Điểm lại những lần nhật thực toàn phần nổi tiếng trong lịch sử
Đời sống - Ngày đăng : 11:26, 09/03/2016
Nhật thực toàn phần là một hiện tượng thiên văn kỳ thú
Năm 2016, hiện tượng nhật thực xảy ra lúc 23h19 ngày 8/3 (giờ UTC), và đạt toàn phần lúc 1h59 ngày 9/3. Tại Việt Nam, 7h34 phút sáng nay, TP.HCM đã quan sát được nhật thực một phần, 52%.
Nhật thực toàn phần sẽ kéo dài khoảng 4 phút 9 giây. Tuy nhiên, chỉ có các khu vực thuộc một số hòn đảo của Indonesia như Sumatra, Borneo và Sulawesi, và một số địa điểm khác ở Nam Thái Bình Dương mới có thể quan sát hiện tượng toàn phần.
Người xưa vẫn xem hiện tượng Mặt Trăng “nuốt” Mặt Trời là điềm báo về một chuyện lạ sắp xảy ra, chẳng hạn như báo hiệu sự diệt vong của một triều đại hay sự phẫn nộ của đấng tối cao… Tuy nhiên, thực tế nhật thực chỉ là một hiện tượng che khuất quang học, và không gây bất kỳ tác động nào đến Trái Đất cũng như sinh hoạt của con người.
Hình ảnh nhật thực được anh Nguyễn Hoài An ( Đà Nẵng) chụp bằng điện thoại tại Đà Nẵng khi đi tập thể dục buổi sáng. Ảnh: Nguyễn Hoài An / Kiến thức
Lịch sử từng chứng kiến một số lần nhật thực nổi tiếng, và điều đặc biệt, gắn liền với chúng là những sự kiện vô cùng “kỳ lạ” có ảnh hưởng lớn đến đời sống và tâm linh con người.
Nhật thực Ugarit xảy ra vào năm 1374 TCN, kéo dài trong 2 phút và 7 giây, là một trong những lần nhật thực sớm nhất từng được ghi nhận trên thế giới. Ugarit là tên một thành phố cảng ở phía bắc Syria. Các nhà sử học thuộc nền văn minh Lưỡng Hà (Mesopotamia) tại đây đã viết về lần nhật thực này như sau“Mặt trời đã bị đẩy vào thế hổ thẹn”.
Tại Trung Quốc: Theo ghi chép của các nhà sử học Trung Quốc, vào năm 1302 TCN đã xảy ra hiện tượng nhật thực toàn phần kéo dài trong 6 phút và 25 giây.
Nhật thực toàn phần Assyria xảy ra năm 763 TCN thời đế chế Assyria (có phạm vi chiếm đóng là Iraq ngày nay). Mặt Trời đã bị Mặt Trăng che khuất hoàn toàn trong 5 phút. Theo một số ghi chép, hiện tượng nhật thực toàn phần này xảy ra cùng thời điểm với một cuộc khởi nghĩa ở thành phố Ashur.
Chúa Jesus bị đóng đinh: Một số nhà sử học ghi chép lại, vào năm 29 sau Công nguyên, khi Chúa bị đóng đinh đã xảy ra một vụ nhật thực hoàn toàn kéo dài 1 phút và 59 giây.
Trong khi đó, một vài ghi chép khác đã nói đến lần nhật thực toàn phần thứ 2 kéo dài 4 phút và 2 giây vào năm 33 sau Công nguyên, như thời điểm đánh dấu ngày về trời của Chúa.
Còn theo sách phúc âm của Cơ đốc giáo, bầu trời đã bị tối sầm lại trong nhiều giờ đồng hồ sau khi Chúa Jesus bị đóng đinh lên cây thánh giá.
Đấng tiên tri Mohammed chào đời cùng thời điểm xảy ra nhật thực từng được nhắc đến trong Kinh Koran. Sau đó, các nhà sử học đã gắn sự kiện này với lần nhật thực toàn phần kéo dài 3 phút, 17 giây vào năm 569 sau Công nguyên. Điều kỳ lạ, sau khi con trai của nhà tiên tri Mohammed qua đời, Mặt trời cũng “biến mất” trong 1 phút, 40 giây.
Khi vua Henry I của Vương quốc Anh băng hà vào năm 1133, một hiện tượng nhật thực toàn phần đã xảy ra, kéo dài trong 4 phút 38 giây. Sau cái chết của vua Henry I, Vương quốc Anh đã bị rơi vào cuộc nội chiến, tranh giành quyền lực và ngai vàng.
Nhật thực của Einstein có thể coi là nhật thực đặc biệt nhất. Các nhà vật lý coi nhật thực năm 1919 là thắng lợi của khoa học. Khi đó, các nhà khoa học đã đo được điểm cong nhất của ánh sáng từ các ngôi sao khi chúng dịch chuyển gần Mặt Trời. Kết quả thu được đã xác thực thuyết tương đối rộng của Einstein (mô tả lực hấp dẫn là sự uốn cong của không gian - thời gian). Lần nhật thực toàn phần này kéo dài 6 phút và 51 giây.
Hình ảnh nhật thực được thành viên Mẹ Ku Bin diễn đàn MarryBaby chụp được ở TP.HCM trong khi ngồi làm việc.