Đời sống

Bắc Giang tập trung cho việc số hóa dữ liệu

Lê Đại 06/03/2024 - 22:13

Qua 2 năm triển khai, thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06/CP) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Với sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương, tỉnh Bắc Giang đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Vào ngày 26/1, UBND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức hội nghị trực tuyến 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) sơ kết 2 năm triển khai, thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06/CP) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06/CP (gọi tắt là Tổ công tác) tỉnh Bắc Giang chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang.

screen-shot-2024-03-06-at-9.56.52-pm.png
Toàn cảnh hội nghị

Trong 02 năm qua, cới sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Giang và các sở, ngành, địa phương trong toàn tỉnh. Việc thực hiện Đề án 06/CP trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tổ công tác đã bám sát mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể theo giai đoạn 2022 – 2023 cùng các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh Bắc Giang. Tổ công tác đã xác định 32 nhiệm vụ được giao chủ trì hoặc phối hợp triển khai, thực hiện. Trong đó, đã hoàn thành 24 nhiệm vụ, đồng thời thực hiện thường xuyên 8 nhiệm vụ.

Điển hình như sớm hoàn thành thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân cho 100% công dân đủ điều kiện (vượt chỉ tiêu trước 40 ngày). Cấp tài khoản định danh điện tử cho 100% công dân đủ điều kiện.

Đẩy mạnh thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, có Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công xếp thứ 3 toàn quốc (bao gồm các chỉ tiêu về công khai minh bạch; mức độ hài lòng, tiến độ giải quyết, dịch vụ công trực tuyến, số hóa hồ sơ). Đáng chú ý là nhiều thủ tục hành chính được khai thác trong cơ sở dữ liệu dân cư, căn cước công dân, ứng dụng VNeID. Đã thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu với 15 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành Trung ương.

Các địa phương, đơn vị vận hành ổn định hạ tầng số như: Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, hệ thống Hội nghị truyền hình, camera an ninh, camera giao thông; Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC); Kho dữ liệu số; Cổng dữ liệu mở Open Data tỉnh Bắc Giang tiếp tục được nâng cấp để cập nhật 94 danh mục dữ liệu mở tỉnh Bắc Giang...

Tại hội nghị, các tham luận đã đưa ra nhiều giải pháp, cách làm nhằm triển khai có hiệu quả Đề án 06/CP. Đồng thời, nêu bật một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện, đề xuất các giải pháp tháo gỡ.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06/CP tỉnh Bắc Giang đánh giá cao sự vào cuộc tích cực, hiệu quả, trách nhiệm của các ngành, địa phương, đơn vị trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, điển hình là lực lượng công an.

Với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là “Lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực chủ yếu” để thực hiện Đề án 06/CP. Năm 2024, UBND tỉnh Bắc Giang xác định thực hiện 43 nhiệm vụ của Đề án 06/CP. Trong đó, có 4 nhiệm vụ trọng tâm; 12 nhiệm vụ có lộ trình; 27 nhiệm vụ thường xuyên. Cùng với đó, chỉ đạo tập trung triển khai một số nhiệm vụ đột phá như: Đẩy mạnh thực hiện 53 dịch vụ công thiết yếu (Giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến; lực lượng công an phấn đấu 100% các hồ sơ phát sinh đủ điều kiện được thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến; tỷ lệ nộp hồ sơ 2 nhóm dịch vụ công liên thông đạt từ 80% trở lên; thực hiện chi trả an sinh xã hội cho các nhóm đối tượng hưởng chính sách qua tài khoản…).

Để việc thực hiện đạt hiệu quả cao, đồng chí Mai Sơn đề nghị các ngành, đơn vị, địa phương tập trung cao cho việc số hóa dữ liệu. Tiếp tục nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện Đề án 06/CP. Huy động sự vào cuộc tích cực của mặt trận tổ quốc và các đoàn thể để vận động đoàn viên, hội viên tham gia.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần xác định đúng tầm quan trọng, tính cấp bách của Đề án 06/CP. Từ đó, xác lập cơ chế chỉ huy, chỉ đạo tại 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). Xây dựng kế hoạch thực hiện phải cụ thể, chi tiết với các mốc thời gian tính theo ngày. Bố trí, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ công nghệ thông tin đảm bảo yêu cầu trong vận hành, khai thác, chia sẻ, bổ sung các nguồn dữ liệu. Tiếp nhận và xử lý hồ sơ thủ tục hành chính qua các dịch vụ công trực tuyến. Đối với các đơn vị, địa phương thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính, phân loại đơn vị hành chính cần tập trung điều chỉnh dữ liệu dân cư, thay đổi căn cước.

Quan tâm triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu. Các địa phương cần điều tra cơ bản đặc thù vùng miền để áp dụng triển khai Đề án 06/CP cho phù hợp, hiệu quả, tạo tính lan tỏa cao. Làm tốt công tác nghiên cứu đánh giá mô hình hay, cách làm sáng tạo để nhân rộng. Xây dựng những clip ngắn gọn hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VNeID.

Lê Đại