Phấn đấu năm 2025 tỷ lệ sinh viên đại học đạt 35%
Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, cả nước đạt tối thiểu 270 sinh viên/vạn dân. Đến năm 2030, tỷ lệ sinh viên đại học trong nhóm tuổi từ 18 đến 24 đạt 35% trong tổng dân số. Tỷ lệ sinh viên quốc tế theo học các chương trình giáo dục đại học của Việt Nam đạt 2%.
Nhằm triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, đồng thời với việc phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc biệt quan tâm đẩy mạnh phát triển quy mô, chất lượng giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.
Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, cả nước đạt tối thiểu 270 sinh viên/vạn dân. Đến năm 2030, tỷ lệ sinh viên đại học trong nhóm tuổi từ 18 đến 24 đạt 35% trong tổng dân số. Tỷ lệ sinh viên quốc tế theo học các chương trình giáo dục đại học của Việt Nam đạt 2%.
Toàn ngành cũng đặt mục tiêu nâng tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt ít nhất 40%; tỷ lệ sinh viên có việc làm phù hợp trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong 12 tháng sau khi tốt nghiệp đạt trên 80% vào năm 2030.
Giải pháp đề ra là tập trung đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học để tạo đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo đó, tăng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học đạt tỷ trọng trên GDP bằng mức trung bình của các nước tiên tiến trong khu vực; xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và đầu tư nguồn lực để phát triển các đại học quốc gia, đại học vùng, các trường đại học xuất sắc theo hiệp định hợp tác với chính phủ các nước, các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm và các trường đại học sư phạm ngang tầm các nước tiên tiến.
Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng triển khai các giải pháp nhằm tăng đầu tư nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học; quy hoạch, sắp xếp các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm phù hợp với mục tiêu phát triển của các vùng kinh tế - xã hội...
Hiện nay mạng lưới cơ sở giáo dục đại học ngày càng được hoàn thiện hơn, tăng cả về số lượng và chất lượng. Cả nước có gần 250 cơ sở giáo dục đại học, cơ bản đáp ứng nhu cầu về cơ cấu vùng, miền, mở rộng cơ hội được tiếp cận giáo dục đại học của nhân dân ở vùng sâu, vùng xa và khu vực khó khăn.