Chuyển động

Pháp trở thành nước đầu tiên đưa quyền phá thai vào hiến pháp

Hồng Anh 05/03/2024 - 16:05

Ngày 4/3, các nhà lập pháp Pháp đã bỏ phiếu đưa quyền phá thai vào hiến pháp nước này, một sự kiện đầu tiên trên toàn cầu đã thu hút được sự ủng hộ áp đảo của công chúng.

Một đại hội của cả hai viện quốc hội ở cung điện Versailles (ngoại ô Paris) bắt đầu lúc 3:30 chiều (14:30 GMT) ngày 4/3 đã biểu quyết về việc đưa quyền phá thai vào Hiến pháp.

Kết quả bỏ phiếu cho thấy 780 nhà lập pháp ủng hộ và 72 người phản đối - vượt qua yêu cầu tối thiểu 60% phiếu thuận để dự luật được chấp nhận.

phap-pha-thai.png
Pháp trở thành nước đầu tiên đưa quyền phá thai vào hiến pháp sau cuộc bỏ phiếu của hai viện quốc hội tại cung điện Versailles (ngoại ô Paris). (Ảnh: AFP)

Sau khi Quốc hội thông qua động thái này, Pháp trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới bảo vệ rõ ràng quyền chấm dứt thai kỳ trong luật cơ bản của mình.

Tổng thống Emmanuel Macron năm ngoái đã cam kết đưa việc phá thai - hợp pháp ở Pháp từ năm 1975 - vào Hiến pháp sau khi Tòa án Tối cao Hoa Kỳ vào năm 2022 đã đảo ngược một phán quyết liên quan đến quyền phá thai trên toàn liên bang, cho rằng quyền phá thai không phải là một quyền hiến định, do đó các bang có thể tùy ý định đoạt vấn đề cấm hay cho phép phá thai.

Các nghị sĩ đã hoan nghênh kết quả bằng những màn reo hò nhiệt liệt. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi đây là "niềm tự hào của người Pháp", gửi đi "thông điệp toàn cầu". Giới chức cũng lên kế hoạch tổ chức một sự kiện công cộng đặc biệt tại Paris vào Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 để ăn mừng việc này.

Hạ viện Pháp hồi tháng 1 đã chấp thuận áp đảo việc coi phá thai là một “quyền tự do được đảm bảo” trong Hiến pháp, tiếp theo là Thượng viện.

Khi chiến dịch vận động chính trị bắt đầu một cách nghiêm túc vào năm 1971, “chúng tôi không bao giờ có thể tưởng tượng rằng một ngày nào đó quyền phá thai sẽ được ghi vào hiến pháp”, Claudine Monteil, người đứng đầu Hiệp hội Femmes Monde (Phụ nữ trên thế giới), cho biết.

Monteil là người trẻ nhất ký vào "Tuyên ngôn 343", một kiến ​​nghị của Pháp năm 1971 có chữ ký của 343 phụ nữ thừa nhận đã phá thai bất hợp pháp.

Việc phá thai được hợp pháp hóa ở Pháp vào năm 1975 theo luật do Bộ trưởng Y tế Simone Veil - một biểu tượng về quyền phụ nữ, vinh dự hiếm hoi được chôn cất tại Pantheon sau khi bà qua đời vào năm 2018.

Leah Hoctor, thuộc Trung tâm Quyền sinh sản, cho biết, Pháp là nước đưa ra "điều khoản Hiến pháp rộng rãi rõ ràng đầu tiên thuộc loại này, không chỉ ở châu Âu mà còn trên toàn cầu".

Hầu hết người dân Pháp đều ủng hộ động thái trao thêm quyền tự quyết phá thai cho phụ nữ. Một cuộc khảo sát vào tháng 11/2022 của nhóm IFOP (một công ty nghiên cứu thị trường và thăm dò ý kiến ​​quốc tế) của Pháp cho thấy 86% người dân Pháp ủng hộ việc đưa quyền này vào hiến pháp.

Các chính trị gia cánh tả và trung dung đã hoan nghênh sự thay đổi này, trong khi các thượng nghị sĩ cánh hữu nói rằng họ cảm thấy “buộc phải” bật đèn xanh cho nó.

Hồng Anh