Đời sống

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: Khi cả nước cùng ra trận

Thanh Phương 05/03/2024 - 21:58

Trong dịp về thăm Thanh Hóa lần thứ hai (ngày 13/6/1957), khi đánh giá về công lao của Nhân dân Thanh Hóa trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.

Chiều 5/3, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Tô Thị Bích Châu dẫn đầu đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thanh Hóa về việc tổ chức gặp mặt chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân dịp Kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

thanhhoa.jpg
Đoàn Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam làm việc với lãnh đọa tỉnh Thanh Hóa

Theo kế hoạch số 836 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cuộc gặp mặt chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tổ chức.

Đây là một trong các hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã có công lao đóng góp cho chiến dịch, làm nên chiến thắng lịch sử lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Cuộc gặp mặt được tổ chức tại tỉnh Điện Biên với quy mô toàn quốc, thời gian dự kiến cuối tháng 4, đầu tháng 5/2024.

chienthangdbp.jpg
Chiến thắng Điện Biên phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu (ảnh tư liệu)

Cùng với tổ chức cuộc gặp mặt các nhân chứng toàn quốc tại tỉnh Điện Biên, theo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ phối hợp với các địa phương liên quan tổ chức cuộc gặp mặt nhân chứng các tỉnh Bắc Trung bộ và đồng bằng Sông Hồng. Cuộc gặp mặt sẽ được tổ chức tại tỉnh Thanh Hóa, thời gian dự kiến vào ngày 10/4/2024.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên đều khẳng định: Việc MTTQ Trung ương chọn Thanh Hóa làm nơi tổ chức gặp mặt chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến ở các tỉnh Bắc Trung bộ và đồng bằng Sông Hồng từng trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ là sự ghi nhận đối với những đóng góp to lớn của tỉnh, với vai trò là hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

bthung.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng phát biểu tại buổi làm việc

Đây cũng là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa. Do vậy, tỉnh Thanh Hóa sẽ chủ động, tích cực phối hợp với Trung ương MTTQ Việt Nam và các tỉnh để tổ chức cuộc gặp mặt, đảm bảo trang trọng, ý nghĩa, thiết thực, chu đáo, an toàn, tiết kiệm.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh: Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ là sự kiện quan trọng của đất nước và cũng là 1 trong 2 sự kiện lớn nhất của tỉnh trong năm 2024. Do vậy, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn, đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động nhân dịp Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

xethoht.jpg
Những chiếc xe thồ huyện thoại trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Theo đó, tỉnh đã dự kiến sẽ tổ chức gặp mặt, giao lưu, tôn vinh các nhân chứng lịch sử là người Thanh Hóa đã trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, việc Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã lựa chọn Thanh Hóa làm địa điểm tổ chức gặp mặt nhân chứng các tỉnh Bắc Trung bộ và đồng bằng Sông Hồng, nên tỉnh sẽ không tổ chức cuộc gặp mặt riêng của tỉnh nữa, mà trong thời gian gần đến lễ kỷ niệm, tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách có đóng góp trực tiếp cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Tô Thị Bích Châu đánh giá cao tinh thần chủ động, tích cực phối hợp của tỉnh Thanh Hóa để tổ chức sự kiện Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Đồng thời trân trọng cảm ơn và tiếp thu ý kiến đóng góp của các đồng chí lãnh đạo tỉnh về nội dung, chương trình cuộc gặp mặt.

chichau.jpg
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Tô Thị Bích Châu phát biểu tại buổi làm việc

Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch quy mô lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta. Ngay khi biết Thực dân Pháp xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng đã chấp nhận giao chiến với chúng, chọn Điện Biên Phủ là điểm quyết chiến chiến lược trong Đông Xuân 1953 - 1954, để kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang ngày càng có lợi cho ta.

Kế hoạch chuẩn bị cho cuộc chiến sắp tới được chuẩn bị kỹ lưỡng về lực lượng, hậu cần, kế hoạch quân sự… và huy động cả nước cùng chung tay thực hiện. Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho đồng chí Võ Nguyên Giáp tháng 12/1953 có viết: “Chiến dịch này là chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”.

ratran.jpg
Thanh Hóa là hậu phương lớn cho tiền tuyến (ảnh tư liệu)

Bốn đại đoàn bộ binh (304, 308, 312, 316) và Đại đoàn pháo binh 351 được lệnh hành quân ra mặt trận. Bên cạnh đó, lần đầu tiên trong lịch sử cả dân tộc đã ra mặt trận cùng bộ đội đánh giặc với đủ lực lượng từ thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến; già, trẻ, gái, trai từ nhiều địa phương.

Mặc dù Thanh Hóa là địa bàn xa trận địa, đường sá đi lại vô cùng khó khăn, nhưng đây là một trong những hậu phương chủ chốt cung cấp lương thực, thực phẩm cho chiến dịch. Với Nhân dân Thanh Hóa, trong điều kiện đường lên Tây Bắc phải trèo đèo, lội suối, có những đoạn đường còn phải vừa đi, vừa mở mới thì vận chuyển hậu cần là một vấn đề nan giải, nhưng đã được khắc phục bằng mọi giá để cung cấp sức người, sức của đúng như yêu cầu, quyết tâm cùng với cả nước nỗ lực không ngừng phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ...

Những đóng góp này là sự cố gắng vượt bậc của Nhân dân tỉnh Thanh hóa trong điều kiện đời sống của mọi người còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, có vùng không đủ ăn, không đủ mặc, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ quyết tâm thực hiện kháng chiến đến cùng, người dân sẵn sàng "đói hơn", vất vả hơn để nhường lương thực cho bộ đội đã cho thấy tinh thần "cả nước cùng ra trận". Khí thế ấy đã tạo nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Thanh Phương