Lắng nghe dân
Việc lắng nghe dân cần kỹ năng như thế nào để vừa thể hiện sự chân thành, cầu thị của chính quyền, cơ quan nhà nước nhưng cũng vừa kịp thời định hướng dư luận theo hướng tích cực?
Trong quá trình phát triển, tất yếu sẽ nhiều vấn đề xã hội nảy sinh, tạo ra những quan điểm, thái độ khác nhau. Bởi vậy, dư luận xã hội sẽ là nguồn thông tin phản hồi có vai trò rất quan trọng, giúp cơ quan Nhà nước, chính quyền hiểu rõ người dân hơn, có giải pháp hoạch định và thực thi chính sách phù hợp với mong muốn chính đáng cũng như thực tế cuộc sống.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn coi việc lắng nghe dân, học hỏi dân là nguyên tắc nhận thức và hành động tiên quyết của người cán bộ, đảng viên. Bác căn dặn, đã là cán bộ lãnh đạo thì "một giây, một phút cũng không thể giảm bớt mối liên hệ giữa ta với dân chúng. Nghĩa là phải lắng tai nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân...".
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định rõ: Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Trao đổi với VOV, nhà báo Bùi Hoàng Tám cho rằng, thực tế từ nghị quyết đến triển khai là một khoảng cách xa, muốn chủ trương, đường lối của Đảng đi vào cuộc sống, lãnh đạo địa phương, cơ quan quản lý nhà nước phải sát dân, gần dân để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân cũng như “hiến kế” của họ nhằm kịp thời điều chỉnh. Trọng thị và cầu thị là tố chất của người lãnh đạo để đạt đến thành công. Những quyết định vội vàng, không công khai và thiếu dân chủ có thể dẫn đến những hậu quả rất khó để khắc phục.
“Phải dựa vào dân, lắng nghe dân, lắng nghe dư luận để chọn lọc, tiếp thu cái đúng”, nhà báo Bùi Hoàng Tám nhấn mạnh.
Những năm gần đây, theo đánh giá của nhà báo Bùi Hoàng Tám, các cơ quan hoạch định chính sách, các cấp chính quyền ở địa phương đã làm khá tốt tinh thần cầu thị, lắng nghe các ý kiến phản biện cũng như tâm tư nguyện vọng của người dân. Thậm chí ở nhiều nơi, còn xây dựng các mô hình “gần dân”, “lắng nghe dân” hoạt động rất hiệu quả và nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân. Điều đó không chỉ mang lại lợi ích thiết thực mà còn tạo niềm tin trong dư luận.
Tuy nhiên, những đóng góp, phản biện của người dân cũng có những ý kiến tích cực, có giá trị, có thể vận dụng vào công tác điều hành, xây dựng chính sách mới. Nhưng ngược lại, cũng có những thông tin tiêu cực, lợi dụng chống phá chính quyền. Vậy việc lắng nghe cần kỹ năng như thế nào để vừa thể hiện sự chân thành, cầu thị của chính quyền, cơ quan Nhà nước nhưng cũng vừa kịp thời định hướng dư luận theo hướng tích cực?
Nhà báo Bùi Hoàng Tám cho rằng, người lãnh đạo phải lắng nghe người dân bằng trí tuệ, bằng trái tim, sự cảm thông, chân thành của mình để hoá giải mọi khoảng cách, thành kiến. Và quan trọng hơn để nghe được tiếng nói thật thì người lãnh đạo phải có sức chịu đựng, nghe được tiếng nói phê bình, phản biện của người dân.
“Tôi xin được mượn lời nói của nhà báo Hữu Thọ, trong một lần trao đổi với tôi, ông có nói rằng, cần phải rửa tai để nghe lời nói thật và dùng trí tuệ để phân biệt đâu là lời nói sạch, lời nói xây dựng và đâu là lời nói xu nịnh, có động cơ không trong sáng”, nhà báo Bùi Hoàng Tám chia sẻ.
Mới đây, với mong muốn được lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến người dân về hoạt động của chính quyền, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh đã cho ra mắt phần mềm Lắng nghe mạng xã hội (Social Beat). Công cụ này được kỳ vọng giúp thành phố hiểu rõ người dân hơn, có giải pháp hoạch định và thực thi chính sách phù hợp mong muốn chính đáng của người dân.
Trong bối cảnh truyền thông xã hội phát triển như hiện nay với 72,7 triệu tài khoản mạng xã hội đang hoạt động tại Việt Nam trong số 78,4 triệu người dùng Internet, thì có thể nói đây là kênh thông tin phản hồi rất quan trọng cho quá trình hình thành, xây dựng và thực thi chính sách.
TS Nguyễn Thanh Hòa, Trưởng phòng Thông tin điện tử, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngoài cổng 1022 có vai trò tiếp nhận và giải đáp thông tin, nay phần mềm này giúp cho lãnh đạo thành phố và các cơ quan chức năng nắm bắt kịp thời tâm thế xã hội, những vấn đề bức xúc đang diễn ra, từ đó kịp thời có hướng tháo gỡ vướng mắc, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Cũng theo TS Nguyễn Thanh Hòa, phần mềm “Lắng nghe mạng xã hội” cũng có thể giúp các tổ chức quản lý và định hình dư luận công cộng thông qua việc theo dõi và phân tích các trào lưu, ý kiến và cảm xúc trên mạng xã hội, nhất là các nội dung, diễn biến thông tin của các đối tượng thù địch, chống phá, lợi dụng mạng xã hội và nền tảng Internet để kích động, kêu gọi biểu tình chống lại chính quyền và các chủ trương, chính sách.
Đánh giá cao ý nghĩa của phần mềm lắng nghe mạng xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh, nhà báo Bùi Hoàng Tám cho rằng, nên được nhân rộng cách làm này đến các địa phương khác trên toàn quốc. Thậm chí ông kiến nghị Quốc hội cũng nên triển khai phần mềm này vì Quốc hội là nơi cần nghe ý kiến cử tri nhiều nhất.
Trong thời gian tới Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cố gắng công bố nhiều hơn các nền tảng ở các những lĩnh vực khác nhau để có thể thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và quan trọng nhất là hoạt động hành chính của thành phố sẽ ngày càng nhanh, hiệu quả hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân và giúp cho doanh nghiệp hài lòng hơn.