Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Bình Định không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được
Ngày 4/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu đoàn công tác Trung ương, đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định, về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 và các năm tiếp theo.
Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ông Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định đã báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và định hướng phát triển của Bình Định trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Năm 2023, Bình Định tiếp tục gặt hái những kết quả nhất định. Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 7,61%, vượt kế hoạch HĐND tỉnh giao (7 - 7,5%) và xếp thứ 17/63 địa phương cả nước, thứ 6/14 địa phương vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ.
Quy mô kinh tế của tỉnh ước đạt hơn 117.668 tỷ đồng, xếp thứ 5/14 tỉnh, thành miền Trung (tăng 2 bậc so với thời điểm trước Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX); GRDP đầu người đạt 78,1 triệu đồng, xếp thứ 6/14 tỉnh, thành miền Trung (tăng 1 bậc so với trước Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX).
Tại buổi làm việc, Bình Định kiến nghị với Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng các Bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ tỉnh mở rộng cảng hàng không Phù Cát với 2 nội dung là chấp thuận phương án triển khai đầu tư xây dựng Cảng hàng không Phù Cát theo quy hoạch thời kỳ 2021 -2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Kiến nghị Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku theo hình thức đầu tư công và quan tâm bố trí vốn ngân sách Trung ương đề sớm hoàn thành dự án trước năm 2030 và Bộ GTVT làm chủ đầu tư dự án.
Chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc, sớm tạo điều kiện cho dự án điện gió ngoài khơi của Tập đoàn PNE (CHLB Đức) triển khai trên địa bàn tỉnh.
Kiến nghị Quốc hội xem xét sớm ban hành Luật về Thừa phát lại; xem xét, ưu tiên cho chuyển mục đích sử dụng rừng đối với các dự án thành phần thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đang triển khai trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương đánh giá cao các thành tựu mà tỉnh Bình Định đạt được trong thời gian vừa qua. Đề nghị tỉnh cần đẩy mạnh một số vấn đề về đầu tư công, thu hút đầu tư, chuyển đổi số… đồng thời giải đáp các kiến nghị, vướng mắc.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng và biểu dương những kết quả mà Bình Định đã đạt được trong hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, góp phần đưa nền kinh tế tiếp tục phục hồi, tăng trưởng, đứng trong tốp dẫn đầu của khu vực.
Theo Chủ tịch Quốc hội, thế và lực của tỉnh Bình Định hiện nay đã khá hơn nhiều. TP. Quy Nhơn đã trở thành điểm đến có tiếng trên bản đồ du lịch trong và ngoài nước. Các dự án, công trình mới tiếp tục mọc lên, đời sống của nhân dân được nâng lên.
Năm 2023, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, nhưng Bình Định đã đạt được những kết quả rất tích cực, tăng trưởng GRDP cao hơn mức kế hoạch đề ra, đạt 7,16%, đứng đầu trong 5 tỉnh của khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung.
Có được thành quả đó, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự đoàn kết, nhất trí, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định, sự chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm của lãnh đạo chủ chốt và cán bộ các cấp, các ngành trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển của địa phương.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Bình Định đã vươn lên rất nhanh, nhưng xuất phát điểm thấp, điều kiện còn nhiều khó khăn nên khoảng cách phát triển so với các địa phương khác trong cả nước vẫn còn lớn. Báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đánh giá toàn diện, rất thẳng thắn, cụ thể, chi tiết về những việc đã làm được, những việc chưa làm được, những việc cần có sự hỗ trợ của Trung ương.
Dư địa phát triển của tỉnh vẫn còn rất lớn. Do đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định cần tiếp tục nêu cao khát vọng, quyết tâm, quyết liệt hành động, bứt tốc trong những năm tới để “bù cho vài năm thất bát do Covid-19”; không chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đã đạt được.
Theo Chủ tịch Quốc hội, điểm khác biệt trong Quy hoạch của tỉnh Bình Định so với các tỉnh khác trong khu vực là Bình Định được xác định trở thành trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của vùng.
