Những người đàn bà làng biển
Đời sống - Ngày đăng : 22:30, 08/03/2016
Nỗi đau không thể nguôi ngoai
Sáng nào cũng vậy, bà Nguyễn Thị H ở Gành Cả (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) lại bắt đầu một ngày mới bằng việc làm quen thuộc là thắp cho chồng là ông Nguyễn H và con trai Nguyễn Qu một nén hương. Chồng và con trai bà H cùng với 10 ngư dân đi trên con tàu xấu số QNg - 95177TS đã mãi không trở về trong cơn bão số 1 đổ bộ vào quần đảo Hoàng Sa cách đây vài năm về trước. Ngày ấy, Gành Cả trắng một màu tang tóc. Giờ mỗi khi nhắc lại, nước mắt vẫn chảy tràn trên khuôn mặt những người thân, gia đình các nạn nhân.
Sau cơn bão kinh hoàng đó, nhiều ngày sau Gành Cả không một ai còn dám ra khơi. Nhưng rồi bởi cái ăn, cái mặc, khi nỗi đau tang thương vơi đi, những chiếc thuyền lại lặng lẽ hướng ra khơi. Đối với ngư dân, biển cả như ngôi nhà, mảnh vườn của họ. Biển thân thương ngay cả khi, hoặc cũng bởi, nó là nơi chôn vùi mãi mãi bao lớp cha ông. Mỗi chuyến đi, họ lại lặng lẽ mang theo một sợi dây dài, đề phòng khi thuyền gặp nạn thì cột chặt tay nhau thành chuỗi, để nếu có chết cũng được chết chung, để cầu cho thân xác được cùng nhau trôi dạt về đất mẹ.
Trên bàn thờ của cha con ông H, bên di ảnh họ, có một bài thơ với lời lẽ khắc khoải mà ai đó trong làng đã phụng kính: “Tuy rằng thiếp lập bàn thờ/Nhưng còn hy vọng bất ngờ về sau/Tàu buôn, tàu lưới, tàu câu/Ai vớt được cháu thì mau tin về/Ở nhà trông đợi mỏi mê/Mong sao cháu nhắn tin về: Niềm vui…”. Lời thơ ấy, cũng là tiếng lòng, là chút hy vọng nhỏ nhoi của những người vợ, người mẹ có chồng con tử nạn ngoài khơi như bà Nguyễn Thị H.
Bà H bảo, biển bình yên và dữ dội, biển cho ngư dân cơm áo nhưng cũng lắm khi biển lại cướp đi thứ quý giá nhất của con người, đó là mạng sống. Sau mỗi cơn phong ba như vậy, vùng biển Bình Sơn lại có thêm những người phụ nữ góa bụa và những đứa trẻ không cha. Những cái tên được nhắc đến như chị Trần Thị Th, Trần Thị V (thôn Thuận Biển, xã Bình Châu), Hà Thị C, Trần Thị H (thôn Bình An Nội, xã Bình Chánh), và nhiều cái tên khác với cảnh ngộ chung đều gợi lên những thanh âm buồn từ biển cả bao la. Trong lời thủ thỉ của các chị có cả những giọt nước mắt đau xót vì mất chồng, có cả những cái cười như mếu vì kiếp phận đàn bà, chỉ cần có dịp là nó lại bùng lên. Ngày lễ, Tết, ngày dành riêng cho phụ nữ với các chị chỉ là những ngày tháng đợi chờ, những chiều mắt đau đáu nhìn ra biển.
Một góc Bình Châu
Lạ một điều là ở dọc các làng biển thuộc huyện Bình Sơn, hiếm có người phụ nữ nào đi bước nữa nếu không may chồng tử nạn. Dù có người góa bụa từ khi còn rất trẻ, đương thì xuân sắc, họ vẫn lặng lẽ ở vậy thờ chồng hay chờ chồng trong nỗi hy vọng mong manh và nuôi con cái lớn khôn. Như cuộc đời hai chị em bà Trần Thị Th (thôn Thuận Biển, xã Bình Châu) góa chồng giữa cái tuổi mơn mởn xuân sắc cách đây mươi năm, giờ thì cả hai đã bạc trắng mái đầu vì buồn thương, khốn khó.
