Pháp đình

Chồng và cháu gái giúp sức cho Trương Mỹ Lan như thế nào?

Phong Vân 06/03/2024 - 12:50

Sáng 6/3, ngày thứ hai TAND TP.HCM xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm trong vụ án Vạn Thịnh Phát, đại diện VKSND TP.HCM tiếp tục với phần công bố bản cáo trạng truy tố cáo bị cáo.

Cháu ruột sử dụng 52 công ty “ma” giúp sức Trương Mỹ Lan

Theo cáo trạng, Trương Huệ Vân là cháu ruột của Trương Mỹ Lan nên được Lan tin tưởng giao quản lý, điều hành nhiều công ty khác nhau có hoạt động kinh doanh thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát như: Công ty Cổ phần Đầu tư Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty Cổ phần Tập đoàn Quản lý bất động sản Windsor, Công ty Tanifood, Công ty Cổ phần Sài Gòn Galleria và Công ty Cổ phần Eurasia Concept.

Nguyễn Phi Long và Đặng Quang Nguyên làm việc tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát từ năm 2019, được giao nhiều vị trí, nhiệm vụ khác nhau trong các Công ty Diamond Capital, Công ty Alpha King, trong đó Đặng Quang Nguyên làm việc dưới sự quản lý, chỉ đạo của Trương Huệ Vân.

Năm 2021, Trương Mỹ Lan mua lại Công ty CP Lavifood từ ông Lê Thành để hoạt động trong lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp và giao cho Trương Huệ Vân quản lý, điều hành thông qua Nguyễn Phi Long, Tổng Giám đốc (được cho đứng tên sở hữu 31% cổ phần) và Đặng Quang Nguyên, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Lavifood.

bi-cao-truong-hue-van(1).jpg
Bị cáo Trương Huệ Vân

Quá trình hoạt động, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Vân sử dụng pháp nhân Công ty CP Lavifood vay vốn tại Ngân hàng SCB để phục vụ mục đích kinh doanh và trả nợ vay tại các ngân hàng khác.

Từ năm 2020, Lan còn chỉ đạo Vân cho thành lập các công ty “ma”, thông đồng với Trần Thị Mỹ Dung lập phương án kinh doanh khống là mua bán nông sản với Công ty CP Lavifood để tạo lập hồ sơ vay vốn khống, rút tiền từ SCB để sử dụng cho các mục đích của Lan và Vân.

Do đó, Trương Huệ Vân đã chỉ đạo Nguyễn Phi Long và Đặng Quang Nguyên thành lập, sử dụng 52 Công ty "ma"; phối hợp với Trần Thị Mỹ Dung, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB và nhân viên SCB để lập hồ sơ vay vốn trái quy định.

Như vậy, Trương Huệ Vân đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới thành lập, sử dụng 52 Công ty “ma” và 04 Công ty có hoạt động thật, tạo lập 155 khoản vay khống để Lan và Vân rút tiền từ Ngân hàng SCB.

Tính đến ngày 17/10/2022, 155 khoản vay này còn dư nợ 2.834.305.475.880 đồng (gồm: Dư nợ gốc 2.809.042.375.904 đồng và dư nợ lãi 25.263.099.976 đồng).

Tuy nhiên, các khoản vay này có tài sản đảm bảo nên xác định Trương Huệ Vân đồng phạm giúp sức cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền 1.088.240.589.955 đồng, gây thiệt hại số nợ lãi phát sinh 25.263.099.976 đồng.

Bị cáo Trương Huệ Vân bị truy tố về tội “Tham ô tài sản”, quy định tại khoản 4 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Chu Lập Cơ giúp vợ hợp thức hóa hồ sơ vay vốn "khống"

Chu Nap Kee Eric (Chu Lập Cơ), chồng bị cáo Trương Mỹ Lan, quốc tịch Hồng Kong (Trung Quốc) là cổ đông chính (có 99,26% cổ phần), Chủ tịch Hội đồng quản trị, giữ vai trò quyết định cao nhất tại Công ty Cổ phần Times Square Việt Nam.