“Phải nhận thức sâu sắc vấn đề này, với tầm nhìn phát triển như vậy thì các bộ, ngành Trung ương phải hỗ trợ để Bình Định thực hiện được chức năng là trung tâm vùng. Một mặt là trách nhiệm của tỉnh, nhưng một mặt cũng là trách nhiệm của Hội đồng điều phối Vùng và trách nhiệm của Trung ương, các bộ, ngành, Chính phủ và Quốc hội, nhất là tạo điều kiện về cơ chế, chính sách và phân bổ nguồn lực cho tỉnh”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chia sẻ với khó khăn của địa phương khi chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực ưu tiên đầu tư của tỉnh, Chủ tịch Quốc hội cho rằng: “Bình Định đi sau nhưng phải kiên nhẫn một chút”. Yêu cầu đặt ra là phải chuẩn bị chu đáo các điều kiện cần thiết, bởi “Chưa có ao sâu sao có cá to - Chưa có tổ lớn sao có đại bàng”.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Bình Định nỗ lực, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; rà soát các nhiệm vụ, các kế hoạch, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể; đẩy mạnh sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, tránh ảnh hưởng đến đại hội Đảng cấp cơ sở nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Đặc biệt, cần khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh, tập trung điều chỉnh, bổ sung, xây dựng các quy hoạch, đề án phát triển các ngành, lĩnh vực phù hợp định hướng phát triển không gian đã được phê duyệt. Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, huy động mọi nguồn lực để thúc đẩy 5 trụ cột tăng trưởng; thực hiện hiệu quả 3 khâu đột phá đã được xác định tại Quy hoạch.
Bình Định còn là mảnh đất có bề dày văn hóa - lịch sử, truyền thống; là nơi phát tích phong trào Tây Sơn, gắn với tên tuổi người Anh hùng kiệt xuất Quang Trung - Nguyễn Huệ. Theo Chủ tịch Quốc hội, trong phát triển du lịch phải gắn kết chặt chẽ với văn hóa - thể thao; TP Quy Nhơn phải là nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa - thể thao mang tầm quốc gia, quốc tế; phải nghĩ ra và xây dựng được “thương hiệu” cho du lịch Bình Định, như Đà Nẵng có lễ hội pháo hoa.
Dự kiến tại kỳ họp tới đây, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Bình Định, nhất là Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định phải chuẩn bị, đề xuất với Quốc hội nội dung phù hợp liên quan đến giá trị văn hóa truyền thống của Bình Định.
2024 cũng là năm bắt đầu triển khai các công việc chuẩn bị Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bình Định chăm lo làm tốt công tác quy hoạch cán bộ cho nhiệm kỳ tới, trong đó có quy hoạch cán bộ cho các cơ quan dân cử.
Ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Bình Định, Chủ tịch Quốc hội cũng đã trao đổi cụ thể về các vấn đề liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tỉnh Bình Định phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương đánh giá kỹ lưỡng, xây dựng các phương án rõ ràng, chắc chắn, thuyết phục để báo cáo Chính phủ, Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục nêu cao “tinh thần và hào khí Tây Sơn”, phát huy truyền thống đoàn kết, chủ động, sáng tạo cùng với thời cơ và vận hội mới, triển khai thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, sớm hiện thực hóa khát vọng, mục tiêu đến năm 2030, Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung bộ, trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển, trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế; đến năm 2050 là trung tâm kinh tế biển, trung tâm KH&CN, đổi mới sáng tạo; trung tâm du lịch lớn của cả nước.
Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đã trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng Đoàn công tác Trung ương đã về thăm và làm việc tại tỉnh.
Kịp thời chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của tỉnh; đồng thời động viên, định hướng cho tỉnh phát triển trong thời gian đến.
Tỉnh sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ để kịp thời bổ sung vào kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh trong thời gian đến.
Ngoài ra, mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến chỉ đạo, động viên, ủng hộ kịp thời của Trung ương để đẩy mạnh phát triển tỉnh nhà, sớm trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ.