Phá dỡ công trình 8B Lê Trực: Nứt nhà, người dân kêu cứu

Đời sống - Ngày đăng : 22:48, 18/03/2016

Sáng 18-3, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên đã có buổi làm việc và lắng nghe phản ánh của người dân về những bất cập trong công tác phá dỡ phần sai phạm của công trình 8B Lê Trực.

Theo các hộ dân, người mua nhà ở 8B Lê Trực đều có hợp đồng, đã đóng tiền tới 90% giá trị căn hộ nên hiện tại tòa nhà 8B Lê Trực không phải chỉ riêng của chủ đầu tư. Song trong quá trình xử lý sai phạm tòa nhà này, những người mua nhà lại không được các cơ quan xử phạt lấy ý kiến.

Đại diện cho một số hộ mua nhà tại 8B Lê Trực tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Hồng Xuân và ông Vũ Văn Cảnh cho biết, việc cắt ngọn, giật cấp như hiện nay đang ảnh hưởng tới chất lượng công trình, gây nguy hiểm cho người dân nhưng chưa được các cơ quan chức năng tính đến.

Người dân bày tỏ sự hoang mang, lo lắng sau khi cung cấp cho Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng hình ảnh những vết nứt trên tường nhà. Theo trình bày, những vết nứt này xuất hiện sau khi lực lượng cưỡng chế của quận Ba Đình vào làm việc. Theo các hình ảnh cho thấy, có rãnh nứt chạy dài, ngoằn ngoèo trên trần bê tông đã được vá lại.

Các hộ dân đã đề nghị Bộ Xây dựng nhanh chóng phối hợp với cơ quan nhà nước liên quan vào cuộc xem xét, thẩm định việc phá dỡ phần vi phạm có đúng quy định và bảo vệ được chất lượng, bảo đảm được tuổi thọ của các căn hộ chung cư phía dưới.

“Cơ quan chức năng phải duyệt được phương án phá dỡ tối ưu, không ảnh hưởng tới kết cấu, tuổi thọ công trình thì tháo dỡ. Còn không thì dừng lại”, ông Nguyễn Sỹ Duyên, một hộ dân mua căn hộ kiến nghị.

Phá dỡ công trình 8B Lê Trực: Nứt nhà, người dân kêu cứu

Đại diện các hộ dân mua căn hộ 8B Lê Trực đến Bộ Xây dựng cầu cứu

Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng, ông Phạm Gia Yên bày tỏ sự cảm thông trước những bức xúc và lo lắng của người dân người mua nhà và cho biết, tòa nhà 8B Lê Trực do UBND quận Ba Đình ra quyết định cưỡng chế, vậy người dân cần tìm đến đây để kiến nghị. Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng phải có trách nhiệm tiếp dân, giải quyết khiếu nại. Về phía Thanh tra Bộ Xây dựng, sẽ chuyển toàn bộ nội dung người dân kiến nghị đến Bộ trưởng Bộ xây dựng và UBND TP Hà Nội giải quyết. 

“Phá dỡ phải có phương án, phải do những người có trình độ chuyên môn lập, để cấp có thẩm quyền phê duyệt, đơn vị phá dỡ phải có chuyên môn. Chúng tôi sẽ chuyển đơn này để Hà Nội kiểm tra ngay, nếu không đúng điều kiện thì phải dừng. Chúng tôi sẽ yêu cầu cấp có thẩm quyền xử lý” - ông Phạm Gia Yên nói.

Như vậy, cảnh báo của các chuyên gia gần đây đã hiện hữu. Trước đó, TS Trần Chủng (nguyên Cục trưởng Cục Giám định chất lượng nhà nước về chất lượng xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới cho thấy, hầu như không có việc cắt ngọn công trình. Thường chỉ có kéo sập, phá hủy toàn bộ tòa nhà bằng thuốc nổ, mìn công nghệ cao. Chỉ có riêng Việt Nam thường xuyên xảy ra việc để chủ công trình xây sai xong, lại phải cắt ngọn. Cho nên, cần phải tăng cường công tác quản lý, tốt nhất là ngăn chặn, không để xảy ra sai phạm, nếu không nhiều trường hợp rất khó giải quyết.

Ví dụ, với công trình số 8B Lê Trực (Hà Nội), nếu “cắt” hết phần sai phạm công trình sẽ tan tành. Vì ngoài hạ độ cao 16m xây vượt, công trình phải cắt khoảng lùi ở các mặt của tòa nhà. Việc phá dỡ tòa nhà số 8B Lê Trực chắc chắn ảnh hưởng đến mặt kết cấu. Tòa nhà cũng giống như con người, chặt ngọn không khác gì chặt chân chặt tay. Vì thế cần nghiên cứu kỹ tác động của việc cắt ngọn tòa nhà có ảnh hưởng đến kết cấu còn lại không, việc phá dỡ thế nào để đảm bảo an toàn cho công trình và cả khu dân cư, từ an toàn vật liệu xây dựng, đến an toàn tiếng ồn, ô nhiễm…

Còn theo PGS.TS Nguyễn Văn Hùng (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng), công trình 8B Lê Trực có số tầng sai phạm lớn khi cắt ngọn, nếu cắt giật cấp thì phải cùng cân, có các trụ đỡ vì nếu không cẩn thận có thể gây lệch tâm tòa nhà.

Công Minh