Năm 2012, để lập hồ sơ vay vốn tại Ngân hàng SCB nhằm cơ cấu các khoản nợ xấu sau khi hợp nhất 03 ngân hàng thành Ngân hàng SCB (mới), Trương Mỹ Lan đã trao đổi, thống nhất với Chu Lập Cơ và lãnh đạo Ngân hàng SCB về việc sử dụng tài sản Dự án Times Square (Quyền sử dụng đất thuê và tài sản hình thành trong tương lai gắn liền với đất thuê là Cao ốc phức hợp Văn phòng – Khách sạn Căn hộ cao cấp – Trung tâm Thương Mại Times Square tọa lạc tại số 22-36 Nguyễn Huệ và 57-69F Đồng Khởi, phường Bến Nghé, Quận 1 và Quyền tài sản có liên quan) để đảm bảo cho các khoản vay.

chu-lap-co(1).jpg
Bị cáo Chu Lập Cơ

Thực hiện theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, Chu Lập Cơ đã ký Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông ngày 10/12/2012, Quyết định số 13/QĐ-ĐHĐCĐ-QTTĐ ngày 10/12/2012 của Đại hội đồng cổ đông, Biên bản họp Hội đồng quản trị ngày ngày 12/12/2012 của Công ty Times Square chấp nhận thế chấp tài sản của công ty bảo lãnh nợ vay cho các cá nhân, tổ chức do Trương Mỹ Lan chỉ định.

Sau khi có tài sản đảm bảo để vay vốn, Trương Mỹ Lan chỉ đạo các cá nhân tại ngân hàng ACB, tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty Times Square lập các hồ sơ vay vốn "khống”, nhờ người đứng tên các khoản vay và ký “khống" hồ sơ, thủ tục vay vốn.

Bằng phương thức này, từ tháng 12/2012 đến tháng 12/2014, Chu Lập Cơ đã giúp Trương Mỹ Lan hợp thức hóa hồ sơ vay vốn "khống" để giải ngân số tiền vay tại Ngân hàng SCB cho 73 khoản vay của 67 khách hàng, tổng số tiền giải ngân là 29.441.281.494.110 đồng, thời hạn vay vốn 05 năm. Toàn bộ số tiền vay vốn được sử dụng cho mục đích riêng của Trương Mỹ Lan.

Đến năm 2017, do phương án vay vốn là lập “khống”, khoản vay chỉ dùng trả nợ xấu, không có nguồn để thu hồi gốc, lãi nên các khoản nợ đến hạn nhưng không thể trả được, Trương Mỹ Lan thuyết phục Chu Lập Cơ ký Biên bản họp Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Times Square ngày 15/8/2017 tiếp tục sử dụng tài sản của Công ty Times Square để thế chấp đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ vay cho 54 khách hàng đang vay vốn tại Ngân hàng SCB nhằm gia hạn nợ, tổng dư nợ được đảm bảo là 35.541.552.499.470 đồng.

10(1).jpg
Trương Mỹ Lan và các bị cáo tại phiên tòa

Tính đến thời điểm ngày 17/10/2022, tổng nghĩa vụ các khoản nợ do Chu Lập Cơ ký hợp thức thủ tục còn 46 khoản vay với dư nợ gốc là: 19.552.605.859.752 đồng; nợ lãi: 19.665.194.604.396 đồng; tổng cộng dư nợ là: 39.217.800.464.148 đồng.

Sau khi đối trừ giá trị tài sản bảo đảm của các khoản vay mà Chu Lập Cơ đã ký các tài liệu để hợp thức thủ tục vay vốn nêu trên (theo kết quả định giá của Công ty Hoàng Quân tại thời điểm ngày 30/9/2022 được SCB chấp nhận có đủ pháp lý để trích lập dự phòng rủi ro được phân bổ cho các khoản vay còn dư nợ nêu trên) là 30.100.988.548.471 đồng, Chu Lập Cơ đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền 9.116.811.915.677 đồng.

Chu Lập Cơ bị truy tố tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” quy định tại khoản 3 Điều 179 Bộ Luật Hình sự năm 1999.

Phong Vân