Trao nhầm con không còn là chuyện hi hữu
Đời sống - Ngày đăng : 08:34, 14/03/2016
Nhà hộ sinh đến bệnh viện đều nhầm
Câu chuyện được bắt đầu từ trường hợp gia đình bà Nguyễn Thị Mai Hạnh và Tạ Thị Thu Trang (ở 75 Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội). Sau 42 năm nuôi nấng, chăm sóc, bà Hạnh tiết lộ thân thế thật sự của cô con gái mà mình hết mực yêu thương, chỉ với mong muốn được nhìn đứa con mình dứt ruột đẻ ra một lần và cô con gái “nuôi” cũng tìm lại được gốc gác của mình.
Tưởng rằng câu chuyện đó chỉ là hi hữu, nhưng thật đáng tiếc, ngay sau sự việc của chị Trang, khi cơ quan chức năng vẫn còn đang ở trong “mớ bòng bong” để đi tìm người thân cho mẹ con chị, thì hàng loạt những vụ việc khác lại được tiết lộ.
Đó là trường hợp của bà Phan Thị Tuyết Hoa (53 tuổi, ở phố Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội) và cô con gái tên Lê Thanh Hiền (29 tuổi). Bà Hoa sinh con gái vào ngày 12/12/1987, tại Nhà hộ sinh Đống Đa, cùng thời gian đó chị Hiền cũng chào đời. Và chị Hiền đã bị trao nhầm cho bà Hoa nuôi dưỡng.
Sau vụ tai nạn giao thông của bố vào năm 2013, chị Hiền thấy mình có nhóm máu không giống bố mẹ và người thân trong gia đình, chị đã bí mật đi xét nghiệm ADN. Kết quả là một cú sốc cực lớn đối với chị.
1 tuần sau khi có kết quả chị mới dám nói với mẹ. Kể từ đó đến nay, đã 3 năm ròng, chị cùng chồng bước vào hành trình tìm cha mẹ đẻ của mình và tìm con gái cho mẹ Hoa.
Hai mẹ con chị Lê Thanh Hiền. Ảnh: NVCC
Một câu chuyện xảy ra từ hơn 50 năm về trước, tại Nhà hộ sinh Lò Đúc, Hà Nội. Bà Nguyễn Thị L, đến nhà hộ sinh này để sinh con và bà đã bị trao nhầm một cậu con trai của gia đình nhà khác. Ngay từ lúc được trao con, bà L đã phát hiện ra nhầm lẫn, nhưng người y tá nhất định không nhận sự nhầm lẫn đó và bà đành phải chấp nhận vì không thể "cãi lý" được.
Bà không đầu hàng, bà dò hỏi địa chỉ của gia đình đang nuôi con mình, bà âm thầm theo dõi bước đi của con từ đó. Cho đến ngày bà thông báo với gia đình bên kia về sự nhầm lẫn, và họ đồng ý đổi lại con, song bà L lại không đồng ý, bởi bà cho rằng đó là số phận của hai gia đình và hai đứa trẻ. Và quan trọng nhất, khi gia đình kia muốn đổi lại con là lúc đứa bé bà đang nuôi thể trạng yếu, nên bà không muốn "mạo hiểm" tính mạng của đứa trẻ.
Hai gia đình cứ thế nuôi hai đứa trẻ khôn lớn, họ trở thành thân thiết như ruột thịt. Hai cậu bé ngày nào giờ đã trưởng thành, đã có gia đình riêng và họ có trách nhiệm với bố mẹ của hai gia đình như nhau.
Đó là những câu chuyện của hàng chục năm trước, khi mà công nghệ còn chưa hiện đại, việc đánh dấu con hoàn toàn chỉ là bằng mực viết tên mẹ và tên con lên chân. Hoặc có một cách đánh dấu dễ nhầm lẫn khác là ghi nhớ giờ sinh bé vào buổi sáng, trưa, chiều, tối và trao lại cho gia đình cũng theo thứ tự như vậy.
Vào đầu năm 2012, tại Bệnh viện (BV) Phụ sản Hà Nội cũng từng xảy ra vụ trao nhầm trẻ sơ sinh. Sản phụ là chị Trần Thị Thủy - 34 tuổi; ở Từ Liêm, TP Hà Nội - sinh con trai nặng 3,4 kg và được gắn số 550. Tuy nhiên, sau khi bé tắm xong thì đã bị trao nhầm cho một sản phụ mang số 585 ở quận Cầu Giấy, cũng sinh con trai nhưng nặng 4,3 kg.
Trước đó, cuối năm 2011, tại BV Đa khoa Quảng Ngãi, sản phụ Trần Thị Hồng Cẩm (22 tuổi, ở huyện Tư Nghĩa) sinh con gái. Tuy nhiên, sau đó, chị lại được y tá trao... một bé trai. Đến khi BV làm thủ tục cho sản phụ này xuất viện, gia đình phát hiện giấy ra viện ghi con chị Cẩm là bé gái nhưng đứa trẻ chị đang cho bú là bé trai.
