Dùng thuốc tăng cân không rõ nguồn gốc, cô gái suýt đột tử
Nữ sinh 18 tuổi suýt đột tử vì dùng thuốc tăng cân không rõ nguồn gốc. Bệnh nhân được xác định mắc phải hội chứng QT dài (rối loạn hoạt động điện của tim).
Ngày 5/3, Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM đã thông tin với báo chí về các trường hợp mắc phải hội chứng QT dài (rối loạn hoạt động điện của tim) trong thời gian gần đây.
Ths.BS Trần Quốc Cường - Phó Khoa nhịp tim, Bệnh viện Thống Nhất cho biết, trong thời gian ngắn, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp loạn nhịp.
Trong đó, ca bệnh trẻ nhất là bệnh nhân nữ (18 tuổi). Bệnh nhân nhập viện ngày 23/1 trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở.
Khai thác bệnh sử được biết, trong lúc tập văn nghệ tại trường, bệnh nhân bỗng nhiên cảm thấy mệt, chóng mặt, hoa mắt.
Sau đó, bệnh nhân té xuống và mất ý thức hoàn toàn, giãn đồng tử. Bệnh nhân đã nhanh chóng được sơ cứu tại trường và chuyển sang bệnh viện cấp cứu.
Tại bệnh viện, bệnh nhân được hồi sinh tim phổi nâng cao và chuyển qua khoa Hồi sức Tích cực Chống độc trong trạng thái hôn mê.
Hai ngày sau, bệnh nhân tỉnh và được chuyển qua Khoa Loạn nhịp tim để tìm nguyên nhân gây nên hội chứng QT dài.
Sau quá trình kiểm tra, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị hội chứng QT dài do sử dụng thực phẩm chức năng tăng cân không rõ nguồn gốc.
Sau khi xác định và cho bệnh nhân ngưng thuốc thì QT của bệnh nhân đã ngắn lại và trở về bình thường.
Đây là ca bệnh mắc hội chứng QT dài nhỏ tuổi nhất mà bệnh viện từng tiếp nhận.
Trước đó, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị loạn nhịp do sử dụng thuốc.
Hội chứng QT dài là một rối loạn hoạt động điện của tim. Tỷ lệ tử vong hàng năm của hội chứng này chiếm dưới 0,5% đối với người không có triệu chứng. Tuy nhiên nếu những người có tiền căn ngất trước đó thì tỷ lệ này tăng lên khoảng 5%. Nguy cơ mắc hội chứng QT dài ở phụ nữ cao hơn nam giới 2-3 lần.
Hội chứng QT dài có thể do bẩm sinh (gene) hoặc mắc phải (do thuốc, rối loạn điện giải…). Những thuốc thường gây ra hội chứng QT dài là các loại thuốc điều trị rối loạn nhịp, kháng sinh, kháng histamin, hướng thần…
Đối với các trường hợp có hội chứng QT dài rõ ràng hoặc nghi ngờ mắc phải hội chứng QT dài, gia đình từng có người bị QT dài thì cần được chuyển tới các trung tâm có chuyên khoa nhịp tim để tầm soát, đánh giá nguy cơ.