Nghệ An: Nâng cao hiệu quả công tác tôn giáo trong tình hình mới
Với việc tạo điều kiện để các cơ sở tôn giáo và đồng bào theo đạo đảm bảo tín ngưỡng theo pháp luật, xây dựng vững chắc cơ sở chính trị vùng giáo, định hướng, tuyên truyền kịp thời, làm tốt công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo nên trong nhiều năm qua, đồng bào có đạo ở tỉnh Nghệ An có nhiều đóng góp cho sự nghiệp ổn định chính trị, phát triển kinh tế xã hội.
Xóm Bắc Hồng – xã Diễn Hồng có 230 hộ, trong đó một nửa theo đạo Thiên chúa thuộc giáo họ Đông Khê. Để tạo được sự đoàn kết trong bà con lương giáo, Ban cán sự xóm cũng như Ban hành giáo họ đã khéo léo gắn phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” với 10 nội dung của cuộc vận động “sống tốt đời, đẹp đạo” với nhiều cách làm hợp lòng dân.
Đội ngũ cán bộ xóm thu hút cả những người trong Ban hành giáo cùng tham gia, nên mọi sinh hoạt tôn giáo đều được bàn bạc thống nhất hài hoà, liên kết để giải quyết ổn thỏa, công bằng mọi quyền lợi cũng như nghĩa vụ của bà con lương cũng như giáo. Nhờ đó, tuy lương giáo cùng sống trong một cộng đồng, nhưng chưa bao giờ ở đây xảy ra xích mích giữa bà con hai bên.
Các hoạt động tôn giáo đều thực hiện đúng chủ trương, pháp luật của Đảng, Nhà nước và quy ước, hương ước của xóm làng đề ra. Chính sự đoàn kết, nhất trí lương giáo đã tạo đà để bà con ở đây xây dựng đời sống ấm no hạnh phúc. Bắc Hồng là xóm đầu tiên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây dưa đỏ vào đồng ruộng ở Diễn Hồng, huyện Diễn Châu trồng rau hàng hoá trong vụ đông, không để đất hoang.
Bà con cũng năng động phát triển tiểu thủ công nghiệp, mở buôn bán dịch vụ tại đất bạn Lào. Vì vậy, đến nay thu nhập đầu người đã đạt 70 triệu đồng/năm, hộ giàu và khá chiếm tới 60%, hộ nghèo chỉ còn 0,6%, tỷ lệ gia đình đạt văn hoá đạt 87%. Chị Chu Thị Hảo, người dân xóm Bắc Hồng, xã Diễn Hồng, chia sẻ: Lương giáo ở đây rất hoà đồng, cả bên phụ nữ, bên nông dân, người cao tuổi. Khi nào bên giáo có việc gì thì các ban ngành và bà con bên lương đều phấn khởi góp sức ủng hộ nhiệt tình.
Gia đình anh Lê Vụ, xóm 8 xã Diễn Hải là một trong 30 điển hình giáo dân tiêu biểu thực hiện chính sách dân số toàn tỉnh Nghệ An. Để có được kết quả này, gia đình anh phải nỗ lực suốt cả quá trình dài. Hai con đã lớn, hai vợ chồng chịu áp lực từ nhiều phía cần phải tiếp tục sinh con.
Tuy nhiên, với mong muốn sinh ít con để tập trung xây dựng hạnh phúc gia đình nên vợ chồng không sinh thêm con, giành thời gian phát triển kinh tế. Đến nay, mô hình kinh tế kinh doanh hoa, cây cảnh của gia đình mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng và là điển hình phát triển kinh tế của xã.
Anh Vụ chia sẻ: “Gia đình chúng tôi là gia đình công giáo, cũng là dân biển, chúng tôi dừng lại hai con là việc rất khó khăn. Nhận thức được việc sinh ít con nên vợ chồng chúng tôi thống nhất bàn bạc với nhau dừng lại hai con giành thời gian phục vụ xã hội, gia đình và nuôi dạy con cái đến nơi đến chốn”.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, với việc đưa vào hoạt động cơ sở phật giáo chùa Cổ Am tại xã Diễn Minh nên số lượng phật tử trên địa bàn huyện Diễn Châu ngày càng tăng với trên 13 nghìn người. Không chỉ những ngày lễ lớn của phật giáo mà hàng ngày có rất đông người đến chùa sinh hoạt tâm linh.
Để đảm bảo việc tín ngưỡng của bà con theo đúng đường hướng phật giáo cũng như các quy định của chính quyền, sư trụ trì chùa phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương cùng đưa ra các quy định trong các hoạt động tại chùa.
Tại các buổi lễ, các vị Sư thầy kêu gọi mọi người phát huy truyền thống lịch sử Phật giáo Việt nam, đoàn kết, hòa hợp, tích cực tham gia hoạt động Phật sự: ích đạo - lợi đời; Cảnh giác với những hoạt động trá hình, lợi dụng Phật giáo gây tổn hại lợi ích Quốc gia, dân tộc; Tích cực bài trừ các hủ tục mê tín dị đoan, không phù hợp với giáo lý đạo Phật và truyền thống Dân tộc.
Nhà chùa còn thường xuyên tổ chức các hoạt động từ thiện giúp đỡ hàng trăm gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện. Nhờ đó mà tình hình an ninh trật tự tại chùa luôn đảm bảo, ý thức của phật tử, tín đồ du khách rất tôn nghiêm, không xẩy ra các hiện tượng hành đạo trái pháp luật.
Sư Trụ trì chùa Thích Tâm Thành cho biết: “Nhà chùa hướng dẫn và nhắc nhở bà con phật tử sinh hoạt phật pháp đúng với chính pháp, tránh trường hợp mê tín dị đoan và cũng phối hợp với cơ quan Nhà nước hướng dẫn cho bà con sinh hoạt Phật pháp theo sự quản lý của Nhà nước đúng theo Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đúng với Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo của Nhà nước”.
Hiện nay, Diễn Châu có trên 30 nghìn tín đồ công giáo sinh sống ở 22 xã, thị trấn, 30 nhóm đạo tràng với trên 13 nghìn phật tử. Để giúp đồng bào theo đạo hiểu và chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Diễn Châu tập trung làm tốt công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo dưới nhiều hình thức, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Hàng năm, huyện đều tổ chức tập huấn tuyên truyền pháp luật, kiến thức quốc phòng an ninh cho trên 500 chức việc tôn giáo, tăng ni phật tử, đồng thời tổ chức cho các giáo xứ, giáo họ, nhà chùa đăng ký sinh hoạt tôn giáo đúng quy định, luôn quan tâm đến các nhu cầu chính đáng về tôn giáo.
Bên cạnh đó, Diễn Châu cũng đã củng cố, xây dựng được hệ thống chính trị cơ sở vùng giáo với hơn 200 đại biểu HĐND, lãnh đạo, trưởng các đoàn thể từ huyện đến xóm. Toàn huyện có 500 mô hình kinh tế của bà con giáo dân cho thu nhập từ 200 triệu đồng trở lên, tỷ lệ gia đình giáo dân đạt văn hóa chiếm 78%.
Ông Nguyễn Xuân Khoa - Trưởng phòng Nội vụ Diễn Châu, cho biết: UBND huyện phối hợp với MTTQ các đoàn thể và ban Huyện ủy các phòng chuyên môn cùng với các xã Thị trấn hướng dẫn các quy trình thủ tục về sinh hoạt tôn giáo hợp pháp, làm tốt công tác tuyên truyền pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo, kịp thời giải quyết những sinh hoạt chính đáng, hợp pháp của bà con giáo dân.