Vụ nước sinh hoạt bẩn đục ở Vĩnh Bảo (Hải Phòng): Dân tiếp tục kêu cứu, thành phố chỉ đạo khẩn
Liên quan đến tình trạng nước sinh hoạt thường xuyên bẩn đục, có mùi tại một số xã ở huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng, mới đây, người dân địa phương tiếp tục có đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng. Sau khi nắm bắt thông tin, thành phố đã có chỉ đạo khẩn trương kiểm tra, xử lý.
Trước đó, ngày 16/10/2023, Báo Điện tử Công lý đăng bài “Vĩnh Bảo (Hải Phòng): Người dân một số xã 'bất an' về chất lượng nước sinh hoạt” phản ánh về tình trạng, thời gian qua, người dân một số xã như Trung Lập, Việt Tiến, Dũng Tiến hết sức lo lắng, bất an về việc nước sinh hoạt hàng ngày do nhà máy mini cung cấp thường xuyên vẩn đục, có mùi tanh, hôi thối. Người dân ở đây đã nhiều lần kiến nghị đến cơ quan chức năng địa phương, nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, tình trạng trên vẫn thường xuyên xảy ra.
Sau khi Báo Công lý phản ánh, người dân tiếp tục kiến nghị, cung cấp thông tin liên quan chất lượng nước sinh hoạt. Theo người dân xã Trung Lập, nước sinh hoạt cung cấp đến đây không chỉ thường xuyên vẩn đục, có mùi khó chịu, mà có cả vị mặn chát, cá biệt có hộ dân ở thôn Áng Dương ghi nhận cả xương chuột khi vặn nước trực tiếp tại vòi.
Mới đây, người dân xã Trung Lập tiếp tục có đơn kêu cứu gửi lãnh đạo thành phố, các cơ quan chức năng và cơ quan báo chí, đề nghị làm rõ chất lượng nguồn nước sinh hoạt và có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng trên.
Đại diện Phòng Y tế huyện Vĩnh Bảo cho biết, việc nước sinh hoạt cung cấp cho người dân không đảm bảo quy chuẩn chất lượng, đơn vị có thể tham mưu xử phạt, tạm đình chỉ hoạt động. Tuy nhiên, về lâu dài, để khắc phục triệt để tình trạng này thì cơ quan quản lý nhà nước về nước sinh hoạt nông thôn cần có giải pháp, tham mưu cho địa phương xử lý.
Theo Chánh Văn phòng UBND TP. Hải Phòng, ngay sau khi nắm bắt thông tin, UBND thành phố đã ban hành Văn bản số 972 ngày 19/2/2024, giao huyện Vĩnh Bảo kiểm tra, xác minh, xử lý, khắc phục ngay tình trạng cấp nước sinh hoạt không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng (nếu có); báo UBND thành phố trong tháng 2/2024.
Cùng với đó, Văn phòng UBND thành phố sẽ tiếp tục bám sát nội dung trên để kịp thời tham mưu cho lãnh đạo thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan và địa phương, bảo đảm cung cấp chất lượng sạch cho người dân.
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ năm 1998 đến 2015, thành phố đầu tư xây dựng 161 nhà máy cấp nước sinh hoạt nông thôn có công suất dưới 1.000m³/ngày đêm. Đến nay, do suy giảm chất lượng nguồn nước thô, có 62 nhà máy dừng hoạt động và chuyển giao vùng phục vụ. Về chất lượng cấp nước, hiện có 31 nhà máy hoạt động ổn định, duy trì chất lượng nước ổn định lâu dài; 27 nhà máy hoạt động bình thường, nhưng không có khả năng nâng cấp đáp ứng nhu cầu sử dụng lâu dài, 55 nhà máy khó duy trì chất lượng ổn định.
Tháng 11/2023, thành phố đã có kế hoạch cụ thể để xử lý các nhà máy nước không đảm bảo; trong đó qua các lần rà soát xác định đã có 15/55 nhà máy phải thực hiện xử lý ngay để đảm bảo chất lượng nước cung cấp cho người dân. Việc xử lý những nhà máy cung cấp nước không đảm bảo chất lượng, đến nay có 14/15 nhà máy đã thống nhất chuyển nhiệm vụ cấp nước cho đơn vị đủ điều kiện và đang triển khai thực hiện, kế hoạch đến năm 2025 hoàn thành hết các việc này.
Đối với những nhà máy nước không đảm bảo duy trì còn lại, thành phố giao Sở Y tế tiếp tục phối hợp các cơ quan, địa phương liên quan kiểm tra, rà soát chất lượng nước đảm bảo để cung cấp cho người dân.
Ngày 11/9/2023, UBND TP. Hải Phòng ban hành Quyết định số 31/2023/QĐ-UBND kèm theo Quy chuẩn QCĐP 02:2023/TPHP quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hải Phòng, được áp dụng từ ngày 1/10/2023.
Lộ trình đến năm 2025, 100% người dân khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố Hải Phòng sẽ được sử dụng nước đảm bảo quy chuẩn theo quy định.