Bác khiếu nại của chủ dự án điện năng lượng 2.681 tỷ đồng
Dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời tại xã Kiên Thọ (Ngọc Lặc, Thanh Hóa) có số vốn lên tới 2.681 tỷ đồng. Tuy nhiên khi được chấp thuận đầu tư, gần 7 năm vẫn án binh bất động. Cơ quan chức năng không xem xét gia hạn hoàn thành hồ sơ, thủ tục thì chủ dự án đổ lỗi cho chính quyền địa phương không giải phóng mặt bằng.
Được biết, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đã ký văn bản về việc không xem xét đề nghị của Công ty Cổ phần đầu tư thương mại và Du lịch Hoàng Sơn (Cty Hoàng Sơn) về việc gia hạn thời gian hoàn thành hồ sơ, thủ tục thực hiện dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời tại xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc.
Dự án án này do Cty Hoàng Sơn làm chủ đầu tư có tổng vốn đầu tư khoảng 2.681 tỷ đồng, được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư từ ngày 25/1/2017.
Theo đúng tiến độ, cam kết của nhà đầu tư thì dự án được khởi công từ quý I/2017 và đưa vào sử dụng từ quý IV/2019. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã không triển khai như kế hoạch, khiến khu đất bỏ hoang trong nhiều năm.
Tổng diện tích đất dự kiến sử dụng của dự án này khoảng 150ha. Công suất thiết kế của nhà máy điện năng lượng mặt trời này là 90MW. Dự án gồm nhà điều hành 3 tầng (khoảng 500m2), nhà xưởng kết hợp kho (20.000m2), móng đặt tấm pin năng lượng mặt trời (1.080.000m2) và một số công trình hạ tầng kỹ thuật, phụ trợ khác.
Trước đốc thúc của cơ quan quản lý, tháng 2/2021, Cty Hoàng Sơn đã có văn bản cam kết về tiến độ thực hiện dự án. Theo đó, công ty này cam kết chuyển tiền để giải phóng mặt bằng vào quý II/2021; khởi công xây dựng trong quý III/2021 và hoàn thành xây dựng nhà máy để đóng điện trong quý IV/2022.
Đến tháng 4/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đồng ý gia hạn thời gian đến hết ngày 30/9/2021 để Cty Hoàng Sơn hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thực hiện dự án nhà máy điện năng lượng mặt trời. Thế nhưng dự án tỷ đô này vẫn nằm trên giấy gây bức xúc trong nhân dân thuộc phạm vi ảnh hưởng.
Sau khi xem xét, UBND tỉnh Thanh Hóa thống nhất với đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc không xem xét đề nghị của Công ty Hoàng Sơn về việc gia hạn thời gian hoàn thành hồ sơ, thủ tục thực hiện dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời tại xã Kiên Thọ.
Tới ngày 22/12/2023, Cty Hoàng Sơn có văn bản khiếu nại việc UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Công văn không xem xét đề nghị của công ty về việc gia hạn thời gian hoàn thành hồ sơ, thủ tục thực hiện dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời tại xã Kiên Thọ.
Nhà đầu tư viện dẫn dự án chậm tiến độ do lỗi của UBND huyện Ngọc Lặc trong việc thực hiện công tác kiểm kê, bồi thường, giải phóng mặt bằng. Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa hiểu sai cam kết của công ty; Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa chấm dứt hiệu lực văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án của công ty là không đúng quy định.
Sau khi nhận được khiếu nại của Cty Hoàng Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã vào cuộc xác minh, rà soát các quy định của pháp luật, cam kết đôi bên, thực tế việc triển khai dự án trên thực địa cũng như vướng mắc có liên quan.
Ngày 6/3/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm ký quyết định xác định các nội dung khiếu nại theo đơn khiếu nại của Cty Hoàng Sơn là không có cơ sở.
Theo đó, quyết định giữ nguyên và tiếp tục thực hiện việc không xem xét đề nghị của Cty Hoàng Sơn về việc gia hạn thời gian hoàn thành hồ sơ, thủ tục thực hiện dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời tại xã Kiên Thọ.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định nếu Cty Hoàng Sơn không đồng ý với giải quyết khiếu nại thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
Được biết, thời gian qua, Thanh Hóa đã cải thiện môi trường đầu tư, cắt giảm thủ tục hành chính để chào đón các doanh nghiệp, công ty, nhà đầu tư có năng lực vào triển khai dự án. Cả hệ thống chính trị vào cuộc tháo gỡ khó khăn vướng mắc, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, người dân khi bị thu hồi đất, tài sản trên đất đa số đồng thuận ủng hộ dự án.
Đồng thời cũng kiên quyết chấm dứt đối với các đơn vị chậm triển khai, “quăng chài” chiếm đất rồi chuyển nhượng cho doanh nghiệp khác gây lãng phí đất đai, bức xúc trong nhân dân bị ảnh hưởng bởi dự án và làm chậm quá trình phát triển chung của địa phương.