Đời sống

Chuyện nữ giới tham gia lãnh đạo, quản lý

Tuấn Dũng + Tuyết Nhung 08/03/2024 09:02

Trong những năm qua, công tác cán bộ nữ luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành. Với khung pháp lý ngày càng hoàn thiện, khá toàn diện và phù hợp các yêu cầu quốc tế, cùng với sự nỗ lực vươn lên của các lực lượng phụ nữ, Việt Nam đã có những bước chuyển biến tích cực về bình đẳng giới, phụ nữ đã và đang tham gia ngày càng nhiều trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực chính trị.hập tóm tắt

cau-chuyen-2-.png

Trong những năm qua, công tác cán bộ nữ luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành. Với khung pháp lý ngày càng hoàn thiện, khá toàn diện và phù hợp các yêu cầu quốc tế, cùng với sự nỗ lực vươn lên của các lực lượng phụ nữ, Việt Nam đã có những bước chuyển biến tích cực về bình đẳng giới, phụ nữ đã và đang tham gia ngày càng nhiều trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực chính trị.

01-copy.png

Đội ngũ cán bộ nữ ngày càng tăng về số lượng và chất lượng; kết quả thực hiện bình đẳng giới của nước ta được xếp hạng cao hơn so với nhiều quốc gia có cùng trình độ phát triển và thu nhập.

Mặc dù vậy, tỷ lệ cán bộ nữ ở nước ta hiện nay vẫn còn khoảng cách so với chỉ tiêu đề ra, có sự tăng trưởng song tỷ lệ tăng chưa cao và thiếu tính bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng và sự đóng góp to lớn của các tầng lớp phụ nữ.

Cùng với đó, trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đồng đều giữa các vùng, miền trong cả nước nên vẫn có nơi chưa có bình đẳng thực sự; một bộ phận phụ nữ sống ở nông thôn, phụ nữ là người dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều thiệt thòi do thiếu các điều kiện để tiếp cận các chính sách và thụ hưởng thành quả do sự phát triển kinh tế - xã hội mang lại.

Ở những ngành nghề đặc thù đòi hỏi trình độ, khả năng cao của cán bộ, công chức, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo, quản lý như ngành Hải quan Việt Nam có thể thấy rằng đội ngũ nữ cán bộ đóng vai trò không nhỏ trong thành công chung của ngành. Là một lãnh đạo nữ của ngành Hải quan, bà Trần Thị Kim Hà, Trưởng phòng Dự toán – Quản lý thu ngân sách, Cục Thuế xuất nhập khẩu - Tổng cục Hải quan chia sẻ: Ngành hải quan Việt Nam đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Trong thành tích chung đó, đội ngũ nữ cán bộ đóng vai trò không nhỏ. Giai đoạn mới thành lập, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia trong ngành hải quan rất ít, nắm giữ vai trò quản lý lại càng ít hơn.

z5224941387197_9483b7b0908b5d324051380a9d5b3cee.jpg
Bà Trần Thị Kim Hà, Trưởng phòng Dự toán – Quản lý thu ngân sách, Cục Thuế xuất nhập khẩu - Tổng cục Hải quan.

Tuy nhiên, theo bà Hà, trải qua 78 năm phát triển của ngành hải quan, tỷ lệ cán bộ nữ trong ngành đã chiếm tỷ lệ gần 50% toàn ngành. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn giữa công việc gia đình, chăm sóc con cái, vừa hoàn thành công việc chuyên môn nghiệp vụ, nhưng cán bộ nữ trong ngành hải quan đã luôn khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Có nhiều chị em được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng như Cục trưởng, Vụ trưởng, Chi Cục trưởng…

Có thể nói, ngoài quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới, nhận thức và ủng hộ của xã hội về bình đẳng giới, nhận thức và sự cố gắng của phụ nữ, từ đặc trưng giới của phụ nữ như: ý nhị trong giao tiếp, dễ cảm thông với người khác, phong cách lãnh đạo chuyển đổi linh hoạt hơn, khả năng làm việc tập thể, truyền cảm hứng…vẫn là những thế mạnh giúp cán bộ lãnh đạo nữ ngày càng có vai trò hết sức quan trọng trong xã hội hiện đại.

