Thanh Hoá: Nhiều ngầm tràn xuống cấp cần sớm được đầu tư
Trong mùa mưa lũ, đã có không ít vụ tai nạn thương tâm dẫn đến thiệt hại về người và của khi người dân cố gắng đi qua các ngầm tràn. Tại một địa phương rộng như Thanh Hóa, có tới 11 huyện miền núi, nguồn kinh phí còn có hạn nên số ngầm tràn đã xuống cấp khá nhiều, tiềm ấn nguy cơ mất an toàn.
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 42/95 ngầm tràn trên các tuyến tỉnh lộ và 53/471. Nhiều ngầm tràn trên các tuyến giao thông nông thôn đã xuống cấp, hư hỏng cần được sửa chữa, nâng cấp, cải tạo cấp thiết. Chính quyền và người dân địa phương mong ngóng cấp trên sớm bố trí nguồn kinh phí để đều tư.
Đa phần các ngầm tràn là tại các huyện miền núi do đặc thù của đường giao thông bị chia cắt bởi sông, suối. Một phần ngầm tràn kết hợp với đập tích nước hoặc không có số tiền lớn để làm cầu cứng. Các huyện miền núi thường chưa cân đối được ngân sách, nên khi thiết kế các tuyến đường đều giảm thiểu thấp nhất tổng mức đầu tư. Lựa chọn ngầm tràn là tình thế bất khả kháng.
Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay hầu hết 11 huyện miền núi Thanh Hóa đều có ngầm tràn đang bị xuống cấp cần sớm được đầu tư. Tại huyện miền núi Bá Thước, sau khi thủy điện Bá Thước 2 đi vào hoạt động thì tuyến đường dân sinh thôn Chiềng Ai, xã Hạ Trung bị ngập không thể đi lại.
Năm 2013, Công ty Thủy điện Bá Thước 2 làm tạm một tràn qua suối để người dân đi lại. Tuy nhiên, hàng năm đến mùa mưa lũ, 13 hộ dân trong thôn Chiềng Ai bị chia cắt hoàn toàn. Để khắc phục, mỗi khi nước rút, chính quyền địa phương đổ tạm đá hộc cho bà con đi lại. Nhưng trận lụt năm 2023 đã cuốn đi tất cả, hiện tại giao thông qua tràn rất khó khăn do mái tràn bị sụt lún, chân khay sạt lở, mặt tràn bị bong tróc…
Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng Bá Thước Trần Duy Tiến cho biết, hiện toàn huyện có 11/52 công trình ngầm tràn bị hư hỏng, ngập lụt cần sửa chữa. Biết là rất cấp thiết trước mỗi mùa mưa bão, nhưng huyện không đủ sức để đầu tư sửa chữa. Trong thời gian tới, chúng tôi rất mong Nhà nước đầu tư ngầm tràn để bà con đi lại xuyên suốt trong mùa mưa bão.
Tại xã Yên Nhân, huyện miền núi Thường Xuân vào mỗi mùa mưa bão, do địa hình dốc, nước đổ từ 2 con suối Hón Chao và Hón Tá dồn về hệ thống tràn trên con đường độc đạo nối 2 thôn: Mỵ và Phong với thế giới bên ngoài đã khiến tràn bị sạt lở, đứt gãy nghiêm trọng.
Điều này khiến đời sống của gần 1.000 nhân khẩu sinh sống tại 2 thôn nói trên bị đảo lộn và gặp nhiều khó khăn. Vào những ngày mưa lớn kéo dài, hầu hết các em học sinh trong bản đều phải nghỉ học, mọi hoạt động sinh hoạt thường nhật của bà con trong 2 bản đều phải chờ sau khi nước lũ rút.
Để khắc phục, chính quyền xã Yên Nhân đã huy động nhân dân góp vốn tu sửa tạm để lấy đường đi. “Nếu không được tu sửa và xây dựng kịp thời, đời sống của bà con tại 2 thôn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nếu cứ liều mình vượt tràn trong mùa mưa lũ. Hiện tại cũng chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước để làm tràn mới, chứ với thực tế hư hỏng hiện tại, việc kêu gọi đóng góp để làm tràn mới là điều không thể vì dân không đủ sức”, ông Lò Tinh Thần - Trưởng thôn Mỵ kiến nghị.
Còn tại đập tràn nằm trên tuyến giao thông huyết mạch nối xã Tân Bình (huyện Như Xuân) với các xã lân cận, sau nhiều năm đi vào sử dụng và hứng chịu các đợt mưa lũ, nên hiện trạng của tràn đã hư hỏng. Mỗi khi mùa mưa bão đến, tràn thường xuyên bị ngập sâu gây chia cắt giao thông và cô lập hàng trăm hộ dân…
Được biết, trên địa bàn 18 xã, thị trấn của huyện hiện có 203 ngầm, tràn. Hiện nhiều ngầm tràn được xây dựng đã lâu nên bị xuống cấp, không đảm bảo an toàn. Vào mùa mưa lũ, nước từ thượng nguồn sông suối đổ về với lưu lượng lớn, khiến mực nước tại các ngầm, tràn dâng nhanh, gây ngập sâu và chảy xiết, tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn đối với người và phương tiện khi lưu thông qua các vị trí này.
Cơ quan chức năng đã tiến hành thống kê, kháo sát, khoảng 100 ngầm tràn cần được sửa chữa, nâng cấp, cải tạo khá cấp thiết, với tổng mức kinh phí khoảng 336 tỷ đồng. Hiện UBND tỉnh đang có kế hoạch rà soát, ưu tiên phân bổ kinh phí để đầu tư các tràn hư hỏng nặng, thường xuyên ngập sâu kéo dài gây tắc đường mỗi khi có mưa lũ xảy ra.
Để “lựa cơm gắp mắm”, ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, các địa phương cũng phải huy động nguồn lực tại các xã, người dân đóng góp sửa ngầm tràn, để đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa lũ. Nhưng ở tại các huyện miền núi, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, nên việc huy động nguồn đóng góp là điều khó khả thi.