Hải Phòng: Yêu cầu rà soát, chấn chỉnh hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường
Sở GD&ĐT TP. Hải Phòng vừa có văn bản chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh việc tổ chức thực hiện hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường.
Theo Văn bản 671/SGDĐT-VP, Sở GD&ĐT yêu cầu Trưởng phòng GD&ĐT quận/huyện, Hiệu trưởng trường THPT, PT nhiều cấp, Giám đốc Trung tâm GDNN và GDTX quận/huyện, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc tuyệt đối không tự tổ chức các hoạt động trải nghiệm mang tính tự phát; nghiêm cấm lợi dụng việc tổ chức hoạt động trải nghiệm để đi thăm quan, du lịch, dâng hương; thu tiền của học sinh, phụ huynh trái quy định; việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, kế hoạch hoạt động ngoài giờ lên lớp phải theo đúng các văn bản hướng dẫn của Sở GD&ĐT.
Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị rà soát kế hoạch tổ chức hoạt động trải nghiệm của nhà trường, xác định hình thức tổ chức, quy mô tổ chức đảm bảo phù hợp với các chủ đề trong chương trình hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và hoạt động ngoài giờ lên lớp, đáp ứng yêu cầu cần đạt trong chương trình; phù hợp với tình hình đặc điểm của nhà trường và địa phương.
Trong trường hợp tổ chức các hoạt động trải nghiệm theo hình thức bên ngoài nhà trường, Sở GD&ĐT yêu cầu phải đảm bảo các nội dung như2: Đạt sự tự nguyện, đồng thuận của học sinh và phụ huynh học sinh; lấy ý kiến phụ huynh và học sinh bảo đảm rộng rãi, công khai, dân chủ; nội dung phải có trong kế hoạch giáo dục nhà trường và triển khai trong kế hoạch giáo dục của các tổ/ nhóm chuyên môn, được Hội đồng trường phê duyệt kế hoạch; khi tổ chức hoạt động phải có phương án tổ chức dạy học đảm bảo đủ thời gian thực hiện chương trình các môn học theo quy định; hạn chế tổ chức hoạt động toàn trường, nhiều khối hoặc quá đông học sinh trong cùng một thời điểm; chỉ tổ chức theo đơn vị lớp, nhóm lớp hoặc câu lạc bộ phù hợp với định hướng nghề nghiệp, nhu cầu, nguyện vọng của học sinh, phụ huynh và khả năng tổ chức của đơn vị; kinh phí tổ chức phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; đảm bảo tiết kiệm, công khai, minh bạch.
Sở GD&ĐT yêu cầu thực hiện nghiêm túc các hoạt động theo kế hoạch đã đề ra, phối kết hợp hiệu quả giữa các lực lượng để đảm bảo an ninh, an toàn, sức khỏe cho học sinh và giáo viên trong quá trình tổ chức hoạt động trải nghiệm; phân định rõ việc tổ chức cho học sinh học tập trải nghiệm trong chương trình theo quy định với việc đi tham quan, du lịch do cá nhân học sinh và phụ huynh tự nguyện tổ chức ngoài kế hoạch giáo dục nhà trường và ngoài thời gian nhà trường quản lý theo quy định.
Yêu cầu hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về việc tổ chức thực hiện Hoạt động trải nghiệm nghiêm túc, hiệu quả, đạt mục tiêu giáo dục, đảm bảo đúng quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Trước đó, một số cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hải Phòng tổ chức thực hiện hoạt động trải nghiệm, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động dạy học tích hợp liên môn, hướng nghiệp bên ngoài nhà trường chưa hiệu quả, chưa phù hợp, gây lãng phí, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, gây dư luận không tốt.
Tại Trường THPT Lê Hồng Phong (TP. Hải Phòng), phụ huynh phản ứng khi nhà trường tổ chức triển khai chương trình học tập trải nghiệm cho học sinh khối lớp 12 ở 4 tỉnh miền Trung (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị) kéo dài 3 ngày 2 đêm (từ 13-15/3/2024), với chi phí mỗi học sinh phải đóng là 2,83 triệu đồng.
Sau khi xác minh, kiểm tra, Sở GD&ĐT có thông báo kết quả kiểm tra và nêu rõ trách nhiệm của hiệu trưởng với vai trò người đứng đầu trong sự việc này.
Theo Sở GD&ĐT trách nhiệm để xảy ra hạn chế và khuyết điểm về công tác tổ chức triển khai hoạt động trải nghiệm nêu trên trước tiên thuộc về hiệu trưởng nhà trường với vai trò người đứng đầu; sau đó là trách nhiệm liên quan của lãnh đạo, các tổ chức, cá nhân đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm trong nhà trường với vai trò tuyên truyền, phổ biến, kiểm tra, giám sát, phát hiện và ngăn chặn tồn tại, hạn chế khi tổ chức triển khai thực hiện.
Theo Sở GD&ĐT Hải Phòng, công tác tuyên truyền, phổ biến và quán triệt việc tổ chức triển khai về chuyến đi hiệu quả chưa cao nên vẫn còn có giáo viên chủ nhiệm và cha mẹ học sinh chưa hiểu đúng chủ trương, bản chất của sự việc và đã có phụ huynh bày tỏ sự bức xúc trên mạng xã hội.
Công tác chỉ đạo, quán triệt của nhà trường chưa được kiên quyết, mạch lạc, vẫn còn người hiểu và thực hiện chưa đúng bản chất hoạt động trải nghiệm của trường, phân kỳ thu.
Ngoài lùm xùm việc tổ chức đi trải nghiệm của Trường THPT Lê Hồng Phong thì có trường đang cho học sinh đi trải nghiệm thì quá trình di chuyển gặp tai nạn giao thông khiến nhiều học sinh bị thương.