Lúc này, các bác sĩ mới rà soát và phát hiện đã trao nhầm con của chị Cẩm cho chị Đinh Thị Hoái (20 tuổi, cũng ở Quảng Ngãi). Tuy nhiên, chị Hoái nhất định không chịu đổi con. Cuối cùng, BV phải làm xét nghiệm ADN để “phân xử” và trao con gái cho chị Cẩm, con trai cho chị Hoái.
Giải pháp nào cho những sự cố nhầm lẫn
Nói về các vụ trao nhầm con được tiết lộ mới đây, PGS-TS Vũ Bá Quyết, Giám đốc BV Phụ sản Trung ương, cho rằng đó là việc rất hy hữu bởi khi đó, mỗi ngày chỉ có 5-10 ca sinh.
"Chúng ta không biện minh cho sự nhầm lẫn, nhưng ở thời điểm đó, dù các nữ hộ sinh đỡ đẻ rất giỏi nhưng công nghệ thô sơ, điện đóm không có, người ta đánh dấu số trẻ bằng mực, bằng nitorat bạc và vì bất cẩn nào đó đã xảy ra tình trạng nhầm lẫn này", bác sĩ Quyết nói.
Theo ông Quyết, mỗi ngày tại BV Phụ sản Trung ương có tới hàng trăm ca sinh và quy trình từ lúc đón bé chào đời đến khi trao lại cho gia đình khá chặt chẽ. Mỗi bà mẹ sau khi sinh con sẽ được ôm con nhận mặt, sau đó bệnh viện sẽ đeo hai chiếc vòng có mã số giống hệt nhau cho mẹ và bé vào cổ tay hoặc cổ chân, do đó việc trao nhầm con ở BV Phụ sản Trung ương là không thể xảy ra.
“Trước đây, khi chưa có thiết bị, bệnh viện dùng số không thể xóa nhòa, không bị mờ khi dính nước và buộc hoặc đeo vào cổ trẻ bằng dây. Nhưng 4 năm nay, viện dùng dây plastic mềm, dây có số hồng là con gái, số xanh là con trai, khi đã bấm vào tay thì không thể dứt đứt, không thể tháo ra được mà chỉ có thể dùng kéo để cắt”, TS Quyết cho biết.
Hai chiếc vòng có mã số giống hệt nhau sẽ được đeo vào tay mẹ và bé
Còn tại BV Bạch Mai, quy trình bàn giao trẻ sơ sinh rất chặt chẽ. Nhân viên được yêu cầu kiểm tra, so sánh mã số của bé trước khi ra khỏi giường sản phụ, sau khi tắm và trước khi trả cho mẹ.
Hai năm nay, Khoa Sản BV Bạch Mai dùng các vòng nhận diện đeo vào cổ tay mẹ và con nên độ an toàn khá cao. Trên vòng ghi tên bé, mẹ và mã hồ sơ của mẹ. Chiếc vòng này được thiết kế bằng nút khá chặt, khi đã đeo vào thì rất khó rơi.
Trao đổi với báo chí, TS-BS Dương Đức Hùng, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Bạch Mai, cho biết, một trong những phương thức hiện đại được một số cơ sở y tế triển khai để tăng sự an toàn cho bệnh nhân là đeo vòng nhận diện. Tại BV Bạch Mai, việc đeo vòng nhận diện đã được thí điểm ở các khoa Sản, Nhi, Hồi sức, Cấp cứu, Phẫu thuật tim mạch - những nơi có bệnh nhân nặng, bệnh nhân cấp cứu nên việc chăm sóc thường do nhân viên y tế thực hiện. Phương thức này nhằm làm giảm thiểu đến mức thấp nhất những sai sót trong quá trình điều trị, trong đó có cả việc mổ nhầm, tiêm nhầm.
Bác sĩ Hùng giải thích: “Chẳng hạn, bác sĩ thông báo đưa bệnh nhân giường số 3 đi mổ nhưng hôm ấy có sự cố gì đó nên người này đã đổi giường. Nếu bệnh nhân tỉnh táo thì không sao nhưng nếu lúc đó họ đã mê, chỉ căn cứ bệnh nhân với số giường thì biết đâu sẽ có chuyện mổ nhầm? Do đó, phải có định dạng mã số cho bệnh nhân. Mỗi năm, BV dành khoảng 30 triệu đồng để mua những mã số định dạng này cho bệnh nhân. Chi phí này bệnh nhân không phải trả”.
Câu chuyện trao nhầm con đã không còn là câu chuyện của một người, một gia đình hay là sự cố hi hữu, bởi từ sự cố này đã kéo theo biết bao nhiêu hệ lụy, nhiều gia đình và nhiều người bị ảnh hưởng. Có nhận lại được người thân, ruột thịt của mình hay không lại là một quá trình vô cùng gian nan, bởi chẳng ai muốn gia đình đang bình yên của mình lại xáo trộn bởi những câu chuyện trớ trêu như thế.