Khi nhận được tin những người đàn ông của họ đã nằm lại đâu đó giữa đại dương, suốt 3 tháng trời ròng rã, hai hai chị em bà Th đã dắt díu nhau đi khắp các miền quê ven biển, nghe ngóng tin tức về chồng… Cuối cùng họ đành chấp nhận lập mộ gió cho người thân. Họ vẫn lặng lẽ nhìn tháng ngày trôi, sống âm thầm giữa hơi thở của biển trong nỗi đau không thể nguôi ngoai...
Ở Bình Châu cũng như một số vùng đất ven biển khác của Quảng Ngãi, mỗi khi có ngư phủ phải bỏ mạng ngoài đại dương, người thân họ lại đắp lên một nấm mộ cát tượng trưng, gọi là mộ gió, mộ chiêu hồn. Và, ở Bình Châu, nơi cát ngập tràn mấy cây số vuông, nơi mà những nấm mộ chiêu hồn cũng bạt ngàn trong cát, lớp sau đè lớp trước, không ai đếm được có bao nhiêu ngôi mộ như thế, cũng không ai biết được còn bao nhiêu sẽ lại mọc lên. Và, cũng chẳng phải gia đình mất nhiều người thân vì biển đau đớn hơn gia đình mất ít, bởi mỗi nhà mỗi cảnh, nỗi đau nào cũng lớn lao như nhau. Có những gia đình mà chỉ qua một buổi chiều biển nổi cuồng phong, 3-4 người nằm lại dưới đáy biển sâu, nỗi đau chồng lên nỗi đau trong mắt những người đàn bà góa phụ.
Thay chồng ra biển
Trước đây khi mà đội ngũ tàu thuyền còn thưa thớt, biển bãi ngang đầy ắp cá tôm, ngư dân Bình Châu chỉ cần vượt ra khỏi bờ chừng vài hải lý đã đủ cho nhiều gia đình trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Nhưng đánh bắt mãi đến lúc biển cũng cạn kiệt, lại phải chia đều cho bạn chài nên chẳng còn là bao. Bởi thế, chục năm trở lại đây, nhiều gia đình đã sắm thúng nhỏ để vợ chồng đồng hành ra biển đánh bắt. Từ đó, biển Đông có những bóng hồng của làng chài Bình Châu…
Đàn bà ở bờ cực một thì đi biển cực gấp trăm lần. Từ quăng lưới, kéo lưới, chèo thúng, việc gì cũng phải giơ vai gánh vác tất tần tật. Cập bờ lại lo bán cá, bán tôm, lo cơm nước cho chồng con rồi vá lưới chuẩn bị cho chuyến biển sau. Cứ vậy, công việc của những chị em làm nghề biển như con thoi. Thậm chí có những người phụ nữ đã ở cái tuổi 60 vẫn một mình một thúng ra biển như bà Huỳnh Thị Th. Để gặp được bà Th, chúng tôi phải đến từ rất sớm bởi bà thường trở dậy từ 3-4 giờ sáng, tất tả chuẩn bị cho một ngày mưu sinh.
Chồng bà Th mất trong một lần lặn biển, ghe thì hỏng, lại thêm nuôi đứa con bị tật nguyền, khó khăn cùng quẫn, nhiều lần bà cũng tính chuyện bỏ biển, nhưng bỏ thì lấy gì mà sống, mà nuôi con? Cân nhắc mãi rồi bà vẫn quyết một mình đạp sóng, vươn khơi. Bà Th bảo: “Dẫu cực cũng còn có chút con để nguôi ngoai, để lấy đó làm mục đích sống của mình, chứ nhiều bạn đồng niên của tôi, cũng góa bụa, cũng đi biển một mình bằng thuyền thúng, đánh vét dăm con cá gần bờ, mớ ruốc rồi chiều về lại lủi thủi một mình một bóng trong căn nhà ven biển. Cứ lặng lẽ, lủi thủi như thế cho đến ngày số phận “đưa đi gặp chồng con”. Tôi cũng không biết sức mình rồi sẽ trụ được bao lâu, chỉ lo cho đứa con tật nguyền không nơi nương tựa”.
