Hoàn tất công tác chuẩn bị xét xử vụ Vạn Thịnh Phát
Chiều 4/3, TAND TP.HCM đã cơ bản hoàn tất việc chuẩn bị phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và 85 đồng phạm về các tội Tham ô tài sản, Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về cho vay...
Theo ghi nhận, vào lúc 15h30 cùng ngày, rất nhiều phóng viên báo, đài đã có mặt tại phòng bảo vệ để nhận thẻ dự phiên tòa sáng ngày mai (5/3). Đồng thời, các phóng viên được Chánh Văn phòng TAND TP.HCM Phạm Ngọc Duy phổ biến một số nội dung phục vụ cho việc tác nghiệp.
Khu vực xét xử là hai phòng xử lớn nhất được liên thông với nhau bao gồm cả sảnh trung tâm. Bên trong phòng xử B1 bố trí chỗ ngồi cho HĐXX, đại diện VKSND TP.HCM, các bị cáo, luật sư và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Tại khu vực sảnh trung tâm cũng được đặt bục khai báo, micro, camera kết nối trực tiếp với phòng xử B1 để người tham gia tố tụng cung cấp thông tin thay vì phải ra vào phòng xử, tránh mất thời gian.
Việc bố trí ghế ngồi, quạt gió, quạt hơi nước cũng đã cơ bản hoàn thiện. Bốn nhà vệ sinh công cộng cũng được lắp đặt trong khuôn viên Tòa án.
Chánh Văn phòng TAND TP.HCM Phạm Ngọc Duy cho biết, một số báo đài sẽ được tác nghiệp đầu giờ trong hội trường. Khi kết thúc phần khai mạc phiên tòa thì tập trung về phòng báo chí để tác nghiệp. Vì phòng xét xử nhỏ, không thể đáp ứng được lượng phóng viên báo, đài tác nghiệp nên chỉ tác nghiệp qua màn hình tivi.
Về dụng cụ tác nghiệp, ông Duy cho biết, các luật sư, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan chỉ đi tay không. Phóng viên báo, đài chỉ được mang máy ảnh, máy quay phim, còn máy tính và thiết bị ghi âm sẽ không được mang vào. Tòa sẽ trang bị máy tính cho luật sư, phóng viên mượn sử dụng trong ngày.
Dự kiến phiên tòa sẽ được mở từ ngày 5/3, kéo dài đến ngày 29/4. HĐXX gồm Thẩm phán Phạm Lương Toản - Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM làm chủ tọa, Thẩm phán Lê Công Huân và 3 Hội thẩm nhân dân.
Đại diện VKSND TP.HCM tham gia phiên tòa gồm: ông Cao Anh Đức, ông Đặng Như Vĩnh, ông Vũ Mạnh Long, ông Vũ Tất Ba, bà Nguyễn Thị Hồng Vân, bà Đặng Thị Hồng Thủy, ông Lưu Hoàng Tuấn, ông Nguyễn Đức Long, ông Ngô Phạm Việt, ông Nguyễn Hồng Hiệp.
Có gần 200 luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp các bên liên quan. Trong đó, riêng bị cáo Trương Mỹ Lan có 5 luật sư bào chữa.
Trong vụ án này, nữ Chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan bị truy tố 3 tội danh: Tham ô tài sản, Đưa hối lộ và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
85 bị cáo còn lại gồm 45 cựu lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; một cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước bị VKSNDTC truy tố về các tội: Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng.
5 người trong số này là cựu lãnh đạo SCB và các chi nhánh, hiện đã bỏ trốn.
TAND TP.HCM đã quyết định triệu tập hơn 2.400 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án đến Tòa làm việc. Cụ thể, 316 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các cá nhân thuộc nhóm cán bộ ngân hàng Ngân hàng SCB; 1.153 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các cá nhân đứng tên công ty, đứng tên vay, đứng tên các tài sản thế chấp tại Ngân hàng SCB, thực hiện việc nộp, rút tiền; 692 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các pháp nhân thuộc nhóm đứng tên vay, nhận tiền tại ngân hàng SCB; 42 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các cá nhân tại Ngân hàng Nhà nước; 201 người có quyền lợi, nghĩa vụ khác.
Tại các buổi làm việc, TAND TP.HCM thông báo cho những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan biết về lịch xét xử của vụ án và một số thông tin về phiên tòa.
Theo đó, ngày đầu tiên xét xử (5/3), tất cả những người có giấy triệu tập phải đến tham dự phiên tòa, trừ trường hợp bất khả kháng.
Trong quá trình xét xử, HĐXX sẽ có thông báo kế hoạch làm việc cụ thể, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến dự theo thông báo của HĐXX.
Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ năm 2012-2022, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, nắm giữ trên thực tế số lượng cổ phần gần tuyệt đối của SCB (từ 85% đến 91,5% cổ phần), qua đó trở thành cổ đông có "quyền lực".
Trương Mỹ Lan cùng nhiều đồng phạm đã thực hiện một chuỗi hành vi gồm tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín của mình vào các vị trí chủ chốt tại Ngân hàng SCB thành lập một số đơn vị chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu của Chủ tịch Vạn Thịnh Phát.
Nhóm Vạn Thịnh Phát còn thành lập, sử dụng hàng ngàn công ty "ma", chi tiền thuê nhiều cá nhân và câu kết với các cá nhân đứng đầu nhiều doanh nghiệp liên quan, thông đồng với các công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản đảm bảo, lập khống hồ sơ vay tiền nhằm "rút ruột" Ngân hàng SCB.
Kết quả điều tra xác định trong 875 khách hàng đứng tên giúp cho nhóm bà Lan vay 1.284 khoản ở SCB có 440 cá nhân, 435 pháp nhân. Các pháp nhân đều là công ty "ma", do bà Lan chỉ đạo cấp dưới dựng lên để đứng tên làm thủ tục giải ngân.
Để có tài sản thế chấp hợp thức các khoản vay với số tiền lên đến hơn 1 triệu tỷ và "rút ruột" ngân hàng, Trương Mỹ Lan đã dùng nhiều khối tài sản đảm bảo chưa đủ điều kiện pháp lý và nâng khống giá trị lên nhiều lần.
Với chiêu "mua chuộc" công ty thẩm định giá, tài sản thế chấp cho các hợp đồng vay khống của Vạn Thịnh Phát đã bị "thổi giá" lên gấp nhiều lần nhằm rút được số tiền lớn.