“Với tỷ lệ cán bộ, công chức người lao động nữ chiếm gần 50% toàn ngành, các chị em được phân công nhiệm vụ hầu hết ở các khâu nghiệp vụ từ các Cục, vụ, viện thuộc cơ quan Tổng cục đến các Chi cục, cửa khẩu thuộc các Cục Hải quan tỉnh, thành phố. Các chị em đã đóng góp không nhỏ trong việc tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đến việc hướng dẫn trực tiếp cho doanh nghiệp tại nơi làm thủ tục, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, đồng thời giúp toàn ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.”, bà Hà cho hay.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn rất nhiều “rào cản” trong việc nữ giới tham gia công tác lãnh đạo như: nhận thức, định kiến, khuôn mẫu giới chung của xã hội, của chính bản thân phụ nữ (trọng nam khinh nữ, định kiến những công việc chỉ có nam hoặc nữ làm được, định kiến về sứ mệnh phụ nữ gắn với gia đình); các quy định chính sách về bình đẳng giới chưa đầy đủ, chặt chẽ (trong giáo dục đào tạo, tuyển dụng, điều kiện làm việc, công tác cán bộ…); việc tổ chức thực hiện bình đẳng giới, khuyến khích, tạo cơ hội cho phụ nữ trở thành lãnh đạo và thực hiện lãnh đạo; việc kiểm tra, giám sát, khen thưởng, xử lý về bình đẳng giới còn nhiều khó khăn.

Chia sẻ câu chuyện của bản thân mình về những khó khăn khi vừa phải là phụ nữ của gia đình, vừa phải hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành và đơn vị đặt ra bà Trần Thị Kim Hà cho biết: Với một vị trí lãnh đạo nhỏ như cá nhân bà, thì việc vừa phải làm tốt vai trò người vợ, người mẹ, vừa phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao cũng gặp không ít khó khăn khi đối mặt với quan niệm truyền thống cho rằng: “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, người phụ nữ trong gia đình vẫn phải là người làm tất cả công việc nội trợ, chăm sóc con cái. “Trong xã hội, hiện nay nhiều gia đình vẫn còn tồn tại điều này. Thậm chí, về vai trò, trách nhiệm, bổn phận đối với gia đình, người nữ trí thức còn có cách nhìn nhận khắt khe hơn đối với bản thân và với phái của mình”, bà Hà nhìn nhận.

Cũng theo bà, như những người phụ nữ khác, vị trí của người mẹ, người vợ trong gia đình đóng một vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng một gia đình hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn. “Tôi là một trong số ít những người may mắn có được một người chồng, một người bạn đời thấu hiểu. Đồng thời từ phía gia đình cả hai bên cũng rất cởi mở, có nhận thức cao về vai trò giới trong gia đình và công sở. Chính những người thân bên cạnh là những nhân tố thực sự quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành tốt nhiệm vụ mà cơ quan giao cho”, bà Hà chia sẽ.

Trong tổ chức công đoàn các cấp hiện nay, người phụ nữ đã có rất nhiều cơ hội tham gia vào quá trình ra quyết định và ảnh hưởng đến chính sách và hoạt động của công đoàn, từ đó tạo ra một môi trường làm việc công bằng và bảo vệ quyền lợi của tất cả các thành viên trong cộng đồng lao động.

Bà Trần Thu Phương, Phó trưởng Ban Nữ công - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay, với vai trò là lãnh đạo Ban Nữ công Tổng Liên đoàn, Ban tham mưu cho Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về công tác nữ, khi tham gia vào công tác quản lý, đặc biệt là nằm trong tổ chức công đoàn có nhiều đặc thù là phải quan tâm chăm lo đời sống, việc làm cho lao động nữ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và đồng hành cùng chị em trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình, chăm sóc và nuôi dạy con, bản thân bà cũng phải thường xuyên trăn trở xem mình cần nghiên cứu, đề xuất những chế độ, chính sách, những hoạt động gì cho phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của chị em, để những chính sách, những hoạt động này đến với người lao động thực sự hiệu quả và giúp chị em cải thiện thu nhập, giữ gìn hạnh phúc gia đình và nuôi dạy con tốt trên thực tế.

2.png

“Tự nhận thức vai trò, trách nhiệm của một cán bộ nữ công, lại đứng ở vai trò lãnh đạo, bản thân tôi phải cố gắng rất nhiều, từ việc không ngừng nâng cao kiến thức, trình độ cho đến việc trau dồi kinh nghiệm hoạt động nữ công công đoàn và kỹ năng quản lý, để việc vận hành bộ máy cũng như hoạt động nữ công đạt được hiệu quả, là chỗ dựa vững chắc cho nữ đoàn viên, người lao động”, bà Phương nói.

