Phóng sự - Ghi chép

Khi đã 'lấy binh làm nghiệp' - Bài 1: Con đường vinh quang nhưng đầy gian khổ

Hữu Tài - Tâm Phúc - Khánh Ngọc 14/03/2024 - 12:07

Đối với quân nhân, trong cuộc đời bình nghiệp thường phải xa gia đình, ít thời gian chăm sóc người thân. Điều kiện kinh tế, thời gian hạn hẹp nhưng đổi lại có rất nhiều niềm vui, niềm tự hào vì được tôi luyện bản thân, cống hiến cho Tổ quốc và rất vinh dự khi khoác lên mình bộ quân phục, trở thành “Bộ đội Cụ Hồ”.

Tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc không ai nghĩ rằng đó là con đường binh nghiệp, mà ra đi không tiếc máu xương vì độc lập tự do cho dân tộc, dũng cảm, kiên cường đi theo tiếng gọi non sông như Thiếu tướng Trần Văn Niên (Tư Niên), nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9.

Thiếu tướng Trần Văn Niên sinh năm 1933, tại xã Hòa Hưng, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Ông là người trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược và sau đó, Thiếu tướng Trần Văn Niên tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Campuchia.

Với những thành tích trong chiến đấu và những cống hiến trong thời bình, Thiếu tướng Trần Văn Niên luôn được mọi người quý trọng. Trong suốt năm tháng hoạt động cách mạng, ông luôn trung thành với mục tiêu lý tưởng cộng sản, khó khăn gian khổ, cái chết cận kề nhưng ông luôn kiên định lập trường phục vụ cách mạng.

4.jpg
Thiếu tướng Trần Văn Niên (bên trái) truyền đạt kinh nghiệm với cán bộ hiện nay

“Nhờ có sự giáo dục của cha mẹ và cán bộ cách mạng nên tôi sớm giác ngộ, hiểu rõ nghĩa vụ của một thanh niên khi nước nhà bị giặc Pháp đô hộ. Kỷ niệm đáng nhớ là đúng ngày sinh nhật Bác, tôi được kết nạp vào Đảng. Sau 6 tháng là đảng viên dự bị, tôi chính thức trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (19/11/1950). Cùng niềm vui đó, giữa tháng 9/1950, tôi chính thức bước vào quân ngũ, trở thành chiến sĩ Đại đội trợ chiến 2053”, Thiếu tướng Trần Văn Niên nhớ lại...

Trên 10 năm công tác ở xã đảo Thổ Châu (TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), Thiếu tá Đinh Văn Sức, Chủ nhiệm Quân y Trung đoàn 152 được nhiều người dân ở xã đảo yêu quý, bởi anh luôn gần gũi bà con, tận tình cứu chữa nhiều trường hợp khẩn cấp, nguy hiểm tính mạng. Khó khăn, vất vả nơi đảo xa, nhưng Thiếu tá Đinh Văn Sức chưa bao giờ nuối tiếc với lựa con đường binh nghiệp của mình.

Thiếu tá Đinh Văn Sức quê ở tỉnh Hà Nam, 28 năm quân ngũ, anh luôn gắn bó với biển, đảo. Năm 2013, Thiếu tá Đinh Văn Sức từ Đội điều trị bệnh 78 (Vùng 5 Hải quân) tình nguyện ra xã đảo công tác và đảm nhận Bệnh xá trưởng Bệnh xá đảo Thổ Châu.

Hồi ấy xã đảo Thổ Châu thiếu thốn cơ sở vật chất y tế. Khó khăn là vậy, nhưng Thiếu tá Đinh Văn Sức và đồng đội luôn nỗ lực khám, chữa bệnh cho nhiều người dân. Với nhiều người dân trên đảo, Thiếu tá Đinh Văn Sức không chỉ là một bác sĩ quân y, mà còn là người có ơn vì đã không ngại đêm khuya, vất vả, luôn hết lòng cứu chữa cho người dân.

Thiếu tá Đinh Văn Sức trải lòng: “Tôi nhớ lời bài hát “Một đời người một rừng cây” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn có đoạn “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai…”. Vì vậy, tôi càng xác định khi theo con đường binh nghiệp, dù có vất vả, khó khăn đến mấy cũng quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Có nhiều người khuyên tôi nếu có cơ hội thì về nơi điều kiện công tác tốt hơn nhưng tình yêu biển, đảo Thổ Châu; thương người dân ở xã đảo còn nhiều khó khăn, nên tôi tình nguyện ở lại để làm tròn trách nhiệm của người bác sĩ quân y”.

