Giảm nhẹ rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, sử dụng nguồn lực sẵn có
Từ ngày 1-3/3/2024, tại huyện Quản Bạ (Hà Giang), Văn phòng Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai (Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai) phối hợp với Văn phòng đại diện Tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo về “Xây dựng kế hoạch giai đoạn 2025-2030 của Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai”.
Tham dự hội thảo có bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, Đồng Chủ tịch Đối tác chủ trì Hội thảo; Đại diện Văn phòng điều phối viên thương trú LHQ tại Việt Nam, UNWomen, UNFPA…, USAID, JICA Văn phòng Việt Nam, Action Aid, ADRA, Care International, Plan International, Save the Children, World Vision, Humane Society International (HSI), tổ chức Đông Tây hội ngộ, HealthBridge Foundation of Canada.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, đồng Chủ tịch Đối tác chia sẻ việc xây dựng Kế hoạch giai đoạn 2025-2030 của Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai cần gắn với các mục tiêu ưu tiên của Chính phủ trong quản lý rủi ro thiên tai với các nguồn lực sẵn có và mục tiêu chiến lược của các thành viên Đối tác, qua đó nhấn mạnh việc tham gia tích cực của các thành viên Đối tác giúp định hình lại những ưu tiên chung của Kế hoạch.
Bà Pauline Tamesis nhấn mạnh: "Kế hoạch 5 năm tới với mục đích tăng cường khả năng chống chịu của Việt Nam thông qua việc nhấn mạnh vào các lĩnh vực chính như: chính sách đồng bộ, lập kế hoạch phát triển có tính đến yếu tố rủi ro và nâng cao nhận thức của cộng đồng và các lĩnh vực khác. Những hiểu biết sâu sắc của các thành viên Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai sẽ góp phần quan trọng trong việc định hình các ưu tiên và định hướng con đường chung của Đối tác. Tăng cường khả năng chống chịu rủi ro thiên tai như cốt lõi của quá trình phát triển của Việt Nam, giảm thiểu rủi ro thiên tai là điều rất cần thiết".
Tại Hội thảo, ông Vũ Xuân Thành, Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, mỗi tổ chức đều có những ưu tiên riêng, cũng như các đối tác tại địa phương, địa bàn hoạt động cũng có những đặc thù khác nhau.
Là cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai mong muốn kết nối các tổ chức, tạo ra cơ chế, diễn đàn để các bên cùng phối hợp hiệu quả và đặc biệt là tận dụng hiệu quả nguồn lực, tránh sự chồng chéo trong phòng ngừa, giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Trong khi đó, ông Tạ Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ hỗ trợ Chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam cho rằng, tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp, với mức độ rủi ro thiên tai khác nhau, gia tăng mức độ tổn thương đối với cộng đồng trước, trong và sau thiên tai. Điều này đặt ra yêu cầu đối với chính quyền các cấp và người dân trong thay đổi chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai.
"Cần chủ động lập kế hoạch và sẵn sàng hành động sớm, ứng phó khẩn cấp với thiên tai; tăng cường thông tin sớm về rủi ro thiên tai và nâng cao năng lực người dân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, thanh niên trong chủ động phòng, chống thiên tai, giảm nhẹ rủi ro thiên tai", ông Tạ Việt Anh nhấn mạnh.
Bên cạnh các nội dung trao đổi thảo luận xây dựng Kế hoạch, các đại biểu đã được tham quan thực địa các mô hình tiêu biểu trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai do Tổ chức ActionAid hỗ trợ, xây dựng tại huyện Quản Bạ (Hà Giang).
Đây là một trong những địa phương được Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam triển khai chương trình PCTT dựa vào cộng đồng từ năm 2007.
Theo đó, hàng năm mọi thôn bản tham gia chương trình đều tổ chức sử dụng công cụ đánh giá rủi ro có sự tham gia (PVA) để lập kế hoạch phòng chống thiên tai (PCTT) dựa vào cộng đồng.
Đến nay, 100% các xã tham gia chương trình đều có kế hoạch PCTT chủ động và có thể kết nối dễ dàng với ngân sách và hoạt động của phòng Nông nghiệp huyện, là cơ quan chịu trách nhiệm điều phối các nỗ lực chuẩn bị và ứng phó với thiên tai cấp địa phương.
Thực địa tại thôn Suối Vui và Bản Thăng (xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang), Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam cùng Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam đã hỗ trợ hai công trình là hệ thống đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời, cầu chống lũ và nhận được nhiều tín hiệu tốt tại địa phương.
Ông Đỗ Quang Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ cho biết: “Huyện Quản Bạ được chương trình của ActionAid hỗ trợ để phòng chống thiên tai từ năm 2007, đến nay 100% thôn bản của 5 xã và 1 thị trấn của huyện đã chủ động trong việc xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai, có sử dụng các công cụ để đánh giá các mức độ rủi ro. Từ đó nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc chủ động phòng chống thiên tai, từ đó giảm nhẹ những rủi ro từ thiên tai trên địa bàn. Huyện đã phối hợp chặt chẽ với Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam và sự chỉ đạo của cơ quan chuyên môn, tích cực quan tâm theo dõi các bản tin, cảnh báo từ cơ quan chuyên môn để có các hành động thiết thực, cụ thể trong việc thực hiện các hoạt động phòng chống thiên tai trên địa bàn”.
Đánh giá về những hỗ trợ của Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam với Hà Giang, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam cho biết: “Chúng ta không thể thực hiện công tác phòng chống thiên tai nếu như không xuất phát từ nhu cầu thực tế của chính người dân. Chính từ những nhu cầu, kinh nghiệm, kiến thức của người dân địa phương, chúng ta có được những biện pháp, giải pháp ứng phó nhằm khắc phục những điểm yếu trong công tác PCTT của địa phương. Đây là cách làm hay, hướng tiếp cận thiết thực của Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam tại tình hình thực tế địa phương, cụ thể là tại Quản Bạ, Hà Giang”.
Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai được thành lập theo quyết định số 3922/QĐ-BNN-TCCB ngày 11/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thành viên gồm hơn 20 tổ chức quốc tế và 4 cơ quan Bộ (Nông nghiệp, Quốc phòng, Ngoại giao, Truyền thông). Thành viên của Đối tác GNRRTT là các cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng, thực hiện và giám sát các chính sách cấp quốc gia và toàn cầu về phòng, chống thiên tai, bao gồm các tổ chức Liên Chính phủ, Chính phủ và Phi Chính phủ quốc tế, các định chế tài chính.