Bên cạnh đó, theo bà, khối lượng công việc cũng tương đối nhiều, hoạt động liên tục trên địa bàn cả nước, không tránh khỏi việc phải làm ngoài giờ, đi công tác xa nhà, thời gian dành cho gia đình không phải nhiều nên bản thân bà cũng phải bố trí, sắp xếp thời gian của mình hợp lý để vừa hoàn thành nhiệm vụ tổ chức công đoàn giao phó, vừa ổn định cuộc sống gia đình.

01.png

Đối với công tác cán bộ nữ, Đảng ta đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết, xác định đúng vị trí, vai trò nòng cốt của đội ngũ cán bộ nữ nhằm phát huy sức mạnh của họ.

Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2017 của Bộ Chính trị về “Công tác cán bộ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã đề ra mục tiêu: Tỷ lệ nữ tham gia các khóa đào tạo tại trường lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước từ 30% trở lên. Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu quốc hội HĐND các cấp đạt từ 35% đến 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ.

Tại Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/05/2019 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng yêu cầu, phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ.

Ngày 31/12/2020 Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 2282/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021 – 2030”. Theo đó, đề ra mục tiêu đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75%, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.

Tỷ lệ cán bộ nữ trong diện quy hoạch các chức danh quản lý, lãnh đạo các cấp đạt ít nhất 40% vào năm 2025 và đạt 50% vào năm 2030. Tỷ lệ cán bộ nữ trong diện quy hoạch các chức danh quản lý, lãnh đạo các cấp được đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực đạt 75% vào năm 2025 và đạt 90% vào năm 2030. Ở những địa bàn có đồng bào dân tộc thiểu số, phải có cán bộ lãnh đạo là người dân tộc thiểu số phù hợp với cơ cấu dân cư.

Bà Trần Thu Phương, Phó trưởng Ban Nữ công - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác phụ nữ và cụ thể hóa các chương trình, chiến lược của Chính phủ liên quan đến lao động nữ, bình đẳng giới, dân số, gia đình, trẻ em, trong những năm qua, các cấp công đoàn đã rất tích cực, chủ động trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ. Từ khâu chỉ đạo Tổng Liên đoàn cũng đã ban hành các văn bản như: hàng năm, ban hành hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác nữ công, hướng dẫn công tác dân số, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới.

ewfegwew.jpg
Vai trò phụ nữ trong xã hội hiện đại ngày càng được khẳng định.

Đặc biệt là Tổng liên đoàn ban hành kế hoạch 120/KH-TLĐ ngày 5/7/2021 về thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 và chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 trong công nhân viên chức lao động. Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn cũng chỉ đạo yêu cầu các cấp công đoàn cơ cấu tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành công đoàn đạt 30% trở lên, cơ quan lãnh đạo các cấp công đoàn phải có tỷ lệ nữ phù hợp mục tiêu bình đẳng giới. Kết quả là trong nhiệm kỳ 2023-2028, tỷ lệ lãnh đạo nữ trong các cấp công đoàn đạt được con số khá cao, cụ thể: Tỷ lệ nữ tham gia Ban chấp hành cấp Tổng Liên đoàn là 29,76%; cấp tỉnh, ngành là 36,44%; cấp trên cơ sở là 40,32% và cấp cơ sở là 55,1%.

Tỷ lệ nữ tham gia Đoàn Chủ tịch là 7/28 đồng chí chiếm 25%. Tỷ lệ nữ là lãnh đạo chủ chốt ở LĐLĐ tỉnh/thành, công đoàn ngành trung ương và tương đương chiếm hơn 38%. “Những kết quả này thể hiện sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo công đoàn các cấp trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, đồng thời cũng thể hiện sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của chị em và sự ủng hộ của người lao động đối với cán bộ nữ công đoàn. Hiện nay, chương trình phối hợp giữa Tổng Liên đoàn với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã được các cấp công đoàn tích cực cụ thể hóa, nhiều nội dung quan trọng được lồng ghép với hoạt động nữ công công đoàn đạt hiệu quả cao.”, bà Phương nhấn mạnh.

Đánh giá về những vấn đề chung nhất của công tác cán bộ nữ hiện nay, TS. Trần Thị Thu Hiền, Phó trưởng Khoa Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam cho rằng, giữa công tác tổ chức cán bộ nữ và nam là có khác biệt về trình độ. Nếu xét mặt bằng được đào tạo trình độ Đại học thì tỷ lệ cán bộ nữ có phần trội hơn cán bộ nam. Tuy nhiên, để đào tạo sau Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ thì tỷ lệ này lại thấp đi. "Điều này mang những tính chất đặc thù về giới. Những vị trí yêu cầu cán bộ nữ phải có học hàm, học vị thì đó là cả một nỗ lực. Vì cơ bản, sau khi đào tạo xong Đại học là phụ nữ đã đến độ tuổi lập gia đình, sinh con. Một phần nữa, nhiều người cũng bằng lòng với trình độ đó nên họ chọn cách không học lên cao nữa", vị này đánh giá.

