Tây Giang, Quảng Nam: Nỗ lực trên con đường xây dựng nông thôn mới

Đời sống - Ngày đăng : 09:47, 25/03/2016

Qua gần 13 năm, kể từ ngày tái lập huyện đến nay (6/2003 - 6/2016) huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam đang từng ngày thay da, đổi thịt trên các mặt văn hóa, kinh tế, xã hội… đáp ứng được nhu cầu phát triển của người dân.

Để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới Đảng bộ, nhân dân huyện Tây Giang luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo tực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh các Sở, ban, ngành và đang nỗ lực tập trung cho việc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong giai đoạn từ 2016 - 2020, huyện tiếp tục đẩy mạnh, huy động các nguồn lực, kết hợp thực hiện lồng ghép với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội để đầu tư. Phấn đấu đến năm 2020 sẽ có trên 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trước mắt trong năm 2016 - 2018 có các xã A Tiêng, Bhả lêê và Axan… sẽ đăng ký đạt chuẩn.

Tây Giang, Quảng Nam: Nỗ lực trên con đường xây dựng nông thôn mới

Một góc khu dân cư mới ở Tây Giang

Để thực hiện được mục tiêu trên ngày 28/6/2013, UBND huyện Tây Giang đã có Quyết định số 757/QĐ-UB về việc “Phê duyệt hồ sơ quy hoạch nông thôn mới, gắn liền với hành lang bảo vệ đa dạng sinh học xã Atiêng (Tây Giang) và Ban hành quy định quản lý xây dựng theo quy hoạch”. Theo đó, để sớm đưa xã Atiêng đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới chính quyền đã tiến hành quy hoạch trung tâm xã Atiêng tại khu vực đồi Z'lung và đầu tư hoàn thiện cở hạ tầng, chỉnh trị một đoạn sông A vương, xây dựng các công trình thiết yếu như nhà văn hóa, sân thể thao, trụ sở UBND xã, các khu dân cư… vì huyện xác định đây có một vị trí có tầm quan trọng chiến lược, là cửa ngõ của huyện cũng là nơi phát triển đô thị vệ tinh trong tương lai góp phẩn thúc đẩy đô thị của huyện.

Để thực hiện dự án này ngày 27/5/2015, UBND huyện đã có quyết định số 726/QĐ- UB về việc phê duyệt báo cáo kinh tế, kỷ thuật, chính trị dòng sông để thi công công trình trung tâm hành chính xã Atiêng.

Trên cơ sở đó, UBND huyện đã giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện làm chủ đầu tư và công ty TNHH MTV Xây dựng Thương mại Tây Hồ Minh là đơn vị thi công  tiến hành thi công, san ủi mặt bằng điều chỉnh dòng chảy sông A vương, thực hiện các hạng mục để cuối năm 2016 báo cáo UBND tỉnh công nhận xã Atiêng đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Lê Hoàng Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết: Đến nay, đối với dự án trên các hạng mục: Công trình chỉnh trị sông A Vương đã đạt được 70% khối lượng, xây dựng hội trường kết hợp nhà văn hóa cơ bản hoàn thiện xong phần cứng, việc san lấp mặt bằng đạt khoảng 20%.

Từ khi tái lập huyện đến nay hơn 12 năm, mặc dù là huyện miền núi đặc biệt khó khăn với hơn 95% đồng bào dân tộc thiểu số. Nhưng, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền địa phương, đến nay huyện đã thành lập được 69 khu dân cư có đường, điện, trường, trạm, nhà văn hóa để ổn định cho trên 70% người đồng bào sinh sống. Và hiện nay, huyện đang tiếp tục triển khai thêm 8 khu dân cư mới để đến năm 2018 sẽ có 100% người đồng bào được sống trong khu dân cư mới để ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống như mục tiêu của huyện đã đề ra.

Với một huyện miền núi, nghèo nhất tỉnh Quảng Nam nhưng từ khi tái lập huyện đến nay, trong hơn 12 năm qua xây dựng và phát triển đến nay là một trong những huyện có sự phát triển ổn định và bền vững nhất tỉnh Quảng Nam.

Quang Khải