Cuộc sống của mẹ con chị Nguyễn Thị H trông cả vào hành, tỏi
Cách nhà bà Th một quãng, xuôi về phía Bình Đông (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) là nhà của 6 mẹ con chị Nguyễn Thị H. Chồng chị, anh Đỗ Văn Đoàn đã mất hơn 6 năm nay trong cơn bão biển. Mất đi chỗ dựa vững chãi nhất, một mình chị xoay xở nuôi 5 đứa con. Giờ, hàng ngày chị chạy chợ, buôn bán nhì nhằng, chút ít tiền lãi thu được cộng với tiền bán hành tỏi được trồng trên mấy vuông cát cũng chỉ đủ trang trải hai bữa cơm. Cuộc sống của mấy mẹ con long đong chìm nổi theo nước thủy triều. Trong ngôi nhà liêu xiêu ấy, chỉ duy có nỗi đau là thường trực. Chỉ cần có người nhắc đến tên chồng, mắt chị H lại ầng ậng nước...
Theo chân chị H, chúng tôi ra ngôi mộ gió ngoài bãi biển thắp cho anh Đoàn mấy nén hương. Chiều, biển Bình Đông lơ thơ vài bóng người, chỉ có sóng ì oạp xô nhau. Vài ba người đàn bà lụi cụi nhặt con ngao, con hến bên mép nước, thỉnh thoảng mắt dõi về xa tít phía chân trời. Mà trời thì trong vắt, nước trong vắt - trong như nước mắt. Đang là mùa thuận hoà để đi biển. Nhưng dường như có bão trong đôi mắt những người đàn bà ở kia. Trong những đôi mắt đó, chỉ thấy toàn là sự khắc khoải: Khắc khoải đến u uẩn, xa xăm...
Những “cột mốc sống” giữa trùng khơi
Giờ ở Bình Châu, Bình Đông và một số xã lân cận khác của Bình Sơn, người ta ít nhắc đến những câu chuyện đau buồn của quá khứ. Nhưng không nhắc, không có nghĩa là nỗi đau đã nguôi ngoai, bởi ai trong số những “hòn vọng phu sống” mà chúng tôi đã gặp, họ đều nhớ rằng biển cả mênh mông ngoài kia đã cướp đi chồng, cha, con của họ, cướp đi những người đàn ông trụ cột gia đình, đẩy họ vào bần bật những lo toan, biến họ thành lớp lớp vọng phu.
Chia tay Bình Sơn khi những con tàu chuẩn bị ra khơi. Người có tàu lớn thì tiếp nối những phiên biển dài ngày. Người tàu nhỏ thì dạt dào hy vọng vào một ngày nào đó sẽ có tàu lớn để trực chỉ Hoàng Sa, Trường Sa. Hai ngày ngắn ngủi ở đây giúp chúng tôi kịp hiểu rằng, biển cho con người ta miếng cơm manh áo nhưng biển lắm lúc cũng gieo những giọt đắng cho quá nhiều những phận người, đặc biệt là những người đàn bà làng biển. Vượt lên những đau thương mất mát, những khó khăn gian khổ, họ vẫn tỏ rõ sự mạnh mẽ kiên cường bởi họ biết, họ là những tấm gương cho con cái noi theo, làm yên lòng cho những người chồng, cha đã mãi mãi nằm dưới lòng biển lạnh.
Và, dù có phải đối mặt với rất nhiều hiểm nguy, bão giông đến từ phía biển như thế, nhưng bao nhiêu đời nay, người dân Bình Sơn vẫn xem Trường Sa, Hoàng Sa là “mảnh vườn, thửa ruộng” của mình. Họ vẫn kiên trì ngày ngày bám biển, tiếp bước cha ông tạo nên những “cột mốc sống” giữa trùng khơi.