Cùng với đó là câu chuyện quy hoạch cán bộ đang có những hạn chế. Tỷ lệ bổ nhiệm lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở các Bộ, ban, ngành đoàn thể là nữ có vị trí ở cấp phó nhiều hơn cấp trưởng. Thường tại các cơ quan này, cán bộ nữ cũng thường được quy hoạch vào chức vụ phó. Vì đây là bộ phận cán bộ mang nhiều tính chất tham mưu, đóng góp ý tưởng, còn việc ra quyết định sẽ bị hạn chế.

Nói về việc để công tác cán bộ xác định đúng vị trí, vai trò đội ngũ cán bộ nữ nhằm phát huy sức mạnh của họ, TS. Trần Thị Thu Hiền khẳng định sợi chỉ đỏ là những chính sách của Đảng, Nhà nước luôn có vai trò quan trọng và là nòng cốt: “Để công tác cán bộ nữ có thể phát triển hơn trong thời gian tới, chúng ta cần quan tâm vấn đề đầu tiên là chính sách. Đảng đã ban hành Nghị quyết số 11 về đẩy mạnh công tác phụ nữ trong thời kỳ Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước. Chỉ thị 21 nhằm đẩy mạnh công tác phụ nữ trong xã hội hiện đại. Hay những văn bản pháp lý của các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ là sợi chỉ đỏ, định hướng cho các cấp, chính quyền tử Trung ương đến địa phương bám theo và thực hiện. Công tác về cán bộ nữ sẽ dựa vào những chính sách để có sự rà soát, để tiếp tục phát huy những điểm mạnh và những điều hạn chế chưa hợp lý.

3.png

Bên cạnh đó phải thực hiện nghiêm túc những chính sách đó. Ví dụ như chính sách quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 với mong muốn tỷ lệ cán bộ nữ sẽ tương xứng với đội ngũ nữ trong hệ thống xã hội Việt Nam. Cụ thể là qua các con số như: tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội là trên 35%, hoặc là đảm bảo tỷ lệ cán bộ nữ chủ chốt đã được quy định trong các cơ quan Nhà nước, các cấp ủy Đảng phải thực hiện nghiêm.

ewgweggw.jpg
Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội, trong hệ thống chính trị Việt Nam, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam, có địa vị pháp lý được xác lập bằng các quy định trong Hiến pháp, luật pháp, Chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng.

Ngoài ra, cần phát huy hơn nữa vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với tư cách là tổ chức đại diện, bảo vệ lợi ích hợp pháp của phụ nữ về công tác bầu cử, giới thiệu cán bộ trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Thực hiện nghiêm túc trong việc tìm nguồn bồi dưỡng cán bộ nữ.

Cuối cùng chính các cán bộ nữ phải học tập, trao dồi kiến thức, tự bồi dưỡng cả về chuyên môn lẫn công tác chính trị. Chủ động gánh vác chung những vấn đề của xã hội. Vì những kinh nghiệm, góc nhìn của phụ nữ kết hợp với góc nhìn tổng quan của đàn ông sẽ tạo ra sự phát triển bền vững của xã hội, chia sẻ về cộng đồng trách nhiệm.

01-2-.png

Bà Trần Thị Kim Hà, Trưởng phòng Dự toán – Quản lý thu ngân sách, Cục Thuế xuất nhập khẩu - Tổng cục Hải quan cảm thấy rằng, cán bộ nữ ngày cảng đóng vai trò không thể phủ nhận trong mọi lĩnh vực của xã hội. Sự đóng góp của họ không chỉ giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội mà còn là nguồn động viên, động lực cho sự tiến bộ. Sự hiện diện và đóng góp của cán bộ nữ là yếu tố quan trọng để xây dựng một xã hội công bằng, phát triển và tiến bộ.

aaaaaaaaaaaaaa.png

Đúc rút từ kinh nghiệm bản thân cá nhân, để thành công bà Hà thấy rằng cần kết hợp hài hòa những nhân tố từ chính bản thân người phụ nữ và các nhân tố tác động từ bên ngoài sẽ góp phần làm cho vị thế của nữ trí thức trong gia đình và tại cơ quan có những thay đổi ở mức độ cao nhất, tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người, trở thành người phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

