Những người gác đèn ở Trường Sa
Đời sống - Ngày đăng : 06:00, 18/03/2016
Người đến với Trường Sa mỗi khi gặp đèn biển, đều cảm thấy rưng rưng xúc động như nhìn thấy cột mốc khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Những ngọn đèn không bao giờ tắt
Trong chuyến công tác ở Trường Sa mấy năm về trước, tôi đã thực sự ấn tượng khi được gặp những người gác đèn trên các ngọn hải đăng - một công việc tuy thầm lặng nhưng lại vô cùng thiêng liêng và ý nghĩa. Bởi những ngọn hải đăng không chỉ giúp tàu thuyền xác định đúng vị trí mà còn là những cột mốc chủ quyền. Dù nắng hay mưa, biển lặng hay sóng to những “thợ đèn” ấy luôn túc trực để những cặp “mắt biển” luôn sáng, không bao giờ tắt. Điều đó giúp hàng ngàn ngư dân Việt Nam đang đánh bắt trên vùng biển chủ quyền của Tổ quốc này thấy an toàn hơn trong mỗi chuyến ra khơi.
Những “thợ đèn” ấy, họ đa phần là những thanh niên ở độ tuổi hai mươi, ba mươi. Bởi thời tiết ở Trường Sa vô cùng khắc nghiệt. Chỉ có trẻ, khỏe mới được chọn giữ đèn, chỉ có vâm vam sức vóc mới có thể hiên ngang đối diện với những cơn bão ầm ầm tràn qua, mới có thể hàng ngày phơi mình dưới cái nóng gay gắt của mặt trời. Họ luôn tự nhận mình chỉ là người công nhân gác đèn biển bình thường, nhưng nếu cần, họ sẵn sàng cầm súng sát cánh cùng những người lính chiến đấu để bảo vệ đảo. Họ luôn sống giản dị, yêu thương nhau như những người đồng chí, đồng đội sẵn sàng “nhường cơm, sẻ áo” cho nhau và cùng có chung chí hướng là giữ vững, bảo vệ lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.
“Mắt biển” Trường Sa
Làm nhiệm vụ rải rác trên những điểm đảo có đèn biển như Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, An Bang, Sinh Tồn, Sơn Ca, Đá Lát, Đá Tây, Tiên Nữ..., những người gác đèn biển ở Trường Sa hầu như ai da cũng cháy nắng đồng hun, mái tóc khê vàng vì gió mặn và khuôn mặt nào cũng như già trước tuổi. Họ chỉ khác những người lính thực thụ ở trang phục, cách ăn mặc tự do, phóng khoáng, đôi khi còn đậm chất nghệ sỹ. Nguyễn Văn Sơn, quê Hải Phòng, gác đèn ở đảo An Bang, cười bảo: “Nắng gió ở đây “đầu hàng” anh em lâu rồi. Toàn trai Hải Phòng mà anh, xá gì giông gió!”.
Quả thật, nếu tính các điểm đèn trên hai tuyến Tây và Đông ở Trường Sa, khéo có đến gần 20 người gốc gác Hải Phòng - mảnh đất cửa bể của nữ tướng Lê Chân, của giới thợ thuyền đi sớm về chiều - mảnh đất có bề dày truyền thống cách mạng, đã từng vượt sóng gió để chèo lái những con tàu Không số thưở nào chi viện cho chiến trường miền Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Giờ đây, để tiếp nối truyền thống đó, những chàng trai đất Cảng tiếp tục vượt trùng dương đến Trường Sa, góp phần bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, chỉ dẫn cho những con tàu hoạt động trên biển đi đến nơi, về đến chốn an toàn.
