Chuyển động

Tổng thống Macron ủng hộ dự luật cho phép trợ tử

Hà Mai 11/03/2024 - 14:03

Ngày 10/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lần đầu tiên cho biết ông ủng hộ luật mới về trợ tử và muốn Chính phủ của ông đệ trình dự luật lên Quốc hội vào tháng 5.

Các nước láng giềng của Pháp là Thụy Sĩ, Bỉ và Hà Lan đã thông qua luật cho phép hỗ trợ tử vong về mặt y tế trong một số trường hợp, nhưng Pháp đã phản đối bước đi đó, một phần dưới áp lực của Giáo hội Công giáo.

tong-thong-macron.jpg
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ủng hộ luật mới về trợ tử và muốn Chính phủ đệ trình một dự luật lên Quốc hội vào tháng 5. (Ảnh: AFP)

Luật Claeys-Leonetti về “hỗ trợ kết thúc cuộc đời” được thông qua vào năm 2016 cho phép dùng thuốc an thần sâu nhưng chỉ dành cho những người có tiên lượng thuốc có tác dụng trong thời gian ngắn.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ “Giải phóng”, Tổng thống Macron cho biết ông không muốn gọi luật mới là “cái chết êm dịu” hay “trợ tử” mà là “giúp chết”. “Nói một cách chính xác, luật không tạo ra một quyền mới hay một quyền tự do nào, nhưng nó vạch ra một con đường chưa tồn tại cho đến nay và mở ra khả năng 'được phép yêu cầu giúp chết’ trong những điều kiện nghiêm ngặt nhất định”, ông nói.

Tổng thống Macron cho biết, những điều kiện đó cần phải được đáp ứng và đội ngũ y tế đánh giá và đảm bảo các tiêu chí đưa ra quyết định là chính xác. Ông nói, nó chỉ liên quan đến những người trưởng thành có khả năng đưa ra quyết định và tiên lượng cuộc sống của họ bị đe dọa trong thời gian trung hạn, chẳng hạn như ung thư giai đoạn cuối. Ông Macron cho biết, các thành viên trong gia đình cũng có thể kháng cáo quyết định này.

Dự luật được xây dựng dựa trên kết quả thảo luận của một nhóm gồm 184 công dân Pháp được chỉ định ngẫu nhiên để tranh luận về vấn đề này. Họ đã kết thúc công việc của mình vào năm ngoái với 76% trong số họ nói rằng ủng hộ việc cho phép một số hình thức hỗ trợ nào đó chấm dứt cuộc sống đối với những người muốn vậy.

Quyết định thúc đẩy luật chấm dứt sự sống được đưa ra sau khi quyền phá thai được ghi vào Hiến pháp nước Pháp, sau cuộc bỏ phiếu áp đảo của các nhà lập pháp hồi đầu tháng này.

Hà Mai