“Cán bộ nữ không chỉ đại diện cho một phần quan trọng của dân số mà còn mang lại góc nhìn và cách tiếp cận đa chiều trong quản lý và ra quyết định. Sự đa dạng giới tính trong cán bộ quản lý giúp đảm bảo rằng các quyết định được đưa ra được xem xét từ nhiều góc độ và mang tính bao quát, từ đó tạo ra sự công bằng và bền vững trong phát triển xã hội. Đồng thời, cán bộ nữ cũng là mẫu hình cho các thế hệ trẻ, khuyến khích phái nữ tham gia vào các lĩnh vực quản lý và lãnh đạo, từ đó thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ của toàn bộ cộng đồng”, bà Hà tin tưởng.

Bà Trần Thu Phương, Phó trưởng Ban Nữ công - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mong muốn, trong thời gian tới, lãnh đạo Tổng Liên đoàn và lãnh đạo công đoàn các cấp sẽ dành sự quan tâm, tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho chị em làm công tác nữ công thông qua việc ủng hộ và bố trí kinh phí cho các hoạt động chăm lo, bảo vệ cho lao động nữ do lãnh đạo ban nữ công đề xuất, đồng thời cũng quan tâm đến công tác cán bộ nữ, vì sự tiến bộ nữ để chị em ngày càng có cơ hội hoàn thiện bản thân và thăng tiến thông qua việc tạo điều kiện cho chị em tham gia các lớp học bồi dưỡng, nâng cao trình độ, đưa chị em vào quy hoạch các chức danh lãnh đạo của hệ thống công đoàn với tỷ lệ cao hơn quy định chung của nhà nước.

z5219733989943_cd37dc0492d33147246ada2199c24979-copy.jpg
Bà Trần Thu Phương, Phó trưởng Ban Nữ công - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

“Khi chị em đã đáp ứng đủ yêu cầu của chức danh lãnh đạo sẽ xúc tiến quy trình bổ nhiệm để chị em có cơ hội cống hiến và khẳng định bản thân. Đối với đoàn viên, lao động nữ chúng tôi cũng mong nhận được sự tích cực tham gia và ủng hộ vào các hoạt động do công đoàn phát động, để những hoạt động này được lan tỏa rộng khắp, để ngày càng nhiều chị em được hưởng lợi từ công tác chăm lo của tổ chức công đoàn.”, bà Phương mong muốn.

Việt Nam nằm trong nhóm 1 các nước có tỉ lệ nữ tham gia chính trị cao đứng đầu thế giới:

Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến tháng 12/2022, có 15/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ, đạt 50%, tăng 3,4% so với năm 2021. Trong đó các bộ, cơ quan ngang bộ có nữ lãnh đạo chủ chốt là 13/22, tăng 6% so với năm 2021. 2/8 cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ, đạt 25%. Theo thống kê, có ba nữ bộ trưởng, trưởng ngành gồm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Một thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ là Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang. Ngoài ra có 12 nữ thứ trưởng và tương đương. Tỉ lệ UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ theo báo cáo cấp tỉnh là 37,7%, cấp huyện là 31,77%, còn cấp xã 24,94%.

Còn theo số liệu của Bộ Nội vụ, đến đầu tháng 3/2023, cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII có 19 người (chiếm 9,5%). Trong đó có một ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư, trưởng Ban Tổ chức Trung ương là bà Trương Thị Mai. Hai người trong Ban Bí thư là bà Trương Thị Mai và bà Bùi Thị Minh Hoài. Phó chủ tịch nước là bà Võ Thị Ánh Xuân. Ba ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là bà Nguyễn Thị Thanh (trưởng Ban Công tác đại biểu), bà Lê Thị Nga (chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp), bà Nguyễn Thúy Anh (chủ nhiệm Ủy ban Xã hội) và 34 nữ phó chủ nhiệm và ủy viên thường trực ủy ban, cơ quan của Quốc hội.

Ban chấp hành đảng bộ cấp tỉnh (nhiệm kỳ 2020 - 2025) có 16% nữ, trong đó có bảy bí thư, 15 phó bí thư tỉnh, thành ủy. Ban chấp hành đảng bộ cấp huyện có 17% là nữ. Có 151 đại biểu nữ tham gia Quốc hội khóa XV, đạt 30,2%. Tỉ lệ nữ tham gia HĐND cấp tỉnh, cấp huyện đạt 29% (tăng so với nhiệm kỳ trước).

Nội dung & thực hiện: Tuấn Dũng, Tuyết Nhung.

Đồ họa: Tuấn Dũng.

Tuấn Dũng + Tuyết Nhung