Xem đảo là nhà
Cũng như cuộc sống của những người lính đảo Trường Sa, những người gác đèn gắn bó với đảo như quê hương thứ hai của mình. Đối với họ, được ra công tác tại quần đảo Trường Sa thực sự là niềm vinh dự và tự hào. Chính vì thế, đa phần những người gác đèn ở Trường Sa đều muốn gắn bó với quần đảo này. Có hàng chục cán bộ hàng hải gác đèn đã và đang luân phiên để vận hành những cây đèn biển như anh Sơn, anh Nguyễn Văn Thu, anh Trần Văn Ngữ, anh Nguyễn Văn Chương, anh Đàm Văn Khôi, Vũ Quy Cách, Vũ Duy Tiến... Các anh xoay tua từ đèn này sang đèn kia, hết An Bang sang Song Tử, hết Đá Lát về Đá Tây. Có những người đã đã xoay tua đến 8, 9 lần qua các đèn trên quần đảo như anh Tiến, anh Thu...
Công tác bảo dưỡng, kiểm tra thiết bị đèn diễn ra thường xuyên
Anh Vũ Duy Tiến, Trạm hải đăng Trường Sa Lớn, có vẻ trầm tĩnh, giọng nhẹ nhàng, chậm rãi như những tín hiệu ngọn hải đăng. Công việc của anh hàng ngày là lau chùi bảng, đèn, bảo dưỡng thiết bị mỗi sáng, bật đèn theo giờ quy định vào chiều tối. “Ở đây, chúng tôi ai cũng thuộc nằm lòng khẩu hiệu: “Người có thể đói ăn chứ đèn không thể đói điện”. Để đảm bảo được việc đó, trước đây chúng tôi hết sức vất vả vì phải thường xuyên canh máy nổ. Từ ngày đảo có điện được sản xuất từ năng lượng mặt trời, công việc nhàn hơn hẳn, nhưng cũng không vì thế mà chủ quan được. Ngoài ra, những lúc đèn bị đứt bóng phải lập tức xử lý, thời gian khắc phục sự cố không được chậm hơn hai phút, bởi nếu việc báo hiệu hàng hải bị gián đoạn, tàu thuyền sẽ bị mất phương hướng, thậm chí, đâm vào bãi ngầm, bãi cạn… Nếu không chấp hành nghiêm các quy định bảo trì, bảo dưỡng đèn biển, giao thông hàng hải trên Biển Đông sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro”, anh Tiến chia sẻ.
Vừa nói, anh Tiến vừa thao tác và giải thích cho chúng tôi hiểu ý nghĩa của những ánh chớp đèn biển. Mỗi chu kỳ, nhóm chớp của mỗi ngọn đèn cũng như “số nhà” của đảo, nó báo cho người đi biển biết họ đang gần đảo nào, nhờ thế mà xác định được vị trí trên biển. “Người gác đèn bỏ trạm cũng như người lính rời vị trí chiến đấu. Ngọn đèn hải đăng còn là sự khẳng định chủ quyền lãnh thổ. Dù trong đêm bão nhưng còn người, còn sáng đèn”, anh Tiến quả quyết.
Hỏi chuyện gia đình, gương mặt phong trần với bộ râu rậm rất đàn ông của anh Tiến chợt chùng xuống: “Thì công việc vẫn phải đặt lên trên hết, đã lựa chọn cái nghề này thì phải theo cho đến khi nào nhận sổ lương mang về cho “bu nó” ở nhà thì mới thôi. Thậm chí tết tôi cũng ở đây”. Tâm sự của anh Tiến cũng là tâm sự chung của những người làm nhiệm vụ gác đèn biển. Tết nào cũng vậy, chỉ một số ít trong các anh được trở về đất liền sum họp với gia đình còn hầu hết đều ở lại làm nhiệm vụ. Người về nhớ đảo, người ở lại nhớ đất liền…
Vượt khó nơi đầu sóng
“Trong mọi hoàn cảnh, chúng tôi luôn quyết tâm đảm bảo cho hải đăng chiếu sáng, bởi chúng tôi rất hiểu: Tia sáng hải đăng không chỉ mang ý nghĩa “an toàn hàng hải, mang lại cảm giác không đơn độc cho mỗi con tàu trên những hải trình thăm thẳm, mà còn mang ý nghĩa lớn lao là thắp lên ánh sáng Việt Nam, ánh sáng khẳng định chủ quyền lãnh hải tổ quốc”, anh Thu góp chuyện. Người Trạm trưởng có mái tóc dài buộc sau gáy, bộ râu xồm xoàm và vóc người cao lớn này có vẻ rất lãng tử, nhưng quan niệm của anh về công việc thì không lãng tử chút nào. Với anh, nhiệm vụ tối quan trọng là đảm bảo cho những “mắt biển” Trường Sa luôn tỏa sáng, bảo đảm an toàn cho mọi phương tiện hàng hải đi qua khu vực thuộc chủ quyền Việt Nam. Ngọn hải đăng sẽ thay cho lời nói gửi tới bạn bè quốc tế rằng: Có chúng tôi ở đây! Vùng biển này, quần đảo này là của Tổ quốc tôi. Việt Nam xin chào các bạn!
