Gỡ vướng vật liệu xây dựng: Nhiều doanh nghiệp vẫn kêu trời
Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng kêu trời liên quan tới nhiều tồn tại, vường mắc về định mức, đơn giá xây dựng; khai thác cung ứng vật liệu xây dựng (VLXD) cho các dự án, công trình lớn, trọng điểm, quan trọng trên địa bàn. Trong một số thời điểm, VLXD khan hiếm, các đơn vị bán không xuất hóa đơn khiến công trường “đói” vật liệu.
Tập trung tháo gỡ vướng mắc VLXD
Thực hiện Công điện số 02/CĐ-TTg ngày 09/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ, về việc tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng cũng như khai thác, cung ứng VLXD cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, đồng thời, căn cứ diễn biến thực tế các vấn đề liên quan tới việc cung ứng VLXD.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Giám đốc các sở; trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, khu vực; trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, tiếp tục tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được HĐND, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tại các văn bản được giao.
Đồng thời, giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tiếp tục công bố chỉ số giá xây dựng, giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công đảm bảo kịp thời, đầy đủ, phù hợp với giá thị trường, đúng quy định của pháp luật.
Cập nhật đầy đủ dữ liệu vào hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức xây dựng, giá xây dựng công trình và chỉ số giá xây dựng, định kỳ báo cáo Bộ Xây dựng để theo dõi, tổng hợp theo quy định, để tổng hợp và công khai về tình hình thực hiện công bố và cập nhật các thông tin nêu trên của các địa phương trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.
Chủ động phối hợp với Bộ Xây dựng, triển khai lập, ban hành định mức đặc thù tại địa phương (nếu có) theo quy định; chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông Vận tải và các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục rà soát các mỏ khoáng sản làm vật liệu san lấp trên địa bàn, đảm bảo đủ vật liệu theo tiến độ cho nhu cầu thi công của các dự án, công trình lớn, trọng điểm, quan trọng trên địa bàn tỉnh.
UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tiếp tục rà soát các mỏ khoáng sản đất, đá, cát mới (kể cả các mỏ cát nhiễm mặn tại các cửa sông, cửa biển làm vật liệu san lấp) để bổ sung vào quy hoạch, gửi về Sở Xây dựng để kiểm tra, nếu đủ điều kiện sẽ tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh chấp thuận chủ trương bổ sung vào Quy hoạch tỉnh.
Hướng dẫn việc kê khai, tiếp nhận biểu mẫu kê khai giá hàng hóa dịch vụ đặc thù đến các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất vật liệu xây dựng (đất, cát, đá) trên địa bàn theo quy định. Tiến hành khảo sát, điều tra giá vật liệu xây dựng trên địa bàn và báo cáo kết quả khảo sát giá gửi về Sở Xây dựng trước ngày 20 tháng cuối quý (báo cáo trước ngày 15 hằng tháng đối với các loại vật liệu xây dựng có biến động giá lớn để công bố theo tháng).
Vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập
Vấn đề khan hiếm, đơn giá phê duyệt của nhà nước chênh nhau quá lớn với thị trường, kèm theo đó là nhiều mỏ VLXD đã hết trữ lượng trong khi trên giấy vẫn đang còn… đã làm nóng nghị trường HĐND tỉnh Thanh Hóa giữa, cuối năm 2023. Một trong những nguyên nhân dẫn tới giải ngân đầu tư công trên địa bàn chậm là do kham hiếm VLXD, giá bên ngoài cao và không có hóa đơn dẫn tới đơn vị thi công càng làm càng lỗ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong năm 2023, có thời điểm nhiều hạng mục vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tăng phi mã như: Tại khu vực thành phố Thanh Hóa, cát bê tông 215.000 đồng/m3, cát trát 225.000 đồng/m3. Tuy nhiên, theo khảo sát giá thị trường, giá cát xây, trát 400.000 đồng/m3, cát nền 250.000 đồng/m3.
Tại huyện Quảng Xương, giá theo công bố cụm I, cát xây, trát 267.800 đồng/m3, thực tế giá thị trường 350.000 đồng/m3 (chưa thuế VAT); cát bê tông giá công bố 289.200 đồng/m3, giá thị trường 350.000 đồng/m3 (chưa thuế giá trị gia tăng)... từ đó cho thấy có khoảng cách chênh lệch lớn giữa giá cả công bố và diễn biến giá thực tế.
Trong khi đó, thực tế, trong trường hợp cụ thể kể tới như các Ban Quản lý dự án từ cấp tỉnh đến địa phương đều phải căn cứ vào giá công bố của Sở Xây dựng làm căn cứ mời thầu, ký kết hợp đồng, thanh quyết toán các công trình có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước... khiến cho nhiều công trình, dự án bị đình trệ.
Bên cạnh đó, vướng mắc, chồng chéo trong các khâu thủ tục hành chính khiến thời gian tiến hành cấp phép kéo dài như vướng mắc thu hồi đất đất, các quy định VLXD thông thường.
Giám đốc một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây lắp tại huyện Hoằng Hóa chia sẻ: “Đến thời điểm hiện tại, tất cả các giá vật liệu xây dựng có sát hơn với giá thị trường so với năm 2023, nhưng vẫn còn một số vấn đề bất cập khiến nhiều đơn vị thi công còn gặp phải như: Nguồn đất san lấp chưa đáp ứng đủ cho các công trình trên địa bàn, cung đường vận chuyển từ mỏ đến công trường là khá xa, dẫn đến tiến độ thi công còn chưa đạt…Thời gian tới đơn vị cũng mong các cơ quan ban ngành quan tâm, tạo điều kiện cho các đơn vị hoạt động được tốt hơn”.
Các loại cấp vật liệu khảo sát gồm: Xi măng, thép, nhựa đường, cát, đá, đất đắp, dây điện, gạch xây, gạch ốp lát, tôn lợp... khi tổng hợp báo cáo kết quả khảo sát giá, phải xác định rõ tên, địa chỉ mỏ khảo sát, báo giá của mỏ, doanh nghiệp khảo sát, bản kê khai giá và một số hóa đơn giá trị gia tăng xuất bán trong thời gian gần nhất, làm cơ sở để Sở Xây dựng công bố giá vật liệu đến hiện trường xây lắp của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn.
Giá của Sở Xây dựng công bố chỉ được xem là tham khảo, còn các chủ đầu tư phải khảo sát giá thực tế để lập dự toán cho dự án cụ thể. Tuy nhiên, giá cả lên xuống theo thị trường, hầu hết các đơn vị đều “tựa” vào giá của Sở, chứ không dám quyết theo đơn giá tại thời điểm khảo sát. Dẫn tới độ vênh nhau khá xa, khiến cho nhàu thầu thi công vừa làm vừa phải tính toán, cân nhắc khiến tiến độ không được như mong muốn.