Quy hoạch cảng cá, kiên quyết xử lý vi phạm khai thác thủy sản
Trong lộ trình phát triển kinh tế biển, Thanh Hóa đang quy hoạch, đầu tư xây dựng các cảng cá để phục vụ nhu cầu neo đậu tàu thuyền, mua bán thủy sản của người dân. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý các vi phạm trong khai thác, đánh bắt, kê khai nguồn gốc hải sản.
Quy hoạch, đầu tư nạo vét, nâng cấp cảng cá!
Để đảm bảo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền hoạt động nghề cá, đầu tháng 9/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Dự án nạo vét, thanh thải dải đá ngầm luồng tàu khu vực cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền nghề cá Lạch Bạng với tổng mức đầu tư gần 70 tỷ đồng. Các đơn vị chức năng đang khẩn trương hoàn thiện thủ tục để triển khai dự án này trên hiện trường.
Ngoài ra, đối với cảng cá Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa), Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc), tỉnh Thanh Hóa đã giao cho Ban quản lý dự án nông nghiệp triển khai, thực hiện việc đầu tư nâng cấp, sửa chữa, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét nạo vét do bồi lắng.
Ngày 4/3, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm vừa ký và ban hành Quyết định số 857/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cảng cá Lạch Bạng và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại phường Hải Thanh và phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn.
Theo đó, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án: Lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cảng cá Lạch Bạng và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại phường Hải Thanh và phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn, toàn bộ phần công việc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu được chia làm 4 gói thầu.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (chủ đầu tư) chịu trách nhiệm tổ chức lựa chọn nhà thầu theo đúng các quy định hiện hành của pháp luật và kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt; đồng thời, có trách nhiệm cập nhật lại giá gói thầu trong thời gian 28 ngày trước ngày mở thầu (nếu cần thiết) và phê duyệt dự toán gói thầu theo quy định trước khi tổ chức lựa chọn nhà thầu, trường hợp dự toán gói thầu được phê duyệt không làm tăng tổng mức đầu tư, không thay đổi nội dung gói thầu, hình thức lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện theo quy định.
Trường hợp làm tăng tổng mức đầu tư, hoặc làm thay đổi nội dung gói thầu, hình thức lựa chọn nhà thầu hoặc có thay đổi các nội dung khác trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu trước khi mở thầu; thực hiện việc rà soát lại giá gói thầu trong trường hợp Nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu năm 2023 được ban hành, đảm bảo việc triển khai thực hiện phù hợp với quy định của pháp luật.
Kiên quyết xử lý vi phạm trong khai thác, đánh bắt thủy sản
Theo thống kê, toàn tỉnh Thanh Hóa có gần 6.000 tàu khai thác thủy sản, trong đó có hơn 4.100 tàu khai thác gần bờ và hơn 1.000 tàu có chiều dài hơn 15m khai thác vùng khơi, vùng lộng. Sản lượng thủy sản năm đạt hơn 138.000 tấn, trong đó chủ yếu là sản lượng khai thác biển.
Trong năm 2023, có hơn 7.200 lượt tàu trên 15m cập cảng Lạch Bạng (Nghi Sơn), Lạch Hới (Sầm Sơn), Hòa Lộc (Hậu Lộc). Tổng hàng hóa qua cảng đạt hơn 92.000 tấn, trong đó hàng thủy sản là hơn 21.000 tấn. Thế nhưng sản lượng thủy sản qua cảng chỉ đạt khoảng 15%, còn lại là tàu dưới 15m không bắt buộc ra vào cảng theo chỉ định.
Cuối tháng 2/2024, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản trái phép, không báo cáo và không theo quy định (IUU) Phùng Đức Tiến dẫn đầu đoàn kiểm tra thực tế tại Thanh Hóa.
Trên cơ sở kiểm tra thực tế tại 2 Cảng cá (Cảng Lạch Hới và Cảng Lạch Bạng), các thành viên đoàn công tác đã chỉ rõ những tồn tại trong thực hiện khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU và công tác chuẩn bị dự án Phát triển thủy sản bền vững, vay vốn WB. Trong đó, tập trung vào việc truy xuất nguồn gốc thủy sản thông qua thiết bị giám sát hành trình, theo dõi, giám sát tàu cá ra, vào cảng, vấn đề xử lý tàu cá vi phạm quy định IUU và các tồn tại trong công tác quy hoạch, thiết kế các hạng mục đầu tư thuộc dự án Phát triển thủy sản bền vững.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đã tiếp thu các ý kiến của đoàn công tác Bộ NN&PTNT đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện các khuyến nghị của EC về khai thác IUU cũng như đưa ra các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Phát triển thủy sản bền vững trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Giang, trên địa bàn tỉnh, cơ sở hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá chưa được nâng cấp kịp thời, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu của EC về truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, chống khai thác IUU… Trong thời gian tới, UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở SNN&PTNT làm đầu mối, phối hợp với đơn vị tư vấn và các bên liên quan hoàn thiện thiết kế chi tiết dự án, đảm bảo tính khả thi, khoa học, phát huy được công năng, hiệu quả sau đầu tư.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu tỉnh Thanh Hóa tiếp tục quản lý tàu cá chặt chẽ thông qua thiết bị giám sát hành trình, tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác tại các vùng giáp ranh, tăng chế tài xử phạt đối với tàu cá, chủ phương tiện cố tình vi phạm quy định về khai thác IUU... Từ nay đến tháng 4/2024, tỉnh cần có những kế hoạch hành động quyết liệt, quyết tâm hơn trong chống khai thác vi phạm IUU để chung tay cùng cả nước tháo gỡ “thẻ vàng” EC.
Về công tác chuẩn bị đầu tư Dự án Phát triển thủy sản bền vững, vay vốn Ngân hàng Thế giới, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan cần thực hiện rà soát các quy hoạch đã, đang và sắp triển khai trên địa bàn để bảo đảm dự án Phát triển thủy sản bền vững tỉnh Thanh Hóa được triển khai phù hợp, đồng bộ, thiết kế không gian kiến trúc hiện đại.
Tính đến ngày 24/2/2024, toàn tỉnh có 5.993 tàu thuyền; trong đó, có 2.715/2.715 tàu cá thuộc diện phải đăng ký đã nhập vào hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia Vnfishbase, 100% chủ tàu thuyền đã ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài, 100% tàu khai thác đã được lắp thiết bị giám sát hành trình...
Năm 2023, toàn tỉnh đã có 359 lượt tàu mất tín hiệu 10 ngày trở lên. Qua xác minh, lực lượng chức năng đã xử phạt hành chính 10 trường hợp tàu mất kết nối VMS dài ngày khi đi đánh bắt với tổng số tiền 61 triệu đồng và 92 vụ vi phạm Luật Thủy sản với tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh, cơ sở hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá chưa được nâng cấp kịp thời, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu của EC về truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, chống khai thác IUU...