Vui chuyện, song anh Thu không hề lơi là công việc. Chốc chốc anh lại rời cuộc vui để về phía nhà đèn kiểm tra anh em làm việc. Theo anh Thu thì tinh thần của những người lính gác đèn biển phải luôn ở trong tư thế sẵn sàng bởi nếu đèn biển gặp sự cố, việc báo hiệu hàng hải bị gián đoạn sẽ khiến tàu thuyền mất phương hướng, đâm vào bãi ngầm, bãi san hô. Mỗi khi giông tố, họ luôn phải chuẩn bị sẵn xuồng và phao cứu sinh. Bất chấp sự hung dữ của biển cả, những người lính vẫn bám trụ ngọn hải đăng để những ngọn đèn không bao giờ tắt.
Dù luôn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn huy hiểm nhưng họ vẫn ngày đêm mải miết với công việc, ngày ngày gắn bó với ngọn đèn, làm sao đảm bảo điều độ, an toàn cho tàu thuyền qua lại và ngư dân đánh bắt cá trong vùng. Thời tiết ở đảo vô cùng khắc nghiệt, lại phải sống xa đất liền xa gia đình, những người lính nhà đèn phải tự túc đồ ăn, thức uống, ngoài những thứ dùng chung như gạo, dầu, mắm muối, ai muốn mua thêm gì phải đặt trong đất liền. Mọi thứ đều khan hiếm...
Trên đảo, tuy có thể trồng được rau xanh, nhưng anh em vẫn phải ăn rất tiết kiệm. Nhưng cái thiếu nhất phải nói đến là nước ngọt. Vào mùa khô, thường thì những người gác đèn phải tắm bằng nước biển, rồi sau đó tráng qua một ít nước ngọt. Nước ngọt được dùng tiết kiệm tối đa, dùng đi dùng lại 2 đến 3 lần rồi lại dùng nước đó để tưới cho rau xanh.
Hơn nữa, do các tháp đèn đều cao, có đèn cao gần gần 25m, làm việc ở đó vô cùng khó khăn, vất vả: Không gian chật hẹp, mùa nóng, mức nhiệt thường xuyên trên 40 độ C; mùa gió bão, tháp đèn rung lắc, lạnh buốt… nhưng các công nhân gác đèn vẫn nỗ lực để đảm bảo ngọn đèn hải đăng sáng tỏ. Không gian đã rất chật, các phòng đều là nơi chứa và vận hành máy móc, thế nên anh em gác đèn phải cố gắng thu xếp đồ đạc sao cho hợp lý và giản tiện nhất có thể. Hầu như ai cũng chỉ giữ cho mình một ít vật dụng cá nhân thiết yếu, vừa để tiết kiệm diện tích, vừa để thông thoáng, nhất là khi trời nóng.
Trong điều kiện thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần nhưng những người canh gác đèn biển vẫn vô cùng lạc quan. Bởi họ ý thức được tầm quan trọng của chính công việc họ đang làm. Đây cũng là một cách thể hiện tình yêu đối với Tổ quốc, với biển đảo thiêng liêng.