Trong quân đội, những trường hợp như Thiếu tá Đinh Văn Sức không hiếm, bởi binh nghiệp không đơn thuần là kiếm sống hay một nghề phục vụ cho xã hội, mà ở công việc này còn gắn liền với trách nhiệm, nghĩa vụ cao cả, cùng với đó là mục tiêu lý tưởng tốt đẹp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mục đích của binh nghiệp không chỉ ở thu nhập mà là giá trị, ý nghĩa mà công việc đem lại, đó là sự cống hiến, rèn luyện, không ngừng hoàn thiện bản thân. Dù khó khăn, gian khổ cũng không sờn lòng, không bao giờ nản chí mà từ bỏ.

3(1).jpg
Đại tá Nguyễn Văn Long động viên chiến sĩ mới

Đại tá Nguyễn Văn Long, Phó Chính ủy Sư đoàn 8 nhớ lại: “Ngày đầu tiên khi bước chân vào Quân đội, tôi đã xác định lấy binh làm nghiệp, đến nay tôi chưa bao giờ hối hận vì điều đó. Từ những ngày đầu nhập ngũ, điều khó khăn nhất đối với tôi đó là sự thích nghi. Tôi cũng như anh em khác, chưa bao giờ biết được 11 chế độ trong ngày, 03 chế độ trong tuần, gấp chăn vuông góc, thực hiện “03 bước đi, 05 bước chạy”... Đến với Quân đội tôi phải làm quen với mọi thứ, từ việc cầm cuốc như thế nào, bổ sâu ra làm sao? Rồi cấy rau, tưới nước sao cho phù hợp nhất…

Niềm vui lớn nhất vì mình là niềm tự hào của gia đình, xóm làng, bên cạnh đó là sự giúp đỡ, chia sẻ của đồng chí, đồng đội, cùng nhau thực hiện nhiệm vụ, có lúc chỉ một cái bánh, chai nước cũng cùng nhau ăn. Cũng có những câu chuyện mà chắc có lẽ cuộc sống bên ngoài không bao giờ cảm nhận được. Tuy nhiên, cũng có lúc buồn là chất lượng công việc chưa như mong muốn; chạnh lòng khi xa gia đình, buồn vì con thơ từ nhỏ đã phải thiếu hơi ấm của người cha”...

Khi đã chọn con đường binh nghiệp, những thanh niên ưu tú được quan tâm, chăm lo giáo dục, học tập, rèn luyện, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ và trưởng thành; có đủ phẩm chất, năng lực, bản lĩnh chính trị để nhận diện, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động.

Trung tá Trương Minh Huyền, Phó Trung đoàn trưởng – Tham mưu trưởng Trung đoàn 895 (Bộ CHQS tỉnh Bến Tre), cho biết: “Việc cống hiến, góp sức mình để xây dựng quê hương đất nước là nhiệm vụ, trách nhiệm cao cả và thiêng liêng của mỗi người. Trong thời đại ngày nay, có rất nhiều con đường để khởi nghiệp, mỗi con đường đều yêu cầu những phẩm chất riêng cần có. Môi trường quân đội cũng vậy, tôi luôn có khát vọng cống hiến, muốn tôi luyện bản thân tác phong của một quân nhân, ý chí sắt đá, tính kỷ luật nghiêm minh, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái. Bên cạnh đó thời gian qua, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với Quân đội nên thu nhập của quân nhân được cải thiện, chất lượng đời sống được nâng lên, việc lựa chọn một ngành nghề có thu nhập ổn định cũng là một yếu tố giúp tôi lựa chọn con đường binh nghiệp”.

Tuổi trẻ là thời kỳ nhiệt huyết, thời điểm chín muồi để xây dựng ý chí, nghị lực bền bỉ, sẵn sàng vượt qua thử thách và đối mặt với sóng gió để đạt được thành công. Thiếu tướng Trần Văn Niên nhắn nhủ: “Tôi luôn nghĩ chỉ khi khẳng định mình là một đảng viên Đảng Cộng sản đích thực thì mình mới có một cuộc sống đáng sống cho đời và được mọi người mến mộ. Sống như thế sẽ sống vui, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và xã hội. Tôi nguyện sống mãi như thế để xứng danh người đảng viên Cộng sản chân chính, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”. Tôi mong muốn thế hệ trẻ hôm nay hãy sống xứng đáng với truyền thống cha anh để không phụ vong linh của đồng bào chiến sĩ đã hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc mà hôm nay chúng ta được hưởng”.

Hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ thanh niên Việt Nam noi theo. Còn gì hơn khi được tôi luyện trong môi trường quân đội, một trường học lớn để hoàn thiện nhân cách, đạo đức, nơi cho chúng ta được rèn luyện nâng cao trình độ, năng lực để cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, khi đã lựa chọn con đường binh nghiệp, mỗi người phải coi đây là vinh dự, trách nhiệm của bản thân trước gia đình, quê hương và xã hội. Để từ đó tự giác tu dưỡng, rèn luyện học tập, công tác, xứng đáng với hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”.

Hữu Tài - Tâm Phúc - Khánh Ngọc