCM nêu rõ: “yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Công ty CP Victory Capital (VCG) là không có cơ sở. Bởi lẽ, yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Cô ty VCG có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các bên trong Hợp đồng số 03 mà hai bên đã ký kết.
Yêu cầu của Công ty VCG ảnh hưởng đến quyền yêu cầu khởi kiện của Công ty Sao Kim vì theo sự thỏa thuận của các bên tại khoản 13.3 Điều 13 Hợp đồng số 03 quy định: “Để đảm bảo sự hoạt động ổn định và an toàn của Tòa nhà, nếu có xảy ra tranh chấp hợp đồng này thì trong suốt thời gian cơ quan tố tụng giải quyết việc tranh chấp, Hợp đồng này vẫn được thực hiện cho đến khi có phán quyết cuối cùng của cơ quan Nhà nước có thầm quyền”.
“Hợp đồng số 03 năm 2017 là sự tự nguyện thỏa thuận của các bên, không có vi phạm điều cấm của pháp luật và đạo đức xã hội, trong đó các điều khoản đã quy định quyền và nghĩa vụ của các bên rất rõ ràng. Theo đó, Quyền hạn và trách nhiệm của Bên Quản lý được quy định cụ thể tại Điều 7, còn Quyền hạn và trách nhiệm của Chủ đầu tư được nêu rõ tại Điều 8 của hợp đồng. Việc vi phạm và chấm dứt hợp đồng được quy định tại Điều 9; Trường hợp có tranh chấp hợp đồng thì Điều 13 là cơ sở để áp dụng giải quyết.”
Được biết, tòa nhà Victory Tower (hay là Tòa nhà Petroland) là tòa nhà Trung Tâm Thương Mại Tài Chính Dầu Khí Phú Mỹ Hưng có chức năng là văn phòng thương mại, không phải là chung cư. Tại Công văn số 7467/SXD-TT của Sở Xây dựng TP.HCM đã xác định: “Qua rà soát các hồ sơ pháp lý có liên quan đến tòa nhà Petroland Tower, số 12 Tân Trào, phường Tân Phú, Quận 7, Sở xây dựng nhận thấy Tòa nhà Petroland Tower, số 12 Tân Trào, phường Tân Phú, Quận 7 do Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng Đô thị và Dầu khí Petroland (viết tắt là Công ty Petroland) làm chủ đầu tư, không phải là nhà chung cư và không thuộc phạm vi điều chỉnh của các quy định pháp luật về nhà chung cư”.
Lãnh đạo Công ty Sao Kim khẳng định, công ty luôn báo cáo kịp thời các sự việc liên quan đến mọi hoạt động quản lý vận hành tòa nhà Victory Tower cho các cơ quan chính quyền địa phương, nhằm thỉnh thị ý kiến chỉ đạo đúng đắn, kịp thời để công tác quản lý vận hành trong tòa nhà được an toàn, xuyên suốt và ổn định theo đúng quy định pháp luật.