Tưng bừng khai hội đền Cờn
Đền Cờn (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) là ngôi đền cổ, được xem là một trong 4 ngôi đền thiêng nhất xứ Nghệ. Lễ hội đền Cờn đã chính thức khai mạc với chuỗi hoạt động đặc sắc thu hút hàng vạn người dân địa phương và du khách về dự.
Đền Cờn tọa lạc tại phường Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai) thờ Tứ vị Thánh nương Nam Hải Đại càn Quốc gia. Tại đây còn lưu giữ 142 hiện vật quý giá như bằng sắc, câu đối, đại tự, đồ tế khí, chuông đồng đúc năm Cảnh Hưng (1752), 28 pho tượng đá và nhiều tượng gỗ thời Lê… Năm 1993, đền Cờn được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Năm 2017, Lễ hội đền Cờn được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Không những là di tích cổ kính, quy mô lâu đời có vị trí cảnh quan đẹp, ở cửa ngõ Nghệ An, đền Cờn còn nổi tiếng bởi là ngôi đền có tới 3 bậc đế vương là vua Trần Anh Tông, Lê Thánh Tông, và vua Quang Trung đến dâng hương trước khi đi đánh trận và đều đánh thắng giặc.
Tưởng nhớ công lao của Tứ vị Thánh nương, các vua đều ban cấp sắc phong, tiền bạc tu bổ, tôn tạo ngôi đền ngày càng bề thế, uy nghiêm, trở thành trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu của cư dân vùng biển.
Lễ khai mạc đã để lại điểm nhấn với chương trình nghệ thuật đặc sắc có chủ đề “Tâm linh và hội tụ”, ca ngợi mảnh đất, con người Hoàng Mai, quê hương đất nước, mùa xuân, lễ hội.
Lễ hội đền Cờn là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, đồng thời quảng bá tiềm năng du lịch và giới thiệu nét đẹp văn hóa của quê hương, con người Hoàng Mai với đông đảo nhân dân và du khách thập phương.
Tại buổi lễ, đã diễn ra lễ giao, nhận tài liệu số hóa sắc phong về đền Cờn của Sở Văn hóa - Thể thao cho thị xã Hoàng Mai; trao giải thưởng về sáng tác logo Hoàng Mai cho các tác giả, nhóm tác giả.
Nằm trong chương trình Lễ hội đền Cờn và khai trương du lịch thị xã Hoàng Mai năm 2024, sáng 1/3, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) tưng bừng tổ chức Lễ phát tích cầu ngư và đua thuyền truyền thống trên cửa biển Lạch Cờn.
Đây là nét đẹp văn hóa của cư dân vùng biển, với tâm niệm cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, tôm cá đầy khoang. Năm nay, lễ hội được tổ chức với quy mô hoành tráng thu hút hàng nghìn người dân và du khách đến xem, cổ vũ..
Ngay từ sáng sớm, hàng nghìn người dân, du khách đã nô nức cùng hướng về đền Cờn và dọc bờ biển để hoà mình vào không gian lễ hội. Sau khi làm lễ tại đền Cờn trong, đoàn rước kiệu gồm có các kiệu, voi, ngựa, đội trống, cờ, lọng, hoa,.. đã diễu hành ra bãi biển phía nam nơi giáp ranh giữa Quỳnh Phương với Quỳnh Liên để làm lễ cầu ngư.
Tại lễ cầu ngư, các lễ vật, hương hoa, quả, bánh được người dân vùng biển Quỳnh Phương dâng lên tế mẫu và các thần linh.
Trong tiếng trống, nhạc và hò reo của người dân địa phương, các chàng trai khiêng kiệu chạy tung kiệu lên từng nhịp vừa tạo không khí linh thiêng, vừa tạo không khí sôi động của lễ cầu ngư.
Khi đoàn rước kiệu đến bờ biển phía nam gặp đoàn tàu quay đầu vào bờ, buổi tế lễ bắt đầu với những nghi thức tế lễ cầu cho mưa thuận gió hòa, ngư dân ra khơi thuận lợi gặp nhiều tôm cá, đời sống nhân dân được ấm no hạnh phúc.
Song song với trên bờ, phía dưới sông Mai Giang đoàn tàu gồm có 6 tàu được địa phương lựa chọn là những tàu trong năm vừa qua làm ăn phát đạt, khai thác hiệu quả để làm lễ cầu ngư. Đoàn tàu khởi hành từ đền Cờn đi ra cửa biển Lạch Cờn tiến vào bờ biển phía nam của phường Quỳnh Phương để làm lễ.
Sau hoạt động tế lễ là màn tranh lộc của ngư dân vùng biển, với mong muốn được may mắn bình an. Sau đó, đoàn rước kiệu và tàu quay trở về trước đền Cờn.
Khi đoàn rước trở về, lễ hội đua thuyền truyền thống được bắt đầu trên dòng Mai Giang ngay trước cửa Đền. Cờ tổ quốc, cờ lễ hội cùng các câu khẩu hiệu cổ động cho các đội đua, tiếng nhạc, tiếng trống cổ vũ đã vang dậy hai bên bờ sông, nơi đang diễn ra lễ hội đua thuyền truyền thống năm 2024.
Lễ hội đua thuyền truyền thống đền Cờn năm nay có sự tham gia của 8 thuyền đua đến từ các xã phường trong thị xã và huyện bạn. Các đội bốc thăm chia làm 2 bảng, mỗi bảng 4 đội. Mỗi bảng thi đấu một lượt chọn đội nhất, nhì vào thi đấu vòng chung kết. Mỗi đội đua gồm 24 VĐV, phải trải qua một vòng đua trên sông Mai Giang với chiều dài 500m.
Trước giải đua, công tác chuẩn bị được thực hiện khá chu đáo. Ban chỉ đạo, Ban tổ chức Lễ hội đua thuyền đã nhiều lần họp bàn, thống nhất và phân công cụ thể công tác chuẩn bị từ khâu tổ chức, tuyên truyền, công tác đảm bảo an ninh trật tự cho lễ hội... Các đơn vị tham gia thi đấu đã tổ chức luyện tập bài bản.
Tiếng còi hiệu xuất phát vang lên cũng chính là lúc cuộc đua bắt đầu, từng mũi thuyền lao vun vút về phía trước. Lúc này, hai bên bờ sông là những tiếng reo hò, tiếng trống cổ vũ vô cùng náo nhiệt. Hàng vạn người dân, khách du lịch dõi theo từng con thuyền đang lướt trên dòng sông, các VĐV bơi rất nhiệt tình, dùng hết sức mình để chèo thuyền về đích trong sự cổ vũ nhiệt tình khiến cho khung cảnh lễ hội càng thêm hấp dẫn.
Với tinh thần thi đấu đoàn kết và thể thao cao thượng, vận động viên các đội đã thể hiện những nhịp chèo mạnh mẽ, những pha rượt đuổi hấp dẫn, đẹp mắt. Hàng vạn người dân và du khách thập phương tập trung về cửa Lạch Cờn và tập trung 2 bên bờ sông cổ vũ náo nhiệt.
Sau gần 2 giờ đồng hồ tranh tài, Lễ hội đua thuyền truyền thống năm 2024 đã kết thúc thành công tốt đẹp. Ban tổ chức đã trao giải nhất cho thuyền đua Quỳnh Phương 1, giải nhì cho đội Quỳnh Lập và giải ba cho đội Quỳnh Phương 3 và Hưng Nguyên.
Đây là một hoạt động tín ngưỡng rất riêng, trở thành nét đẹp văn hóa của ngư dân miền biển. Chị Hồ Mỹ Lan (ở TP. Vinh) chia sẻ cảm xúc khi lần đầu đến trải nghiệm nét đẹp văn hóa đầu xuân của người dân vùng biển Hoàng Mai: "Lễ hội cầu ngư và đua thuyền rất thú vị, không khí vô cùng náo nhiệt. Tôi thấy đây là trải nghiệm rất hay trong những ngày đầu năm mới".
Lễ hội có ý nghĩa văn hóa to lớn đối với Đảng bộ và nhân thị xã, thể hiện sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động của toàn Đảng, toàn dân, góp phần duy trì và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, thúc đẩy phong trào rèn luyện thể dục thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại trong các tầng lớp nhân dân.